Bác sĩ phải áp dụng kỹ thuật chuyên sâu can thiệp nội mạch, dẫn lưu não thất, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết não thất và phẫu thuật kẹp túi phình.
Đột quỵ do túi phình
Bác sĩ phải áp dụng kỹ thuật chuyên sâu can thiệp nội mạch, dẫn lưu não thất, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết não thất và phẫu thuật kẹp túi phình.
Bệnh nhân nam Phạm Minh T., 27 tuổi, địa chỉ: Sóc Trăng, được tuyến trước chuyển đến vào lúc 23 giờ ngày 16/11/2020.
Theo thông tin người nhà bệnh nhân, bệnh nhân than nhức đầu nhiều và đột ngột hôn mê, được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu.
Tại đây các bác sĩ đã chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não và chuyển chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán: Xuất huyết nội sọ.
Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu. Xác định đây là trường hợp có nguy cơ tử vong rất cao nếu không xử trí kịp thời, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã tiến hành hồi sức tuần hoàn và hô hấp cho bệnh nhân. Khi tình trạng bệnh cho phép di chuyển, bệnh nhân đã được chụp cắt lớp vi tính (CLVT) mạch máu não để tìm nguyên nhân xuất huyết não.
Tuy nhiên chỉ thấy được hình ảnh xuất huyết lan tỏa ở vùng chẩm trái và chảy vào hệ thống não thất.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền. Kết quả chụp cho thấy có búi dị dạng động tĩnh mạch não vị trí gần não thất bên ở bên trái; các bác sỹ đã tiến hành nút dị dạng và bảo toàn các nhánh mạch máu lành.
Hình ảnh dị dạng mạch máu não
Sau khi nút dị dạng thành công, bệnh nhân được tiếp tục phẫu thuật để dẫn lưu máu và dịch trong não thất ra ngoài làm giảm áp lực trong sọ. Tổng thời gian can thiệp và phẫu thuật khoảng 3 giờ. Tình trạng sau khi phẫu thuật còn rất nặng, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và hồi sức tích cực tại khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức.
Hiện nay, sau 24 ngày điều trị tích cực bệnh nhân tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tự thở và đang tiếp tục được điều trị phục hồi.
GS Phạm Gia Khải – nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam cho biết dị dạng mạch máu não là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở người trẻ tuổi.
Đây được coi là sát thủ âm thầm mà không ai biết. Điều nguy hiểm đó là những người đột quỵ do dị dạng mạch máu não thường nặng và nguy cơ tử vong rất cao.
GS Khải cho biết bệnh do bẩm sinh và người mang bệnh không hề biết mình có dị dạng mạch máu não chỉ một số sàng lọc phát hiện sớm được còn đa số chỉ phát hiện khi có cơn tai biến xảy ra.
Dị dạng mạch máu não là những bất thường bẩm sinh phát triển từ tuần thứ tư đến tuần thứ tám của thai kỳ khiến động mạch thông nối trực tiếp với tĩnh mạch không qua mạng lưới mao mạch trung gian.
Cả gia đình có nguy cơ đột quỵ
Ví dụ như trường hợp bệnh nhân GS Khải từng tiếp nhận đó là bệnh nhân có tiền sử dị dạng mạch máu não. Điều đáng tiếc, bố của bệnh nhân cũng bị đột quỵ năm 41 tuổi và qua đời. Nhiều năm sau, người anh trai cũng qua đời do đột quỵ sau khi chơi tennis lúc 34 tuổi.
Với bệnh nhân này, các búi dị dạng mạch máu não thể hiện rất rõ trên CT và bác sĩ khuyên bệnh nhân nên tiến hành can thiệp, theo dõi để dự phòng xuất huyết não.
CTscan bệnh nhân T.ngày 16/11/2020 khi nhập viện
GS Khải nhấn mạnh những người đang khỏe mạnh nhưng đột nhiên bị đau đầu dữ dội, bất ngờ vì chủ quan khiến cho việc điều trị muộn.
Các dấu hiệu điển hình của dị dạng mạch máu não bao gồm: Nhức đầu, chóng mặt (triệu chứng nhẹ), mờ mắt, đau đầu dữ dội, tăng huyết áp, động kinh, lên cơn co giật. Liệt nửa người, loạn ngôn, không nói được, ý thức mơ màng hoặc hôn mê
GS Khải cho biết đối với với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phí… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu.
Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.