Đứa trẻ bị khiếm khuyết, gia đình đem cho
Ngày 15/2/1973, trong một gia đình nghèo, đông con ở tỉnh Đồng Tháp có một bé trai kháu khỉnh tên Lê Văn Thảo chào đời. Khoảng một tuần sau, thấy bụng của em bé chướng lên, không đi vệ sinh, gia đình mới kiểm tra thì tá hỏa phát hiện, đứa trẻ không có hậu môn.
Thời ấy, mọi người chưa có điều kiện để đi khám bệnh, cộng thêm việc thiếu hiểu biết, thấy đứa trẻ chào đời với khiếm khuyết ít gặp như vậy, cả nhà vô cùng hoang mang. Họ hàng, láng giềng biết chuyện đã sang góp ý, khuyên nên đem cho đứa trẻ để em bé có cơ hội được điều trị bệnh.
Chị Tám, thay mặt gia đình đi tìm người em trai út.
Người lớn trong nhà cùng nhau bàn bạc rồi quyết định làm theo lời khuyên của mọi người. "Mẹ tôi mới sinh nên yếu lắm, nằm một chỗ. Bố tôi thì đi làm thuê trên tận Sài Gòn, ông cũng buồn lắm, bảo đẻ 8 đứa con đều nuôi được, thế mà đến đứa này lại phải đem cho.
Nếu em khiếm khuyết tay, chân hay chỗ nào khác thì gia đình tôi sẽ giữ lại nuôi bằng mọi giá. Nhưng vì em bị như thế, gia đình chẳng biết làm thế nào", chị Lê Thị Mỡ (hay còn có tên khác là chị Tám), chị ruột của anh Thảo bộc bạch.
Chị Tám cùng một người cô ruột khi đó đã bế em trai mới sinh đem cho. Ngày ấy có một người phụ nữ tên Phước, ở nhà thờ Tấn Mỹ, An Giang chuyên nhận nuôi dưỡng, chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Khi đưa anh Thảo tới, các sơ ở nhà thờ nhận nuôi, ghi lại thông tin vè nói sẽ đưa em bé đến bệnh viện để phẫu thuật.
Chị Tám không ngừng khóc khi nhắc đến em trai.
Chị Tám nhớ, để tới được nhà thờ cần phải đi qua con sông lớn. Chị lúc đó còn nhỏ, không nghĩ sẽ đem em đi cho. Đến khi trao em xong chị mới biết, ngồi trên đò quay về, chị khóc rất nhiều, liên tục năn nỉ: "Quay xuống mang em về đi cô ơi, đừng có cho em đi".
Miền ký ức xa thẳm của chị Tám về em trai chỉ còn có vậy. Hơn một năm sau, bố mẹ chị Tám có tìm đến nhà thờ để nắm được tình hình của con. Tuy nhiên lúc này, bà sơ Phước đã qua đời, các sơ tại nhà thờ cho biết hàng năm có rất nhiều các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước về đây xin con nuôi.
Mỗi lần họ xin hàng chục, hàng trăm đứa trẻ và có thể em trai của chị Tám đã nằm trong số được nhận nuôi. Trong danh sách những đứa trẻ đã qua đời tại nhà thờ cũng không có tên anh Thảo. Kể từ đó, gia đình chị Tám không còn biết bất cứ thông tin nào về anh Thảo nữa.
Gia đình ai cũng suy nghĩ, không biết em trai giờ ra sao, sống thế nào, đang ở đâu?
Ân hận, day dứt, mong tìm được em
Suốt những năm tháng sau đó, gia đình chị Tám lúc nào cũng day dứt về đứa em trai thiệt phận. 8 anh chị em trong gia đình chị Tám giờ ai cũng đã có cuộc sống ổn định, đầy đủ, hạnh phúc, mọi người lại càng trăn trở khi nghĩ đến anh Thảo nhiều hơn. Không biết đứa em trai út giờ ra sao, đang ở đâu, sống thế nào?
Cứ mỗi dịp gia đình có cơ hội đoàn tụ đông đủ, cả nhà lại rơi nước mắt khi nhắc đến anh Thảo. Bố mẹ của chị Tám hiện đã qua đời. Nhưng khi còn sinh thời, ông bà cũng ân hận, đau đáu tìm con mà không được. Họ đi về nhà thờ năm xưa cho con nhưng bặt vô âm tín. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông bà vẫn nhắc về đứa con trai út của mình.
Gia đình khao khát tìm được đoàn tụ cùng em trai.
Thông qua một kênh Youtube chuyên kết nối tìm kiếm thân nhân thất lạc, chị Tám rất mong anh Thảo nếu có xem được những tin tức này, xin hãy liên hệ với gia đình. Hoặc cư dân mạng trong và ngoài nước biết được thông tin, mong có thể giúp đỡ, kết nối để gia đình có cơ hội tìm thấy người em thất lạc.
"Em có nhận được thông tin thì hãy tìm về với gia đình em nhé. Mọi người đều mong mỏi tin em nhiều lắm", chị Tám rơi nước mắt nhắn nhủ em trai.
Nguồn: Guufood