Sau F-16, Ukraine muốn có được tiêm kích nào để duy trì sức chiến đấu trước Nga?

Mai Trang/VOV.VN (Tổng hợp) |

Ukraine đang tìm cách trang bị cho lực lượng không quân các máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển. Loại tiêm kích này được coi là một lựa chọn phù hợp hơn với Ukraine do khả năng tương thích với cơ sở hạ tầng hạn chế.

Nhiều máy bay chiến đấu sắp tới Ukraine

Sau nhiều tháng kêu gọi tăng cường cho lực lượng không quân Ukraine, chuyến thăm Hà Lan và Đan Mạch của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã mang lại kết quả đầy hứa hẹn.

Đan Mạch và Hà Lan ngày 20/8 tuyên bố sẽ cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, sau khi được Mỹ "bật đèn xanh".

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết nước này sẽ gửi 19 chiếc F-16 cho Ukraine theo lộ trình: 6 chiếc vào dịp Năm mới, 8 chiếc vào năm 2024 và 5 chiếc vào năm 2025.

Sau F-16, Ukraine muốn có được tiêm kích nào để duy trì sức chiến đấu trước Nga? - Ảnh 1.

F-16 Fighting Falcon của Không quân Mỹ. Ảnh: ABC News

Hà Lan có tất cả 42 chiếc máy bay F-16 nhưng vẫn chưa quyết định liệu có tặng tất cả cho Ukraine hay không.

Để đáp ứng các điều kiện tiên quyết cho việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16, các phi công Ukraine phải trải qua ít nhất 6 tháng huấn luyện trên máy bay, tuân theo các điều kiện do Mỹ đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, các phi công và nhân viên mặt đất của lực lượng không quân Ukraine đã bắt đầu tham gia khóa huấn luyện vận hành máy bay chiến đấu F-16.

Việc chấp thuận gửi máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan cho Ukraine thể hiện quyết định đảo ngược đáng kể của chính quyền Tổng thống Biden. Trước đó, Mỹ đã từ chối chấp thuận cho bất kỳ hoạt động chuyển giao hoặc huấn luyện sử dụng máy bay chiến đấu nào cho Ukraine do lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng với Nga.

Sự thay đổi này báo hiệu một động thái mới từ Mỹ trong việc đẩy nhanh triển khai máy bay chiến đấu tới tiền tuyến, do lo ngại ngày càng tăng về tốc độ trong cuộc phản công của Ukraine.

Tiêm kích Gripen có tăng cường sức mạnh cho Ukraine?

Ukraine đang tìm cách trang bị cho lực lượng không quân các máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển. Loại tiêm kích này được coi là một lựa chọn phù hợp hơn với Ukraine do khả năng tương thích với cơ sở hạ tầng hạn chế.

Sau F-16, Ukraine muốn có được tiêm kích nào để duy trì sức chiến đấu trước Nga? - Ảnh 2.

JAS 39E Gripen trong chuyến bay thử nghiệm. Ảnh: The Drive

Ngày 20/8, Tổng thống Zelensky tuyên bố quân đội Ukraine đã bắt đầu tham gia các chuyến bay thử nghiệm liên quan đến máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển.

"Chúng tôi đang cố gắng để tăng cường khả năng phòng không. Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất, nhưng tôi chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn thành", nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Tổng thống Zelensky nói thêm rằng Ukraine và Thụy Điển đã "thảo luận chi tiết về những hướng đi tiếp theo liên quan khả năng mở ra vấn đề tiếp nhận máy bay phản lực Gripen", mô tả đây là loại "máy bay chiến đấu hiện đại và tuyệt vời của Thụy Điển".

Ông cho biết thông qua quá trình đàm phán, Ukraine đang dần tiến tới thời điểm nhận được máy bay chiến đấu Gripen từ Thụy Điển.

Được thiết kế với mục tiêu mang lại hiệu quả chiến đấu tối đa, Gripen là tiêm kích có trọng lượng nhẹ đến trung bình. Máy bay chiến đấu này mang thiết kế chiến lược, giúp chúng có thể được bảo trì ở những cơ sở từ xa.

Tiêm kích Gripen được cho là sẽ hỗ trợ khả năng chiến đấu của Ukraine nhờ hệ thống radar và sự tương thích với tên lửa tầm xa AIM-120 và Meteor.

Gripen có thể được trang bị các vũ khí như pháo 27mm, tên lửa không đối không tầm ngắn Sidewinder, Darter, IRIS-T, tên lửa không đối đất chiến thuật AGM-65 Maverick, tên lửa chống hạm RBS-15,…

Khả năng tối ưu hóa của Gripen từ các căn cứ phân tán và đường bay ngắn, quá trình bảo trì đơn giản và chi phí vận hành thấp khiến tiêm kích này trở thành một ứng viên phù hợp cho lực lượng không quân Ukraine.

Gripen được thiết kế để phù hợp với việc triển khai rộng rãi trong các tình huống khó khăn, đặc biệt là trong môi trường lạnh giá khắc nghiệt. Máy bay chiến đấu này có chiều dài 14,1m, sải cánh 8,4m, chiều cao 4,5m, khối lượng cất cánh tối đa 14 tấn.

Gripen sử dụng động cơ Volvo RM-12 dựa trên động cơ tuabin phản lực cánh quạt F404 được sử dụng trên tiêm kích Hornet của Hải quân Mỹ với cánh quạt được thiết kế lại để hạn chế phản xạ radar và cũng như hạn chế việc phải tháo rời khi bảo trì. Động cơ này giúp Gripen có thể đạt tốc độ tối đa 2.450 km/h, tầm hoạt động 3.250km và trần bay 16km.

Thiết kế đặc biệt giúp Saab JAS 39 Gripen có thể vừa bay gần như thẳng đứng, vừa tấn công mục tiêu của đối phương. Ngoài ra, hệ thống radar Ericsson giúp Gripen có thể dễ dàng phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Bên cạnh đó, Ukraine đang hợp tác với Thụy Điển để sản xuất xe bọc thép CV90 nhằm hỗ trợ lực lượng Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine đã có một thỏa thuận mới với Thụy Điển về việc sản xuất СV90 tại Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại