Ngày 28/7, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (UBKTKL) đã ra thông báo khai trừ đảng và chức vụ đối với Trương Việt, sinh năm 1961, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính pháp tỉnh ủy Sơn Đông kiêm Bí thư thành ủy Tế Nam.
Lý do là vì Trương Việt đã “bê trễ chức trách, chống lại sự thẩm tra của tổ chức, mê tín dị đoan; mưu lợi cho người khác trong việc đề bạt chức vụ và điều chuyển công tác; vi phạm quy định trong việc nhận lời tiệc tùng, dùng tiền công nhậu nhẹt, đánh golf; giao dịch quyền tiền, quyền sắc; lợi dụng tiện lợi về chức vụ mưu lợi cho người khác rồi nhận tiền và quà biếu, có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ”.
Căn cứ theo quy định liên quan, UBKTKL quyết định khai trừ đảng và chức vụ công đối với Trương Việt; tịch thu mọi thu nhập trái quy định, chuyển vấn đề phạm tội, manh mối và mọi tang vật cho cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật.
Giở đủ mọi chiêu để kiếm tiền
Theo báo chí, trong thời gian giữ chức ở Bộ Công an và Ủy ban Chính pháp tỉnh ủy, Việt đã buôn bán giấy thông hành đi Hong Kong, Macao và giấy phép sử dụng súng, giấy phép bảo lãnh tại ngoại cho người phạm tội, định mức nâng bậc cán bộ kiểm sát và thẩm phán tòa án.
Trương Việt.
Trương Việt cùng vợ và thân nhân bị phong tỏa tới 130 tài khoản với tổng số tiền lên tới 2,97 tỷ NDT (10.395 tỷ VND). Tại các căn nhà của Việt ở Thạch Gia Trang, Bắc Kinh, Tế Nam, Vô Tích và Vũ Hán đã tìm thấy 28 khẩu súng ngắn, tất cả đều do Đức chế tạo.
Theo tiết lộ, Việt bán mỗi giấy thông hành sang Hong Kong, Macao với giá từ 500 ngàn đến 1 triệu NDT; bán suất cán bộ kiểm sát, tòa án từ 500.000 đến 2,5 triệu NDT; mỗi giấy phép bảo lãnh phạm nhân tại ngoại từ 100.000 đến 1 triệu NDT; giấy phép sử dụng súng từ 20 đến 50.000 NDT.
Thông qua các ngân hàng chui, mỗi tháng Việt chuyển cho 2 cô người tình ở Australia và Đức, mỗi người 60.000 USD “sinh hoạt phí”. Một cô trước là nhân viên phiên dịch ở Văn phòng Ngoại sự chính quyền tỉnh đã sang Australia định cư tháng 5/2015.
Người còn lại là diễn viên múa Đoàn văn công Hải Chính của Bộ Tư lệnh Hải quân, chạy sang Đức định cư tháng 8/2015.
Qua điều tra được biết, từ đầu tháng 12/2014, Việt cảm thấy bất an nên đã chuẩn bị sẵn, hàng ngày khi đến cơ quan đều nhắn tin báo “vẫn bình an” cho vợ và 2 cô người tình.
Ngày 15/4/2016, sau khi Việt tham dự Hội nghị Ban thường vụ tỉnh ủy mở rộng về đến cơ quan thì bị cảnh sát bắt.
Các nhân viên điều tra kiểm tra điện thoại của Việt vẫn còn lưu lại tin nhắn lúc trưa cho 2 người tình ở nước ngoài với nội dung rất mùi mẫn: “Mỗi ngày xa cách như cả năm, lúc nào cũng nhớ, gắng sống bình an, đừng quay trở về”.
Thăng tiến vùn vụt nhờ tay vợ
Tạp chí Ifeng ngày 16/5 đưa tin, Mạnh Lợi (vợ Trương Việt) và Giả Hiểu Diệp (vợ Chu Vĩnh Khang) là đồng sự và bạn thân cùng làm trong kênh Kinh tế của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Giả Hiểu Diệp đã giới thiệu bạn và chồng bạn với Chu Vĩnh Khang. Thời điểm đó, Chu Vĩnh Khang đang là Phó Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật kiêm Bộ trưởng Công an.
Tạp chí “Lộ Tiêu” đưa tin, Mạnh Lợi từng là người dẫn chương trình của CCTV, sau chuyển sang làm nhà sản xuất cho kênh CCTV-2, thường lái chiếc Audi mang biển số quân đội đi làm mặc dù không phải là người của quân đội.
Năm 2001, Việt đã trở thành đệ tử của Khang rồi được Khang đề bạt từ Trợ lý Cục trưởng lên làm Phó Cục trưởng Công an Bắc Kinh.
Tháng 11/2003, Chu Vĩnh Khang đã điều Trương Việt lên bộ, trao chức Cục trưởng Cục 26. Đến tháng 12/2007, Khang lại “thả dù” Việt xuống tỉnh Hà Bắc làm Bí thư đảng ủy, Giám đốc Công an rồi kiêm luôn chức Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật tỉnh.
Cuối năm 2008, Việt được vào Ban thường vụ tỉnh ủy, hàm phó cấp bộ, nắm đại quyền sinh sát, thỏa sức vơ vét.
Trương Việt còn có quan hệ chặt chẽ với giới kinh doanh. Việt từng bị dính vào vụ án tham nhũng của Hoàng Quang Dụ, ông chủ Tập đoàn đồ điện Quốc Mỹ, kẻ từng là người giàu nhất Trung Quốc, bị tổ chuyên án để mắt tới, thế nhưng đã thoát tội một cách ngoạn mục.
Mối quan hệ quan trọng nhất của Việt là với Quách Văn Quý, người khống chế thực tế của Công ty đầu tư vốn Chính Tuyền Bắc Kinh. Quý dùng tiền “chiêu mộ” một số quan chức lập ra “Bàn Cổ hội” khét tiếng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia Mã Kiện (đã bị bắt) và Trương Việt đều là thành viên cốt cán của hội này cùng với nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận, Tổng thư ký tỉnh ủy Cảnh Xuân Hoa.
Báo chí từng tố giác Trương Việt lợi dụng quyền lực trong hệ thống Chính pháp Hà Bắc sai khiến cả ngành này phục vụ cho ông ta.
Cục Công an Thừa Đức, Cục Công an Bảo Định, Cục quản lý trại giam tỉnh đã trở thành “đội biệt động” của riêng Việt, cam chịu phục vụ để đám Quách Văn Quý kiếm bộn tiền trong các cú kinh doanh thương mại.