Nung nấu ý định vì thấy học sinh, sinh viên Việt Nam "không nhớ gì về lịch sử"
- Sau thành công của 2 chương trình Monkey Junior và Monkey Stories với hàng triệu người dùng trên toàn thế giới, điều gì đã thôi thúc anh xây dựng một chương trình học Tiếng Anh miễn phí về chủ quyền biển đảo?
- Ý tưởng này đến rất tình cờ. Thời điểm ứng dụng Monkey Stories đạt con số 1 triệu người dùng và được Apple và Google vinh danh, tôi nhớ ngay đến câu chuyện đầy tự hào: Một người Việt Nam đã đưa bản đồ Việt Nam có đầy đủ Hoàng Sa và Trường Sa lên 2 mẫu đồng hồ bán trên toàn cầu.
Sau đó tôi xem ti vi, thấy một số đại biểu Quốc hội đề nghị phải đưa vào SGK các cấp một dung lượng xứng đáng hơn về những câu chuyện xoay quanh chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa - Trường Sa, để các học sinh khắc ghi điều thiêng liêng này ngay từ những năm đầu đời.
Sau đó tôi lục tung Google và thấy đầy rẫy những clip học sinh, thậm chí sinh viên Việt Nam không nhớ gì về lịch sử, kể cả những điều máu thịt nhất. Hay như trong phóng sự ngắn chúng tôi vừa thực hiện, học sinh Việt Nam biết tới các hòn đảo nổi tiếng trên thế giới nhưng lại không thể kể quá 2 tên hòn đảo tại chính đất nước của mình.
Bởi vậy, tôi đã nung nấu ý định sản xuất những nội dung học miễn phí về chủ quyền biển đảo Việt Nam và phổ biến nó ra thế giới như hai mẫu đồng hồ trên.
- Để đảm bảo sự chính xác cho từng câu chuyện xoay quanh chủ đề biển đảo, anh và ê-kíp đã nhờ tới sự cố vấn của những ai?
- Chương trình học tiếng Anh miễn phí về chủ quyền biển đảo nằm trong ứng dụng Monkey Stories. Ứng dụng này kể những câu chuyện bằng các hình ảnh.
Vì thế, chúng tôi đã phải làm việc với những phóng viên trực tiếp chụp ảnh, trực tiếp nghe chia sẻ của những người đã có kinh nghiệm, từng tận mắt chứng kiến và cảm nhận hết vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam.
Một ví dụ là làm việc với tiến sĩ Trần Công Trục (nguyên Trưởng ban Biên giới Chính Phủ - PV) - là người hiểu rất sâu về vấn đề biển đảo, về biên giới. Tiến sĩ chính là người tư vấn kĩ càng để đảm bảo một yếu tố quan trọng: độ chính xác.
Về ngôn từ, nội dung, cách trình bày thì chúng tôi đã làm việc với rất nhiều chuyên gia bên Mỹ. Để viết một mẩu truyện bằng tiếng Anh là một điều không dễ dàng.
Thực tế, chúng tôi cũng có đội ngũ người Việt phụ trách, tuy nhiên, vẫn phải làm việc chặt chẽ với chuyên gia nước ngoài. Họ viết cả nội dung bằng câu chữ tiếng Anh rồi chúng tôi sẽ gửi tới những người có giọng đọc chuyên nghiệp bên Mỹ để thực hiện khâu lồng tiếng.
Ngoài ra, còn phải làm việc với các bạn thiết kế để thiết kế và vẽ ra các hình ảnh trong truyện, đảm bảo những hình ảnh ấy ngoài việc đẹp, thu hút trẻ nhỏ còn có độ chính xác cao. Chúng tôi chính là cầu nối để lắp ghép các khâu trong công việc lại với nhau.
- Ngoài nội dung, hình ảnh, để giúp cho trẻ cho dễ nhớ dễ đọc những câu chuyện liên quan tới lịch sử, những tính năng và ứng dụng đã được áp dụng như thế nào?
- Tôi nghĩ, cách gần gũi nhất để trẻ dễ đọc, dễ nhớ chính là phải tìm kiếm những mảng nội dung thực sự cần và thú vị, còn về mảng công nghệ, về tính năng thì đó chỉ là yếu tố phụ. Cách mình truyền đạt như thế nào để câu chuyện trở nên sống động, hấp dẫn, lôi cuốn và trực quan thì đó mới là điều quan trọng.
Không áp dụng cách giảng dạy khoa trương hay giáo điều, Monkey Stories với cách thức gần gũi, thân thuộc thông qua các câu chuyện sẽ tạo nên sự hứng thú cho trẻ nhỏ.
Chúng tôi sẽ lồng ghép vào câu chuyện những thông điệp nhẹ nhàng trên cơ sở đầu tiên là phải để trẻ quen dần với các khái niệm, sau đó dần dần hướng các em biết thêm về tầm quan trọng của biển đảo và các kiến thức liên quan.
Để được như thế, mình phải hiểu được những nội dung thế nào mới lôi cuốn được trẻ nhỏ. Mọi người có thể thấy rằng các bé kể lại một câu chuyện một cách rất hào hứng.
Vì không có ai ép các em nói, các em chỉ nói khi câu chuyện thực sự hấp dẫn chúng. Các bạn ý học không phải theo kiểu thuộc lòng, mà là học bằng cách nghe, tự cảm nhận và tự hiểu.
Tuy không kì vọng các bé sau khi học sẽ nắm bắt được những nội dung rất lớn ngay từ đầu nhưng tôi muốn trước tiên, các bé phải thích, nhập tâm và ghi nhớ các câu chuyên. Từ cơ sở đó, chúng tôi có thể phát triển nội dung ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
Cách phổ biến ứng dụng tiếng Anh miễn phí về biển đảo
- Quá trình thực hiện chương trình về biển đảo có sự đầu tư về cả công sức và tiền bạc, vì sao anh lại quyết định để miễn phí?
- Tôi nghĩ rằng khi làm về giáo dục, không chỉ đơn thuần là bài toán về doanh thu và lợi nhuận mà đó là câu chuyện phải xây dựng một con đường dài. Chúng tôi thực sự mong muốn đóng góp cho xã hội.
- Tại sao anh không tạo thành một ứng dụng riêng mà để trong một ứng dụng cũ là Mokey Stories ?
- Trước đó, chúng tôi đã xây dựng thành công Monkey Stories, một ứng dụng về đọc truyện với nội dung phong phú trên toàn thế giới.
Nên khi có ý tưởng, tôi nghĩ ngay tới việc thử lồng ghép các nội dung về biển đảo, chủ quyền và tình yêu quê hương, đất nước vào cách dạy gần gũi, dùng truyện lôi cuốn và hấp dẫn trẻ nhỏ. Những chủ đề này nếu mình không biết cách dạy hay truyền đạt thì sẽ rất giáo điều và cứng nhắc.
Giống như khi dạy các bé phải trung thực, thay vì chỉ nói với bé "Con phải nói thật, con không được nói dối" thì kể câu chuyện sói ăn thịt em bé chăn cừu sẽ giúp bé hiểu và nhập tâm hơn.
Ngoài ra, Monkey Stories có rất nhiều chủ đề, chúng tôi hiện có 600 đầu truyện và hàng trăm các bài học và audio book.
Đó là lý do Monkey Stories có tính cộng hưởng, được người dùng không chỉ ở VIệt Nam mà ở trên thế giới đón nhận. Chúng tôi tự tin rằng trên thế giới hiện nay khi nói về các ứng dụng về truyện, Monkey Stories ở top 3 những chuỗi ứng dụng có nội dung học phong phú và đa dạng, có lượng người đọc cao.
Khi để trong một kho chung các câu chuyện đó, vô hình trung sẽ có 1 hiệu ứng từ những chương trình khác. Khi người dùng sử dụng những chương trình khác, họ sẽ thấy trong đó có một nội dung về biển đảo cũng hay và hấp dẫn không kém. Đó cũng là cách mình lan tỏa nó không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Những vị phụ huynh có con em người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, hay những người nước ngoài quan tâm đến vấn đề của Việt Nam hoàn toàn có thể tìm kiếm và đón đọc.
- Một chương trình học miễn phí lại được lồng vào một ứng dụng mất phí, sẽ có người nói anh làm "miễn phí không tới", anh phản hồi họ thế nào?
- Đã có một số ý kiến như thế nhưng với Monkey Stories thì thực ra mọi người không bắt buộc phải mua mới dùng được. Hàng ngày, Monkey Stories thường cung cấp những nội dung miễn phí để cho các bé không cần mua cũng đọc được. Biển đảo là một mảng hoàn toàn miễn phí, bất kì ai cài đặt ứng dụng đã là miễn phí rồi.
Đào Xuân Hoàng là "cha đẻ" của 2 ứng dụng học tiếng Anh dành cho trẻ em rất được yêu thích là Monkey Junior và Monkey Stories. Anh từng đoạt Giải nhất sáng kiến toàn cầu do Tổng thống Mỹ Obama trao tặng năm 2016 tại Silicon Valley.