Sau hình ảnh súng ống trên Facebook là thất bại cay đắng của Mỹ

Thùy Trang |

Nếu muốn mua sắm vũ khí, những tên khủng bố tại Trung Đông chẳng phải tìm kiếm ở đâu ngoài Facebook, nơi cung cấp đa dạng các chủng loại từ súng, lựu đạn cho tới tên lửa.

Các khu chợ online này xuất hiện nhiều nhất ở khu vực có sự hiện diện đông đảo của IS, với những loại vũ khí phần nhiều là loại Mỹ phân phối cho lực lượng ủy nhiệm và an ninh ở Trung Đông, theo New York Times.

Súng hạng nặng và tên lửa vác vai cũng được chào bán

Nhiều thương vụ đã được thực hiện sau khi các tài khoản đăng tải những hình ảnh trông có vẻ như chỉ là để giới thiệu đơn thuần vào một số nhóm kín chuyên về vũ khí trên Facebook.

Trong số các vũ khí được chào bán, bên cạnh súng máy phòng không hạng nặng, còn có những loại phức tạp và sức công phá lớn hơn, như tên lửa dẫn đường chống tăng hay tên lửa phòng không vác vai.

Theo ghi nhận của Trung tâm nghiên cứu vũ khí (ARES), từ tháng 9/2014, đã có ít nhất 97 vụ giao dịch lậu tên lửa, súng hạng nặng, súng phóng lựu, súng trường xuyên thép... được thực hiện ở Libya qua Facebook.


Một vài loại súng được rao bán trên Facebook ở Libya. Ảnh: The NY Times

Một vài loại súng được rao bán trên Facebook ở Libya. Ảnh: The NY Times

Tuy nhiên, theo ông Nic R. Jenzen-Jones, giám đốc ARES, súng máy hay tên lửa chỉ là một phần nhỏ của đường dây buôn lậu vũ khí trên Facebook và các ứng dụng mạng xã hội khác.

Súng ngắn, súng trường các loại như Kalashnikov hay súng trường đối kháng, cùng các vũ khí bộ binh khác đang được nhiều tay súng Trung Đông sử dụng đang chờ được "về tay" chủ mới.

Ở Libya, các trang thiết bị khác dùng cho hoạt động quân sự như đạn dược, tấm chắn chống đạn, lựu đạn cầm tay, đồng phục (bao gồm cả cảnh phục), thậm chí cả camera hồng ngoại dùng để nhìn trong bóng tối cũng được chào bán.

"Buôn lậu vũ khí online trên diện rộng đến mức này quả thật là đáng ngạc nhiên. Rõ ràng điều này cần được chú ý theo dõi và kiểm soát kĩ càng hơn" - Nicolas Florquin, một điều phối viên nghiên cứu tham gia vào cuộc điều tra của ARES nhận định.

Vũ khí từ Mỹ còn nguyên nhãn kiểm kê đã được "chào hàng"

Tại Iraq, chợ vũ khí trên Facebook dường như là biểu hiện rõ ràng cho sự thất bại của chương trình đào tạo và cung cấp vũ khí Mỹ áp dụng tại Trung Đông.

Hình ảnh nhiều loại vũ khí do Lầu Năm Góc cung cấp cho quân đội chính phủ Iraq trong thời gian đóng quân tại đây đã được đăng tải tại đây.

Có thể kế đến súng các-bin M4, súng trường M16, súng tiểu liên MP5... rất nhiều trong số đó vẫn còn nguyên nhãn kiểm kê và các phụ tùng quân đội Mỹ thường sử dụng.

Những loại vũ khí này từ lâu đã nhan nhản khắp các chợ đen ở Iraq, dù có được quảng cáo trên mạng xã hội hay không. Nhưng Facebook thực sự đã mở ra "chân trời" mới cho cả người bán và người mua, khiến giao dịch dễ dàng, đa dạng hơn bất kì thị trường nào khác.

Tương tự, vũ khí tương tự loại Mỹ trang bị cho phe nổi dậy Syria cũng được mang ra giao dịch trên Facebook và các mạng xã hội khác.

NY Times dẫn ra một ví dụ gần đây về việc, một tài khoản Facebook ở phía bắc Syria đã rao bán khẩu Kalashnikov mà theo anh ta là từ phong trào Hazm, "chưa từng bắn một phát nào", đồng thời gợi ý về việc giảm giá hoặc tặng quà kèm theo.


Có một bệ phóng tên lửa TOW, mới hoàn toàn, ai cần hãy liên lạc với chúng tôi qua tin nhắn hay WhatsApp. Ảnh: The NY Times

"Có một bệ phóng tên lửa TOW, mới hoàn toàn, ai cần hãy liên lạc với chúng tôi qua tin nhắn hay WhatsApp". Ảnh: The NY Times

Một lần khác, từ tháng 10/2015, trong một nhóm trao đổi vũ khí trên Facebook cũng xuất hiện tin quảng cáo về "bệ phóng tên lửa TOW", một hệ thống tên lửa chống tăng được Mỹ trang bị cho phe nổi dậy Syria.

Vì sao dễ dàng như vậy?

Monika Bickert, cựu công tố viên liên bang, hiện chịu trách nhiệm về xây dựng các chuẩn mực về nội dung của Facebook đã gọi chính sách hiện nay của mạng xã hội là "có tính cách mạng", phản ánh chuyển biến lớn trong cộng đồng mạng xã hội

"Khi mới ra đời, không có cách nào đưa thương mại vào Facebook" - Bà nói.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, công ty đã thêm vào một vài tính năng hỗ trợ buôn bán, cũng như cho phép người dùng thanh toán thông qua Messenger (dịch vụ gửi tin nhắn).

"Khi cung cấp những tính năng như vậy, chúng tôi nghĩ mình muốn làm rõ rằng mạng xã hội này không muốn tạo điều kiện cho các giao dịch vũ khí trái phép" - Bà Bickert nhấn mạnh.

Hiện nay, vẫn chưa rõ đường dây buôn lâu vũ khí trên Facebook đã lớn đến mức nào, tuy nhiên, số lượng các tin chào bán tăng khá nhanh và ngày càng nhiều loại vũ khí mới được đăng tải lên.


Các nhóm kín được những kẻ buôn lậu vũ khí sử dụng để buôn bán vũ khí tại Iraq và Libya. Ảnh: The NY Times

Các nhóm kín được những kẻ buôn lậu vũ khí sử dụng để buôn bán vũ khí tại Iraq và Libya. Ảnh: The NY Times

Nhìn chung, nếu tính toàn toàn bộ dữ liệu về việc buôn bán vũ khí trên Facebook ở toàn Trung Đông, "chúng tôi thu được khoảng 6.000 vụ, nhưng có lẽ con số thực tế lớn hơn rất nhiều" - Ông Jenzen-Jones cho biết.

Trước khi Facebook tuyên bố cấm buôn bán vũ khí qua mạng xã hội, thì một vài nhóm kín, nơi những kẻ buôn lậu vũ khí vẫn lợi dụng để đăng tải hình ảnh súng ống đã hoạt động hơn hai năm, và có tới vài nghìn thành viên.

Facebook đã triển khai một nhóm được gọi là Hoạt động Cộng Đồng sẽ xem xét các báo cáo bằng nhiều thứ tiếng và sau đó là loại bỏ những nội dung xấu. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách này thế nào thì vẫn chưa rõ ràng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại