Từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận 30 vụ việc với tổng số tiền bị lừa đảo lên đến 30 tỷ đồng. Vụ việc có số tiền mà nạn nhân chuyển đi nhiều nhất là 4 tỷ đồng.
“Bốc hơi” 200 triệu đồng trong nháy mắt
Ngày 31-7, bà Trần Minh T., trú tại Hà Nội nhận được một cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo bà có một bưu phẩm gửi đến và đọc luôn bưu phẩm của ngân hàng thông báo bà T. đang nợ số tiền 38 triệu đồng.
Bà T. hết sức bất ngờ vì mình không hề nợ số tiền nào thì được người này lý giải là có thể bà đã bị tội phạm đánh cắp thông tin cá nhân và sẽ nối máy để bà T. báo với Công an thông qua số máy 1068.
Sau đó, một người đàn ông tự xưng là Thiếu úy Nguyễn Văn Thiện tiếp dân thông báo tài khoản của bà T. đã liên quan đến một đường dây rửa tiền quốc tế và tài khoản này đã rút của ngân hàng số tiền 20 tỷ đồng.
Sau đó họ chuyển máy cho bà T. gặp ông Tiến, đội trưởng CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh. Ông Tiến cho biết, bà T. đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát.
Khi bà T. đang bối rối chưa biết chuyện gì xảy ra thì họ lại tiếp tục chuyển máy cho ông Sơn tự nhận là người của Bộ Công an được cử vào để phá vụ án này.
Ông Sơn cho biết đang cầm lệnh bắt bà T. và chồng bà cùng 17 đơn tố cáo liên quan đến vụ rửa tiền.
Bà T. rất lo lắng, sợ sệt và nói với ông Sơn là bà không hề có số tiền 20 tỷ đồng trong tài khoản thì người đàn ông này yêu cầu bà T. phải chứng minh. Ông ta biết bà T. có gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng.
Để chứng minh, bà T. phải chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm đến ngân hàng SCB số 37 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và mở internetbanking để cơ quan thanh tra của Bộ Công an thẩm định trong vòng 24h và sẽ trả lại tiền nếu số tiền này không liên quan đến vụ án.
Người đàn ông này còn đe dọa thêm, nếu bà T. không chuyển tiền nhanh sẽ lập tức bắt vợ chồng bà T., các trinh sát đang theo dõi và bao vây chồng bà T..
Đồng thời tuyệt đối không được tiết lộ với người thứ 3 nếu không sẽ bị bắt giam về tội che giấu tội phạm và phải đi tù 20 năm.
Quá lo sợ, bà T. đã ra ngân hàng chuyển 1,4 tỷ đồng vào tài khoản. Sau đó, bà T. lại tiếp tục bị yêu cầu đăng ký gửi tin nhắn giao dịch vào số điện thoại 01283946904 và nói rằng đây là mã số bí mật của Bộ Công an để bảo mật tài khoản của bà T..
Nếu bà T. không làm theo yêu cầu thì sẽ bị bắt ngay.
Không dừng ở đó, đối tượng này còn nói rằng, tội phạm đang theo dõi con bà T. ở trường, nếu không làm theo thì không thể đảm bảo sự an toàn cho con bà. Sau đó, người đàn ông này đã tiếp tục yêu cầu bà T. cung cấp Username của tài khoản.
Ngay sau đó, tài khoản của bà T. báo đã bị chuyển 200 triệu đồng đến tài khoản có tên Hoàng Thị Bích.
Như chợt bừng tỉnh, bà T. vội vàng đến ngân hàng để phong tỏa tài khoản. Sau khi bà T. phong tỏa tài khoản thì liên tiếp nhận được các cuộc điện thoại uy hiếp bà vì đã chống lệnh và sẽ bị bắt.
Biết mình đã bị lừa đảo và mất số tiền 200 triệu đồng, bà T. đã làm đơn gửi Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội.
Đối tượng cầm đầu ở nước ngoài
Vụ việc trên đây chỉ là một trong 30 vụ việc mà Đội Phòng Chống tội phạm sử dụng mạng máy tính, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội tiếp nhận từ đầu năm 2017.
Theo Trung tá Lê Ngọc Trí, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng mạng máy tính thì thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo sử dụng để lừa người dân chuyển tiền qua tài khoản khá giống nhau.
Chúng sẽ gọi điện thoại tới máy bàn của người dân, tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo có bưu phẩm với nội dung người dân đang nợ ngân hàng 1 khoản tiền nếu không thanh toán thì đối tượng sẽ nói rằng có ai đã đánh cắp thông tin cá nhân để mở và tiêu số tiền đó nên sẽ giúp nối máy với Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra giúp.
Tiếp đó, đối tượng khác xưng là cán bộ cơ quan TP Hồ Chí Minh thông báo người dân là nghi phạm trong một vụ án rửa tiền bất hợp pháp với số tiền nhiều tỷ đồng.
Sau đó, đối tượng chuyển máy cho người xưng là cấp trên đồng thời khuyên người dân đề nghị cấp trên mở 1 cuộc giám định. Theo yêu cầu của đối tượng, người dân đến ngân hàng, mở 1 tài khoản mới đứng tên của chính người dân, nhưng phải sử dụng số điện thoại của “hội đồng thanh tra” cung cấp để làm số điện thoại đăng ký dịch vụ internetbanking và chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản trên.
Sau đó người dân mới biết mình bị lừa và trình báo cơ quan Công an. Trung tá Lê Ngọc Trí cho biết, qua các vụ việc trình báo đến cơ quan Công an thì nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo hướng tới chủ yếu cán bộ hưu trí, giáo viên… những người luôn chấp hành pháp luật tốt nên khi nghe điện thoại thường nhanh chóng thực hiện yêu cầu của những người tự xưng là Công an.
Thậm chí, có vụ việc các đối tượng còn làm giả lệnh bắt giam, gửi cho nạn nhân xem thông qua điện thoại. Đội đã từng tiếp nhận vụ việc trong đó nạn nhân là một cán bộ hưu trí tại Hà Nội đã chuyển số tiền lên đến 4 tỷ đồng cho 3 tài khoản với thủ đoạn như trên. Sau khi tỉnh táo trở lại, ông đã đến cơ quan Công an trình báo.
Một trong những khó khăn trong quá trình đấu tranh làm rõ các vụ việc này chính là việc các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường ở nước ngoài, liên lạc qua internet vào Việt Nam mà các nhà cung cấp internet lại không thể phát hiện được IP.
Công tác phối hợp với Công an một số nước không có kết quả do đó không xác định được đối tượng hoặc không bắt được kẻ chủ mưu, cầm đầu.
Đặc biệt, quá trình xác minh cũng cho thấy các chủ tài khoản ngân hàng mà nạn nhân chuyển tiền vào không phải là của các đối tượng lừa đảo mà là của người dân thậm chí là sinh viên ở các vùng quê nghèo, biên giới thiếu hiểu biết.
Khi bị gọi lên làm việc với cơ quan Công an, họ cho biết họ lập các tài khoản này và bán lại với giá khoảng 2 triệu đồng cho người mua.
Trên thực tế, người bán và người mua tài khoản không biết nhau thường là do một người khác làm trung gian dẫn dắt. Qua một số vụ việc cũng xác minh được đối tượng rút tiền tại các nước như Malaysia, Campuchia… chứ không phải ở Việt Nam.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản, Trung tá Lê Ngọc Trí khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác, không thay đổi thông tin tài khoản, không chuyển tiền.
Khi phát hiện những cuộc gọi bất thường hay tội phạm cần báo ngay cho cơ quan Công an và cán bộ ngân hàng nơi gần nhất.
Phòng cũng đã có công văn gửi đến Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần phối hợp trong việc khi thấy người dân đến ngân hàng chuyển số tiền lớn vào tài khoản thì sẽ thông báo cho người dân có sập bẫy thủ đoạn lừa đảo hay không.