Sau Ukraine, cuộc chiến thứ hai ở châu Âu có thể bùng lên ở Kosovo

Thùy Dương |

Khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sắp tròn một năm, một điểm nóng khác ở châu Âu có nguy cơ châm ngòi lại một cuộc chiến tranh thứ hai trên châu lục này.

Sau Ukraine, cuộc chiến thứ hai ở châu Âu có thể bùng lên ở Kosovo - Ảnh 1.

Rào chắn ở phía Bắc thị trấn Mitrovica (Kosovo) ngày 28/12. Ảnh: Reuters

Theo tờ The Daily Beast, Kosovo là tâm điểm của cuộc chiến toàn diện ở châu Âu vào cuối những năm 1990 và những căng thẳng ở đó chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008, nhưng Serbia không công nhận.

Trong tuần này, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã đặt quân đội ở mức sẵn sàng chiến đấu cao nhất để bảo vệ các khu vực sắc tộc Serbia ở phía Bắc Kosovo mà ông nói đang bị Kosovo đe dọa. Ông Vucic cho biết quân đội Serbia sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ người dân và Serbia.

Bộ Nội vụ Serbia cũng nhấn mạnh tất cả các đơn vị sẽ ngay lập tức đặt dưới sự chỉ huy của tổng tham mưu trưởng. Trước đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội Serbia, Tướng Milan Mojsilovic đã được phái đến khu vực biên giới với Kosovo hôm 25/12.

Tiếp đó, ngày 28/12, Tổng thống Vucic đã kêu gọi người Serbia ở Kosovo chấm dứt các cuộc biểu tình chống lại chính quyền Kosovo, trấn an rằng họ sẽ không bị truy tố. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Petar Petkovic, Giám đốc Văn phòng của người Serbia tại Kosovo cho biết: “Chúng tôi đã được Mỹ và Liên minh châu Âu đảm bảo rằng không ai trong số những người Serbia ở Kosovo tham gia biểu tình và dựng rào chắn sẽ bị truy tố hoặc bắt giữ”.

Trước đó, có thông tin nói rằng người Serbia ở Bắc Kosovo và Metohija đã dựng các rào chắn trên các con đường ở Kosovska Mitrovica. Họ đã phải hành động như vậy khi có thông báo rằng lực lượng an ninh Kosovo đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Về phần mình, ngày 28/12, Kosovo đã đóng cửa khẩu lớn nhất sau khi những người biểu tình phong tỏa khu vực này bên phía Serbia. Do hai cửa khẩu khác trên biên giới Serbia bị đóng cửa kể từ ngày 10/12, hiện chỉ còn ba điểm nhập cảnh giữa hai bên vẫn mở.

Trước đó, ngày 27/12, Bộ trưởng Nội vụ Kosovo Xhelal Svecla cáo buộc Serbia, dưới sự chi phối của Nga, đang có ý định gây bất ổn cho vùng lãnh thổ này thông qua biện pháp hỗ trợ người thiểu số Serbia ở miền Bắc Kosovo - những người đã chặn đường và biểu tình suốt gần 3 tuần qua.

Điện Kremlin đã bác bỏ những tuyên bố trên, nhấn mạnh rằng Serbia chỉ đơn giản là bảo vệ quyền của người sắc tộc nước này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng nỗ lực hòng phá vỡ tầm ảnh hưởng của Nga là hoàn toàn sai lầm.

Căng thẳng bùng phát khi ngày 10/12, người thiểu số Serbia ở phía Bắc Kosovo đã dựng 9 rào chắn chia cắt khu vực có khoảng 50.000 người sắc tộc Serbia sinh sống, khiến chính quyền Kosovo do người Albania đa số lãnh đạo phản ứng tức giận.

Thông tin về vụ nổ súng gần một đơn vị tuần tra gìn giữ hòa bình của NATO đã gây ra làn sóng căng thẳng mới nhất.

Sau Ukraine, cuộc chiến thứ hai ở châu Âu có thể bùng lên ở Kosovo - Ảnh 2.

Cảnh sát Kosovo tuần tra ở phía Bắc thị trấn Mitrovica, Kosovo ngày 28/12. Ảnh: Reuters

Trước xung đột ở Ukraine, Kosovo là nơi chứng kiến cuộc chiến gần đây nhất ở châu Âu. Cuộc chiến này kết thúc khi NATO phát động chiến dịch quân sự do Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton ra lệnh vào tháng 3/1999 và kéo dài trong 78 ngày.

Serbia cuối cùng đã ký hiệp định hòa bình, đồng ý rời khỏi Kosovo, nhưng hai bên chưa bao giờ hưởng hòa bình thực sự. Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO đã có mặt tại Serbia và Kosovo từ năm 1999. Cuộc chiến đó đã khiến trên 600.000 người Kosovo phải tị nạn ở châu Âu.

Những căng thẳng mới nhất xảy ra ở Kosovo trong bối cảnh có cảnh báo rằng các phe phái ở mỗi bên có thể lợi dụng khi thế giới đang chú ý vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Chính quyền Kosovo chưa xác nhận hay bác bỏ thông tin cho rằng họ đang lên kế hoạch tấn công vào các khu vực sắc tộc Serbia ở phía Bắc.

Ngày 28/12, Liên minh châu Âu và Mỹ kêu gọi Kosovo và Serbia có các bước đi ngay lập tức để giảm căng thẳng trong bối cảnh bất ổn đang gia tăng tại khu vực cửa khẩu biên giới.

Trong tuyên bố chung, Liên minh châu Âu và Mỹ cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và hành động ngay lập tức để giảm căng thẳng một cách vô điều kiện và kiềm chế các hành động khiêu khích, đe dọa hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm giải quyết tình hình”.

Ngày 27/12, Thụy Sĩ đã kêu gọi Serbia và Kosovo tránh các hành động và lời lẽ có thể làm trầm trọng thêm tình hình ở miền Bắc Kosovo. Thụy Sĩ cho rằng KFOR (lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu ở Kosovo) và EULEX (Phái bộ pháp quyền của EU tại Kosovo) là chìa khóa để duy trì trật tự và an toàn của các cộng đồng địa phương ở miền Bắc Kosovo”.

KFOR cũng ra tuyên bố ủng hộ đối thoại giữa tất cả các bên để xoa dịu căng thẳng ở miền Bắc Kosovo. Trong tuyên bố, Thiếu tướng Angelo Michele Ristuccia nhấn mạnh: “Điều tối quan trọng là tất cả các bên liên quan phải tránh mọi phát ngôn hay hành động có thể gây căng thẳng và leo thang tình hình. Nên tìm ra giải pháp thông qua đối thoại".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại