Robot chiến đấu Marker - “sát thủ diệt xe tăng” Nga đưa tới chiến trường Ukraine

Hoàng Phạm |

Phương tiện mặt đất không người lái (UGV) chiến đấu Marker của Nga được cho là có thể hoạt động độc lập trong nhiều ngày, có khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu quân sự quan trọng với các UGV và phương tiện Marker khác.

“Thợ săn Leopard”

Hệ thống hỗ trợ Trí tuệ nhân tạo (AI) của Marker giúp xác định các phương tiện và binh lính thân thiện thông qua các mẫu ngụy trang trên đồng phục chiến đấu và phù hiệu.

Những khả năng này được tiết lộ trong một bài báo của truyền thông Đức. Hãng này đã trao đổi với các đại diện của công ty tư nhân phát triển Marker - mẫu UGV được quảng bá là “sát thủ diệt xe tăng Leopard”.

Trong khi hệ thống AI-Machine Learning của UGV đang được cập nhật hình ảnh và thông tin về xe tăng phương Tây để nhận dạng chúng, quân đội Nga đã triển khai 4 robot chiến đấu Marker đến khu vực Donbass.

Các video về UGV này đã xuất hiện trên nhiều nhóm Telegram. Marker được trang bị súng máy và một cặp súng phóng lựu (RPG) bên ngoài. Dù có vẻ như được lắp ráp một cách vội vàng, nhưng vẫn có thể đem lại hiệu quả đáng kể nếu được sử dụng phù hợp để nhắm vào các chiến hào, bộ binh và các khu vực tập trung của Ukraine.

Đầu tháng 2/2023, cựu Giám đốc Roscosmos, ông Dmitry Rogozin cho biết, 4 robot Marker đầu tiên đã hiện diện ở khu vực Donbass đúng thời hạn. Ông Rogozin không cho biết thời gian loạt robot Marker bắt đầu tham chiến, cũng như địa điểm triển khai cụ thể.

Marker được quảng bá là “sát thủ diệt xe tăng” chưa từng có từ trước tới nay sau khi Mỹ, Anh và Đức tuyên bố gửi xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams (31 chiếc), Challenger-2 và Leopard-2 (14 chiếc mỗi loại) cho Ukraine hồi cuối tháng 1.

Số lượng xe tăng mà các nước phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine không chỉ cách xa con số 300 xe tăng mà Tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny tuyên bố là cần thiết để lật ngược tình thế trong cuộc xung đột với Nga, mà chúng còn mất vài tháng mới có tới chiến trường ở Ukraine và thời điểm đó, Nga có thể đã kết thúc chiến dịch quân sự.

Lính tăng Ukraine cũng có thể không hoàn toàn thành thạo các hệ thống của phương Tây, do họ vốn được đào tạo vận hành các thiết bị theo tiêu chuẩn Liên Xô và việc chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian.

Bước nhảy vọt về công nghệ AI?

Bài báo của Đức cho biết Marker có thể hoạt động độc lập ngay cả khi “lưu lượng vô tuyến bị gián đoạn”. Điều này có nghĩa là các nhà phát triển Nga đã tính tới việc các quốc gia phương Tây sử dụng thiết bị tác chiến điện tử (EW), gây nhiễu để cắt đứt kết nối giữa Marker và người điều khiển nó.

“Marker có thể hoạt động một mình nhưng cũng có thể kết hợp và chia sẻ nhiệm vụ với các Marker khác. Ví dụ, một Marker đảm nhận việc trinh sát và tìm kiếm mục tiêu, trong khi phương tiện thứ hai vẫn ẩn nấp cho đến khi nó tấn công các mục tiêu được xác định và đánh dấu”, bài báo cho biết.

Hiện vẫn chưa rõ việc liên kết dữ liệu này cũng được kiểm soát độc lập hay có sự can thiệp của con người. Nếu việc liên kết dữ liệu được kiểm soát độc lập, đó là một bước nhảy vọt lớn trong lĩnh vực AI.

Các chức năng vật lý như di chuyển tự động, vượt chướng ngại vật và sử dụng vũ khí dựa trên việc xác định bạn hay thù (IFF) không nằm ngoài dự đoán về một hệ thống tự hành được điều khiển bởi một thuật toán tiên tiến.

Theo bài báo của truyền thông Đức, khả năng tự lái vượt địa hình của Marker là nhờ trường quan sát 360 độ, với nhiều camera và thiết bị quang học khác nhau được phân bổ xung quanh UGV, không bỏ sót bất kỳ “điểm mù” nào.

Trong khi đó, theo cựu Giám đốc Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, IFF là một hệ thống “danh mục điện tử” với hình ảnh xe tăng phương Tây ở định dạng thông thường và hồng ngoại để “xác định” thiết bị của đối phương.

Có thể, một phiên bản phần mềm tiên tiến từng được sử dụng cho các công nghệ nhận dạng khuôn mặt và tham chiếu hình ảnh đã được phát triển cho danh mục điện tử nêu trên và sau đó được hợp nhất với hệ thống điều khiển hỏa lực của UGV.

Tuy nhiên, tính năng “trao đổi” được mô tả trong bài báo – theo đó 2 phương tiện Marker có thể trao đổi và truyền dữ liệu chiến trường phức tạp – cho thấy một bước nhảy vọt trong công nghệ AI.

Một bài báo trước đây của EurAsian Times cho rằng Marker có 2 phiên bản, trong đó một phiên bản có thể phóng các máy bay không người lái (UAV) nhỏ để tìm kiếm mục tiêu ở chế độ “trinh sát”.

Điều thú vị là Marker không được phát triển cho mục đích quân sự và ban đầu được dùng cho các nhiệm vụ cứu hộ ở các khu vực thảm họa.

Các máy bay không người lái được phóng từ UGV có một “hệ thống dẫn hướng bằng dây” để đảm bảo rằng việc truyền dữ liệu không bị nhiễu, bên cạnh việc cung cấp nguồn điện an toàn cho các UAV. Hệ thống dẫn hướng bằng dây này không được mô tả chi tiết.

Theo bài báo, UGV có “khả năng thích ứng” và “trí tuệ nhân tạo”. Mô tả này cho thấy tính năng học máy trong đó hoạt động độc lập của AI dần dần không còn lỗi thông qua chỉnh sửa thường xuyên của các nhà phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại