TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký - Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, rau mùi là loại rau “đặc biệt”, có các thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ. Một số chất dinh dưỡng trong rau mùi có thể kể tới như: Sắt, Canxi, Magie, Niacin, Riboflavin, Vitamin A, C, Photpho, Kẽm, Pyridoxin, Đồng, Manga.
Theo báo cáo khoa học trên tập san Molecules năm 2022, ngoài hàm lượng vitamin, lá rau mùi còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa. Trong đó gồm các hợp chất polyphenol đóng vai trò đặc biệt quan trọng với sức khỏe.
Polyphenol có thể cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, gồm: Hạ huyết áp, giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt), ngăn ngừa cục máu đông. Các nghiên cứu cũng chỉ ra Polyphenol giúp giảm viêm và ngăn ngừa hư hại tế bào, phòng ngừa được ung thư.
Một số chất dinh dưỡng trong rau mùi có thể kể tới như sắt, canxi, magie...(Ảnh minh họa)
Nhà khoa học, lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam) thông tin, rau mùi có tên gọi khác hồ tuy, hương tuy, nguyên tuy, ngò, ngổ, ngổ thơm, coriander, coriander (Anh), coriander (Đức). Tên khoa học của chúng là Coriandrum sativum L. Họ: Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).
Rau mùi được nhiều người làm gia vị ăn quanh năm. Trong Đông y rau mùi được coi là dược liệu dân dã tốt có tác dụng chữa bệnh, có thể dùng toàn thân từ rễ, lá, quả cho đến hạt để làm thuốc. "Theo y học cổ truyền, rau mùi tàu vị cay, hơi đắng, thơm, tính ấm, tác dụng sơ phong thanh nhiệt, kiện tỳ, hành khí tiêu thũng, giảm đau, làm tan chất nhầy giúp long đờm”, lương y Bùi Đắc Sáng nói.
Cũng theo Lương y, rau mùi có acid ascorbic giúp hạ cholesterol xấu, đồng thời tăng lượng cholesterol tốt trong máu, giúp bảo vệ hệ thống tim mạch. Hoạt chất cineole và axít linoleic trong rau mùi tác dụng chống viêm nhiễm. Người bị viêm khớp nên thường xuyên ăn rau mùi sẽ tốt để bệnh nhanh thoái lui.
Rau mùi có tinh dầu gây hưng phấn thần kinh, tăng trí nhớ, kích thích ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, chữa nôn trướng bụng (gây đánh trung tiện), giảm đau răng đau thắt dạ dày ruột.
Một số bài thuốc hay từ rau mùi
Đau bụng, khó tiêu: Rau mùi 1 mớ, vỏ quýt lượng vừa đủ sắc uống.
Chữa sâu răng, đau răng: Hạt mùi 8g, sắc đặc lấy nước đặc ngậm, súc miệng.
Phụ nữ sau sinh thiếu sữa, mất sữa: Rau mùi khô 50g; hạt mùi 20 g. Sắc đặc uống mỗi lần 1 chén, ngày 2 lần.
Làm đẹp da: Nấu nước bằng toàn thân cây mùi già tắm.
Chữa rối loạn tiêu hóa: 1-2 muỗng dịch nước ép từ rau mùi là thức uống vô cùng hiệu quả để chữa chứng rối loạn tiêu hóa như ăn không tiêu, nôn mửa, kiết lỵ, viêm gan và viêm ruột kết. Nó cũng rất hiệu quả để điều trị bệnh thương hàn.
Hạ cholesterol trong máu: Thường xuyên uống nước rau mùi sẽ giúp làm hạ cholesterol trong máu. Đun 1 nhúm hạt rau mùi khô trong nước sôi, lọc, để nguội và uống nhiều lần trong ngày còn giúp lợi tiểu vì kích thích sự bài tiết của thận.
Chữa mụn bọc và mụn trứng cá: Một muỗng nước ép rau mùi trộn chung một nhúm bột nghệ, rửa mặt thật sạch rồi bôi hỗn hợp này lên mặt mỗi tối trước khi đi ngủ.
Lương Bùi Đắc Sáng lưu ý, đang dùng thuốc Đông y có các vị như Bạch truật, Mẫu đơn bì kiêng không ăn rau mùi.