Chiếc Enterprise được đưa vào hoạt động năm 1961, là tàu sân bay chạy bằng lò hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Tàu ngừng hoạt động từ năm 2012 và bị loại biên năm 2017.
Suốt hơn nửa thế kỷ phục vụ, chiếc Enterprise góp mặt trong nhiều chiến dịch quan trọng của quân đội Mỹ, như vụ Khủng hoảng tên lửa Cuba, Chiến tranh Việt Nam, các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.
Theo kế hoạch ban đầu, hải quân Mỹ sẽ tiến hành tháo dỡ và loại bỏ 8 lò phản ứng đóng vai trò là động cơ của tàu, sau đó đem chôn tại bãi thải Hanford ở bang Washington.
Chi phí dự kiến cho công việc này vào năm 2013 chỉ khoảng 500- 750 triệu USD, nhưng nay đã đội lên hơn 1 tỉ USD.
Điều này buộc hải quân phải tạm dừng, tính toán phương án rẻ tiền hơn. Thân tàu Enterprise vẫn đang nằm chờ tại thành phố Newport News (Virginia).
USS Enterprise là tàu sân bay hạt nhân đầu tiên trên thế giới - Ảnh: Getty Images
Báo cáo mới nhất của GAO đưa ra hai phương án. Phương án đầu tiên là vẫn để hải quân đảm nhiệm công việc với sự giúp đỡ từ đơn vị thương mại.
Cụ thể, đơn vị thương mại sẽ tháo dỡ các bộ phận tàu trừ không gian chứa các lò phản ứng. Phần này sẽ được đưa đến căn cứ Puget Sound để xử lý, sau đó chuyển đến bãi Hanford. Đây là phương án đắt đỏ, tốn từ 1,05- 1,55 tỉ USD ( tương đương 1/8 số tiền bỏ ra để đóng một tàu sân bay mới) và mất 10 năm để hoàn thành (tính từ năm 2034).
Phương án thứ hai là giao toàn bộ cho đơn vị thương mại, chỉ tốn 750 triệu - 1,4 tỉ USD, mất 5 năm (tính từ năm 2024). GAO đánh giá đây là phương án nhanh và rẻ nhưng có chút ít rủi ro, như không biết được thân tàu bị tháo dỡ ở đâu, hay lò phản ứng sẽ bị chuyển đến điểm nào.
Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ phải đối mặt với vấn đề xử lý một tàu sân bay hạt nhân, nhưng chắc chắn không phải lần cuối cùng. USS Nimitz sẽ "về hưu" trong vòng 10 năm tới.