Giai đoạn từ 2009-2017, ông được bổ nhiệm và phân công nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như: Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông bị bắt ngày 8/12/2017 vì liên quan đến hai vụ án xảy ra tại PVN. Cựu Chủ tịch PVN bị cáo buộc vượt quyền và chỉ đạo ký hợp đồng hàng triệu USD trái luật.

Vụ án đầu tiên liên quan đến ông Thăng được đưa ra xét xử trước Tết Nguyên đán (21/1). Ông bị TAND Hà Nội tuyên 13 năm tù về tội Cố ý làm trái, trong vụ án xảy tại PVN và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam.

Vụ án thứ hai ông Thăng bị đưa ra xét xử ngày 19/3, với cáo buộc cố ý làm trái gây thiệt hại cho PVN 800 tỷ đồng do ký thỏa thuận hợp tác góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), mà không thông qua HĐQT dù biết nhà băng này hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ.

Ở vụ án này, VKSND Hà Nội đang đề nghị ông với khung hình phạt 18-19 năm tù.

Ông Quỳnh được bổ nhiệm Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN từ năm 2008 đến tháng 2/2014.

Theo cáo buộc, trong ba lần HĐQT PVN ban hành chủ trương góp vốn, bổ sung vốn góp mua cổ phần của Ngân hàng Oceanbank, Quỳnh đã trực tiếp chỉ đạo Ban tài chính kế toán làm các thủ tục để Ban Tổng giám đốc PVN và HĐQT ký.

Hành vi của Ninh Văn Quỳnh đã đồng phạm, giúp sức với vai trò là người thực hành tích cực cho các hành vi sai phạm của ông Đinh La Thăng. Quỳnh bị cáo buộc chịu trách nhiệm về toàn bộ hậu quả, gây thiệt hại cho PVN 800 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ tháng 3/2009 đến 12/2013, Quỳnh với vai trò Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận và chiếm đoạt số tiền 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn. Đây là tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN tại Oceanbank.

Sáng 22/3, ông Ninh Văn Quỳnh bị VKSND Hà Nội đề nghị 7-8 năm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999). Ở tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999), ông Quỳnh bị đề nghị mức án 17-18 năm.

Từ tháng 04/2009 đến 9/2015, bị can Vũ Khánh Trường được bổ nhiệm là Thành viên HĐQT, được Chủ tịch HĐQT qua các thời kỳ phân công phụ trách theo dõi, giám sát lĩnh vực thăm dò khai thác dầu - khí của Tập đoàn PVN.

Theo cáo trạng, trong ba lần HĐQT PVN ban hành chủ trương góp vốn, bổ sung vốn góp mua cổ phần của Oceanbank giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011, trên cương vị Thành viên HĐQT, ông Vũ Khánh Trường trực tiếp tham gia biểu quyết hai lần.

Ông Trường bị cáo buộc trực tiếp ký nghị quyết góp vốn bổ sung 300 tỷ đồng và biểu quyết đồng ý để HĐQT ban hành nghị quyết góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng giai đoạn 3, nâng tổng số vốn góp của PVN vào Oceanbank thành 800 tỷ đồng. Hành vi này là trái với Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Ông Trường bị cáo buộc đã giúp sức cho các bị can khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 400 tỷ đồng.

Ông Trường bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án 7-8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Sơn được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc PVN từ tháng 1/2011 đến tháng 7/2014. Ông được Tổng giám đốc phân công theo dõi, chỉ đạo công tác tài chính kế toán của tập đoàn.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phó Tổng giám đốc PVN phụ trách tài chính kế toán, trên cơ sở các báo cáo, đề xuất của Ninh Văn Quỳnh, Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán PVN, ông Sơn đã ký các văn bản và quyết định về việc chuyển 100 tỷ đồng góp vốn vào Oceanbank (lần 3), nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng.

Việc làm của ông Sơn là trái với các quy định tại Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Hành vi làm trái của ông Sơn đã đồng phạm giúp sức cùng các bị can khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 100 tỷ đồng.

Sáng 22/3, ông Nguyễn Xuân Sơn bị VKSND Hà Nội đề nghị mức hình phạt 30-36 tháng tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Xuân Thắng, cùng với các bị cáo Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trong ba lần HĐQT ban hành nghị quyết chấp thuận vốn góp vào Oceanbank, các bị cáo Thắng, Liêm, Đức có hành vi biểu quyết đồng ý để Nguyễn Xuân Thắng ký ban hành nghị quyết, phê duyệt chủ trương PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng (lần 3). Nghị quyết này đã nâng tổng số vốn góp của PVN vào Oceanbank lên 800 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ 20% vốn điều lệ của nhà băng, vi phạm Luật tổ chức tín dụng năm 2010.

Hành vi của Nguyễn Xuân Thắng đã làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, đồng phạm giúp sức cho các bị can khác trong vụ án, gây thiệt hại cho PVN là 100 tỷ đồng.

Sáng 22/3, ông Nguyễn Xuân Thắng bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án 24-30 tháng tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999).

Giai đoạn đang công tác tại PVN, ông Liêm là Thành viên HĐTV tập đoàn dầu khí. Ông bị cáo buộc đã đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác, thực hiện hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại số tiền 100 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank.

Sáng 22/3, ông Nguyễn Thanh Liêm bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án 24-30 tháng cải tạo không giam giữ.

Trong ba lần HĐQT ban hành Nghị quyết chấp thuận vốn góp vào Oceanbank, ông Phan Đình Đức bị cáo buộc có hành vi biểu quyết đồng ý để Nguyễn Xuân Thắng ký ban hành nghị quyết, phê duyệt chủ trương để PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng (lần 3) vào Oceanbank.

Nghị quyết này đã nâng tổng số vốn góp của PVN vào Oceanbank lên 800 tỷ đồng, vi phạm Luật tổ chức tín dụng năm 2010.

Ông Phan Đình Đức bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án 24-30 tháng cải tạo không giam giữ về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999).