Sai lầm lớn nhất của Nga là "ai hỏi mua vũ khí cũng bán"?

Trương Mạnh Kiên |

Khi Nga bán vũ khí, nước này không lường trước một điều rằng một ngày nào đó chính thứ vũ khí đó sẽ đả bại mình.

Vấn đề của Bulgaria

Không quân Bulgaria vừa nhận lại 8 máy bay cường kích Su-25 "Rook" do Liên Xô sản xuất, được hiện đại hóa tại Belarus theo "tiêu chuẩn NATO". Điều này đã đặt ra câu hỏi, liệu Nga có đang làm điều đúng đắn khi trang bị vũ khí của mình cho một đối thủ tiềm năng trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương?

Trước hết, cần phải lưu ý rằng hàng không quân sự của Bulgaria đang ở trong tình trạng rất tồi tệ, như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Velizar Shalamanov từng thừa nhận vào năm 2014:

“Tất cả các radar của chúng tôi, tất cả các hệ thống tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu đều được sản xuất ở Liên Xô, việc duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là máy bay chiến đấu, phụ thuộc vào việc sửa chữa động cơ và các thiết bị khác ở Nga”.

Các máy bay MiG-21 hiện có của Bulgaria đã được bán cho Romania, và các máy bay chiến đấu MiG-29 không đủ điều kiện hoạt động. Để tăng cường sức mạnh cho không quân Bulgaria, Mỹ đã bán cho Sofia lô 8 chiếc F-16 đa năng với giá 1,2 tỷ USD. Tiền đã được thanh toán, tuy nhiên, việc bàn giao 6 chiếc đầu tiên sẽ chỉ diễn ra vào năm 2023, hai chiếc còn lại là vào năm 2024.

Đối với thương vụ này, Bulgaria sẽ phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng phù hợp cũng như tiến hành đào tạo lại phi công và nhân viên phục vụ. Ngoài ra, người Mỹ sẵn sàng tặng thêm hai máy bay chiến đấu F-16 đã ngừng hoạt động cho Sofia.

Trước tình cảnh trên, Bulgaria quyết định hiện đại hóa những chiếc Su-25 đã cũ để sử dụng tạm thời, và rõ ràng đây được coi là một hướng đi hợp lý của quốc gia này.

Để so sánh, việc sửa chữa 8 máy bay cường kích Su-25 tiêu tốn của người Bulgaria chưa đến 50 triệu USD. Với số tiền này, họ đã kéo dài tuổi thọ của động cơ và thân máy bay, cập nhật hệ thống định vị và ngắm, lắp đặt hệ thống tác chiến điện tử của Belarus "Satellite M2".

Nhưng điều đáng chú ý là quá trình cải tạo này không được tiến hành ở Nga, mà ở Belarus, tại nhà máy sửa chữa ARZ. Rõ ràng, việc lựa chọn Minsk thay vì Moscow làm đối tác là một kiểu thỏa hiệp về chính trị của Sofia, tờ Reporter nhận định.

Bulgaria là thành viên đầy đủ của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, và trong trường hợp xảy ra xung đột giữa NATO và Nga, những chiếc Su-25 này sẽ hoạt động dựa trên công nghệ của Nga, cũng như cả bằng công nghệ của Belarus.

Kịch bản mà Nga hy vọng nhất, tất nhiên là trong trường hợp xung đột như vậy "người anh em" Bungari sẽ đứng bên lề. Nhưng có vấn đề ở đây là liệu Nga có nên tiếp tục bán vũ khí cho những đối thủ tiềm năng trong tương lai?

Có nên bán tiếp?

Sai lầm lớn nhất của Nga là ai hỏi mua vũ khí cũng bán? - Ảnh 2.

Tên lửa S-400.


Belarus đứng thứ 20 về xuất khẩu vũ khí, các khách hàng chính là Nga, Sudan và Myanmar, cũng như một số quốc gia khác của Đông Nam Á và châu Phi. Máy bay của hầu hết các nước thuộc thế giới thứ ba đang được sửa chữa tại nhà máy ARZ của Belarus.

Mặt khác, Nga là nhà xuất khẩu vũ khí số hai, chỉ đứng sau Mỹ. Vũ khí Nga đang có nhu cầu lớn ở các nước SNG, châu Phi, Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Âu. Nga bán các vũ khí nhỏ, xe tăng và các loại xe bọc thép, máy bay và trực thăng, tàu chiến, hệ thống phòng không, đạn dược, v.v.

Khách hàng lớn nhất là Ai Cập, Trung Quốc và Algeria. Đây là những thị trường xuất khẩu có truyền thống mạnh từ thời Liên Xô. Giao hàng cho các quốc gia này có lợi nhuận cả từ quan điểm thương mại và chính trị. Tuy nhiên, cũng có những điểm khá tranh cãi.

Ví dụ, việc bán hệ thống phòng không S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn chưa kết thúc. Sau khi nhận được vũ khí này, Ankara đang đề nghị được chia sẻ công nghệ sản xuất.

Cần nhớ rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO và cũng đứng về phía đối lập với Nga trong một số cuộc xung đột khu vực. Không có gì đảm bảo rằng những chiếc S-400 đã bán hoặc bản sao của chúng sẽ không được sử dụng trong tương lai chống lại chính Nga và đồng minh.

Về vấn đề này, lại có thêm những hoài nghi về việc liệu có đáng để cung cấp phiên bản xuất khẩu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thậm chí, còn có các câu hỏi về hợp tác với Trung Quốc. Bắc Kinh rất hào hứng khi mua các hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu đa năng, tên lửa, động cơ máy bay và các loại vũ khí khác của Nga.

Nhưng sau đó, nước này bắt đầu độc lập sản xuất một thứ gì đó rất giống với thứ mà họ mua của Nga, để rồi nghiền nát những sản phẩm gốc trên thị trường thế giới.

Theo Reporter, không có bất kỳ đảm bảo cụ thể nào rằng trong tương lai Nga sẽ tiếp tục là đối tác hữu nghị với Trung Quốc và sẽ không chuyển từ quan hệ đối tác sang đối đầu. Tiền ai cũng cần nhưng Nga có lẽ sẽ cần suy nghĩ kỹ hơn trong việc bán vũ khí với những quốc gia có nguy cơ tiềm tàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại