Súng trường AK-47. Ảnh: Worldguns.
Dù khẩu súng này đạt được rất nhiều thành tựu nhưng trong thập kỷ 1960, Liên Xô vẫn tiến hành một cuộc cách mạng về cỡ đạn để cho ra đời dòng súng trường AK-74, phiên bản hiện đại hóa sâu rộng của AK-47. Hình dáng bên ngoài giữa hai mẫu súng khá giống nhau song chúng có sự khác biệt rất lớn.
Lịch sử ra đời
AK-47 được sáng chế vào năm 1947 và bước vào giai đoạn sản xuất đại trà năm 1949. Nó nhanh chóng trở thành súng trường tiêu chuẩn cho các lực lượng của Liên Xô, chủ yếu được biết đến với tên gọi AKM. Mikhail Kalashnikov và quân đội Liên Xô đã thiết kế mẫu súng này dựa trên khẩu súng trường tấn công đầu tiên trên thế giới, STG 44.
Vào thời điểm đó, nó đáp ứng quan điểm của Liên Xô về chiến tranh hiện đại khi mà hầu hết các cuộc giao tranh của lực lượng bộ binh diễn ra trong phạm vi 300m. AK-47 sử dụng đạn cỡ 7.62 x 39 mm được thiết kế có tầm bắn hiệu quả trong cự ly 300m.
AKM không chỉ phục vụ tốt cho Nga mà còn gây được tiếng vang trên toàn thế giới. Từ Đông Âu, châu Á đến Trung Đông và Nam Mỹ, AK-47 len lỏi vào mọi trận địa. Ngày nay, nó có mặt trong kho vũ khí của nhiều lực lượng quân đội, cảnh sát, thậm chí nằm trong tay của các băng nhóm tội phạm và khủng bố. Nếu một quốc gia nào có xung đột thì ở đó xuất hiện AK-47.
AK-74 ra đời vào năm 1974 và nhanh chóng thay thế AK-47 trở thành súng trường chủ lực của quân đội Liên Xô và sau đó là quân đội Nga. AK-74 do nhóm thiết kế của А.D. Kryakushin chế tạo dưới sự giám sát của Mikhail Kalashnikov. Sự ra đời của súng trường này, được xem là cách Liên Xô khắc phục các nhược điểm vốn có trên AK-47. Chính nó đã giúp Quân đội Nga không quá tụt hậu so với các nước phương Tây sau khi Liên Xô tan rã.
Về cơ bản, AK-74 sử dụng các hệ thống cốt lõi của AK-44. Nó đã sớm được thử lửa trong cuộc chiến tranh Xô Viết – Afghanistan (1979-1989). AK-47 có một số đặc tính giống với súng trường M16 của Mỹ và được giảm cỡ nòng để sử dụng loại đạn trung bình 5,45 x 39 mm.
Lợi thế của AK-47
Trước hết, nhờ cỡ nòng lớn hơn 30 caliber, AK-47 có thể phá hủy các rào cản, xuyên thủng mọi chướng ngại như gạch, gỗ, kính trong khi hầu như không giảm tốc độ. Đạn 7.62 × 39 mm có khả năng phá hủy và xuyên thủng các vật thể rất tốt.
AK-47 có nhiều chế độ bắn với tốc độ bắn liên thanh đạt 600 phát /phút. Đạn của súng AK-47 rời nòng với vận tốc 715 m/s. Hơn nữa, do đặc tính dễ sử dụng và có thể hoạt động tốt trong mọi môi trường, nên AK-47 được ưa chuộng hơn nhiều so với vũ khí cùng loại của các quốc gia khác. Giá thành của nó cũng khá rẻ so với nhiều loại súng trường của Mỹ.
Lợi thế của AK-74
Khi nói về súng trường, kích thước không phải là điều quyết định tất cả. Thời kỳ súng trường cỡ nòng 7.62 x 39 mm thống trị chiến trường đã qua và người Nga đã nhận ra tiềm năng của một khẩu súng trường có cỡ nòng nhỏ hơn.
AK-74 sử dụng loại đạn 5,45 x 39 mm, nhỏ hơn và nhẹ hơn so với đạn của AK-47. Loại đạn này có xu hướng phân mảnh khi chạm vào vật thể, trái lại, đạn 7.62 × 39 mm tạo ra một lỗ xuyên thẳng. Dù vậy, cỡ đạn tiêu chuẩn 5,45 x 39 mm cũng chưa thực sự hoàn hảo.
Do có hộp đạn nhẹ hơn nên súng cũng có độ giật nhẹ hơn so với AK-47, vì thế các xạ thủ sẽ dễ dàng điều chỉnh khi ngắm bắn mục tiêu. AK-74 có tầm bắn hiệu quả từ 500 đến 800m tùy vào từng loại mục tiêu và tầm bắn tối đa có thể lên đến 3.000m. Xét ở góc độ quân sự, AK-47 cho phép khai hỏa tự động một cách có kiểm soát để thực hiện nỗ lực áp chế.
Do đạn của AK-74 có trọng lượng nhẹ hơn so với AK-47 nên người lính có thể mang theo nhiều băng đạn này khi ra chiến trường. AK-74 cũng được sử dụng tại nhiều quốc gia, nhưng vẫn không thể sánh được với sự phổ biến của AK-47.
Khi đặt AK-47 và AK-74 lên bàn cân rất khó để quyết định khẩu súng nào ưu việt hơn. Nếu xạ thủ muốn gia tăng tầm bắn, tăng khả năng kiểm soát và sử dụng đạn nhẹ hơn thì AK-74 sẽ là lựa chọn đầu tiên. Còn nếu xạ thủ muốn sử dụng loại đạn rẻ hơn và dễ dàng tìm kiếm các phụ kiện thay thế cho khẩu súng thì AK-47 sẽ là lựa chọn hợp lý.