Đó là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại BVĐK khu vực Tân Châu, tỉnh An Giang.
Nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid (NSAIDs). Bài viết này cung cấp thông tin về sốc phản vệ để bạn đọc hiểu hơn về tai biến y khoa rất hiếm gặp trong tiêm chủng.
Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau.
Dị nguyên là yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, bao gồm thức ăn, thuốc và các yếu tố khác. Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.
Sốc phản vệ xảy ra khi một số chất hóa học được giải phóng bởi hệ miễn dịch trong phản vệ khiến cơ thể bị sốc. Đây là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng, dễ xảy ra trên nền cơ địa dị ứng, tức là có thể xảy ra với người này nhưng lại không xảy ra với người khác. Sự tương tác giữa kháng nguyên và kháng thể dẫn đến cơ thể xuất hiện một lượng lớn các yếu tố gây giãn mạch, thành mạch tăng tính thẩm thấu, huyết áp giảm, phế quản nhạy cảm quá mức, khiến cơ thể bị sốc phản vệ.
Nguyên nhân sốc phản vệ
Một số trường hợp xác định được nguyên nhân gây sốc phản vệ nhưng một số khác lại rất khó để xác định, có thể là do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Thuốc uống, thuốc tiêm, vắc-xin truyền dịch, thức ăn hoặc nọc côn trùng là những nguyên nhân dễ gây sốc phản vệ. Một số nguyên nhân khác cũng gây sốc phản vệ như: bị mất máu nhiều, cơ thể bị dập nát khi bị chấn thương,...
Các loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm đau chống viêm (non steroid - NSAIDs), thuốc giãn cơ, thuốc gây tê, gây mê là những nguyên nhân phổ biến nhất của sốc phản vệ do thuốc. Sốc do tiêm kháng sinh penicillin là loại sốc phản vệ hay gặp nhất. Nọc ong cũng là loại nọc côn trùng hay gặp gây sốc phản vệ. Thức ăn hàng ngày như trứng, lạc, các loại hải sản là những nguyên nhân thường gặp gây ra sốc phản vệ do thức ăn.
Cấp cứu bệnh nhân sốc phản vệ.
Cơ chế nảy sinh sốc phản vệ trải qua 3 giai đoạn
Giai đoạn 1 - giai đoạn mẫn cảm: Khi dị nguyên đi vào cơ thể qua đường tiêm truyền hoặc có thể do ăn uống, do hít phải hoặc tiếp xúc qua da, tình trạng phản vệ bắt đầu xảy ra. Để chống lại những chất lạ khi đi vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản xuất nhiều kháng thể đặc hiệu. Đối với những chất có hại thì đây là phản ứng hữu hiệu.
Tuy nhiên, một số trường hợp khác, hệ miễn dịch lại phản ứng một cách quá mẫn cảm với những chất vô hại như thức ăn... khi đó hệ miễn dịch sẽ khởi động chuỗi các phản ứng hóa học dẫn đến hiện tượng dị ứng.
Giai đoạn 2 - giai đoạn hóa sinh bệnh: dị nguyên kết hợp với kháng thể IgE từ tế bào plasma giải phóng nhiều loại hoạt chất trung gian: serotonin, histamin...
Giai đoạn 3 - giai đoạn sinh lý bệnh: Các hoạt chất trung gian gây tác động khiến động mạch bị giãn, huyết áp giảm, phế quản bị co thắt gây nên những cơn đau ở vùng bụng; đau đầu, choáng hoặc có thể là hôn mê.
Hậu quả của cơ chế này chính là tăng tính thẩm thấu mao quản và việc nhạy cảm quá mức của phế quản khiến mạch ngoại biên bị giãn, tính thẩm thấu thành mạch tăng, thể tích tuần hoàn bị giảm dẫn đến tụt huyết áp, hoạt động của cơ tim bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, phế quản bị co thắt, thanh quản bị phù nề, đường hô hấp bị hẹp lại gây nên tình trạng suy hô hấp cấp.
Sốc phản vệ được phân thành 4 mức độ
Nhẹ (độ I): Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.
Nặng (độ II): Có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan: mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
Nguy kịch (độ III): Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau: Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản; Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn; Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.
Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
Lưu ý mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự.
Thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân bị sốc phản vệ
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nguy hiểm có ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể, cần được xử lý và cấp cứu ngay lập tức, càng sớm càng tốt. Thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân bị sốc phản vệ là 30 phút, nếu kéo dài dễ gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Sốc phản vệ có rất nhiều triệu chứng khác nhau, tùy phản ứng phản vệ ở mỗi người. Có trường hợp, nhiều triệu chứng dị ứng xảy ra rầm rộ đồng thời cùng một lúc. Nhưng đa số trường hợp chỉ gặp triệu chứng thông thường như: da ngứa hoặc phát ban; miệng ngứa, họng, khó nuốt hoặc môi và lưỡi sưng; chảy nước mũi, hắt hơi; chân tay sưng; ho; nôn mửa nhiều; chuột rút hoặc tiêu chảy...
Một số triệu chứng của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay gồm: khó thở hoặc thở khó chịu; chóng mặt; huyết áp thấp; đau ngực hoặc tức ngực; mạch yếu và nhanh; lẫn lộn...
Các triệu chứng của sốc phản vệ có thể xấu đi rất nhanh chóng. Lúc đó, người bệnh cần được điều trị trong vòng từ 30-60 phút để tránh nguy hiểm tính mạng. Những dấu hiệu báo động cơn sốc phản vệ thường sẽ lặp đi lặp lại như: các triệu chứng xuất hiện vài phút sau khi chạm vào hoặc ăn những thứ gây dị ứng. Một số triệu chứng xuất hiện cùng một lúc như phát ban, sưng và ói mửa... Cơn đầu tiên của triệu chứng biến mất, nhưng sau đó lại có thể trở lại từ 8 giờ đến 72 giờ.
Cấp cứu bệnh nhân sốc phản vệ càng sớm càng tốt
Trước tiên, hãy đảm bảo rằng người bệnh cảm thấy thoải mái. Nâng cao chân họ để giúp lưu thông máu. Nếu người bệnh ngừng thở, cần cấp cứu hô hấp tuần hoàn và những hỗ trợ ban đầu cho đến khi xe cấp cứu đến.
Epinephrine (hoặc adrenaline) thường được dùng để điều trị sốc phản vệ. Thuốc được đưa vào cơ thể qua 1 ống tiêm tự động, chứa 1 kim có thể cung cấp cho 1 liều adrenalin tại một thời điểm. Nhiều người bị dị ứng nghiêm trọng được tiêm epinephrine bằng ống tiêm tự động. Điều này có thể giúp điều trị các triệu chứng dị ứng. Sau khi tiêm, triệu chứng sốc phản vệ sẽ cải thiện một cách nhanh chóng.