Trung Quốc đang đầu tư vào cảng Bata của Guinea Xích đạo. (Ảnh: Weibo)
Guinea Xích đạo đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi có thông tin nước này có thể cho Trung Quốc mở một căn cứ quân sự, bước đi mà Mỹ cho rằng sẽ đe doạ những tham vọng quân sự của Washington trên Đại Tây Dương.
Phó Tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Nguema Obiang Mangue phủ nhận thông tin nước này đã ký thoả thuận để cho phép Trung Quốc mở căn cứ quân sự như báo Mỹ Wall Street Journal nêu.
“Tôi muốn phủ nhận thông tin mà báo Mỹ Wall Street Journal nêu về một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Guinea Xích đạo”, ông Obiang viết trên Twitter tối 7/12.
“Trung Quốc là hình mẫu của một quốc gia thân thiện và một đối tác chiến lược, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một thoả thuận nào như vậy”, Phó Tổng thống nói. Ông Obiang là con trai của Tổng thống Teodoro Obiang, người đứng đầu quốc gia Trung Phi nhỏ bé này suốt từ năm 1979.
“Hãy nhớ rằng Guinea Xích đạo là một quốc gia độc lập có chủ quyền và có thể ký thoả thuận hợp tác với bất kỳ quốc gia thân thiện nào”, Phó Tổng thống nói. Ông là người phụ trách lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.
Phản ứng được đưa ra sau khi Wall Street Journal cuối tuần trước có bài dẫn báo cáo tình báo mật của Mỹ nói rằng Trung Quốc đang tìm cách mở một căn cứ quân sự ở Guinea Xích đạo.
Nếu đúng như vậy, đây sẽ là căn cứ quân sự lâu dài đầu tiên của Trung Quốc ở Đại Tây Dương, để các tàu của họ có thể cập cảng và nạp nhiên liệu.
Wall Street Journal nói rằng phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer đã thăm Guinea Xích đạo trong tháng 10 để thuyết phục Tổng thống Obiang và con trai từ chối đề nghị của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Lầu Năm góc John Kirby từ chối bình luận về thông tin mà Wall Street Journal nêu.
“Một số bước đi nhất định liên quan đến Trung Quốc gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia đối với chúng tôi”, ông Kirby nói.
Hồi tháng 4, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Phi, Tướng Stephen Townsend, nói rằng mối đe doạ lớn nhất mà Trung Quốc gây ra với lợi ích của Mỹ ở khu vực này là khả năng đạt được “một cơ sở hải quân hữu dụng trên bờ Đại Tây Dương ở châu Phi”.
Vị trí của Guinea Xích đạo so với Mỹ
Từ khi giành độc lập khỏi Tây Ban Nha năm 1968, Guinea Xích Đạo luôn bị các tổ chức nhân quyền phê phán. Nước này duy trì quan hệ gần gũi với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
Tổng thống Obiang điều hành quốc gia này từ năm 1979, sau khi lật đổ bác của ông là Tổng thống Francisco Macias trong một cuộc đảo chính. Ông Obiang hiện là một trong những nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu năm nhất thế giới.
Trung Quốc chưa đưa ra thông tin nào. Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói rằng nước này đang đầu tư vào cảng Bata bên bờ Đại Tây Dương của Guinea Xích đạo, để từ đó Gabon và CH Trung Phi có thể kết nối bằng đường cao tốc.
Khi các nước châu Phi đang tham gia tích cực vào sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, những hoạt động đầu tư như vậy là “bình thường”, Thời báo Hoàn cầu viết.
“Nếu Trung Quốc thành lập một trạm tiếp tế hải quân ở đó, nó cũng sẽ khác so với những gì Mỹ tưởng tượng”, Thời báo Hoàn cầu viết.