Là một người Mỹ tiên phong trong lĩnh vực mật mã: nghiên cứu cách viết và giải các mật mã, ông William Friedman nổi tiếng trong vai trò của một chuyên gia phá mã cùng với quân đội Mỹ trong suốt 2 cuộc Đại chiến tranh thế giới thứ I và II.
Nhưng dù William Friedman là một trong những tên tuổi “nặng ký” trong giải mã, hay sự thừa nhận của thế giới về công trạng của ông, thì các sử gia đã bỏ qua một thực tế rằng, người vợ của William, bà Elizebeth, cũng đồng thời là một chuyên gia mã hóa cừ khôi. Những thành tựu của bà đã bị bỏ quên dưới ánh đèn sân khấu.
Riverbank
Là con út trong số 9 anh chị em trong một gia đình thuộc Hội tôn giáo các tín hữu, Elizebeth Friedman (tên ở nhà là Smith) sinh ra ở vùng nông thôn tiểu bang Indiana vào năm 1892. Mẹ của Elizabeth thường xuyên đánh vần nhầm tên con gái giữa “a” và “e” chỉ bởi vì bà không thích cái biệt danh “Eliza”.
Cô thanh nữ Elizebeth có sắc vóc tươi đẹp, và ngay từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu ngôn ngữ. Cô quyết đi học đại học bất chấp sự chán nản của người cha. Cuối cùng Elizabeth cũng dừng việc mượn học phí từ cha với lãi suất 6%.
Năm 1911, sau khi đến học ở Cao đẳng Wooster, tiểu bang Ohio, Elizabeth đã kết thúc khóa học ở một trường khác là Đại học Hillsdale, Michigan, chuyên ngành tiếng Anh. Bà cũng học tiếng Đức, Hy Lạp và Latin tại Đại học Hillsdale, và cũng ở ngôi trường này mà Elizabeth khám phá ra tình yêu lâu dài với kịch nghệ Shakespeare.
Sau khi tốt nghiệp Hillsdale, Elizabeth từng có một thời gian ngắn giữ chức hiệu trưởng tạm thời ở một trường trung học Indiana, và đến năm 1916 bà dọn tới Chicago, thăm thú thư viện Newberry, nơi trưng bày bản in đầu tiên của Shakespeare.
Tại thư viện Newberry, Elizabeth đột nhiên muốn dừng chiếc ghế hiệu trưởng nhàm chán, bà hỏi các thủ thư liệu họ có biết bất kỳ công việc nghiên cứu hay văn chương nào để bà dấn thân hay không?
Chỉ trong vòng vài phút, Elizabeth đã được giới thiệu cho gặp nhân vật lập dị tên là George Fabyan, người đang điều hành một cơ sở nghiên cứu tư nhân rộng độ 202 ha gọi là Riverbank nằm ở gần Geneva (tiểu bang Illinois).
Thời đó, Fabyan cũng tuyển dụng một học giả khác tên là Elizabeth Wells Gallup. Bà này có một ý tưởng điên rồ muốn chứng minh Sir Francis Bacon mới thật sự là người viết nên các vở kịch chứ không phải Shakespeare(!). Wells Gallup cần một phụ tá nghiên cứu. Và Elizebeth trực chỉ đến Riverbank để tham gia buổi phỏng vấn. Chỉ vài ngày sau đó bà đã trúng tuyển.
Tại Riverbank, Elizebeth đã làm việc với một mật mã mà bà Gallup tuyên bố rằng nó đang ẩn giấu đâu đó trong các bản Xô-nét (bài thơ 14 câu) của Shakespeare và nó chứng minh các vở kịch thuộc quyền của tác giả Sir Francis Bacon.
Cơ sở nghiên cứu Riverbank cũng chiêu mộ một nhà khoa học người Nga tên là William Friedman, đó là một nhà di truyền học từng tốt nghiệp Đại học Cornell. Ông này đang nghiên cứu trên lúa mì và cũng rất quan tâm tới kịch Shakespeare.
William và Elizebeth đã phải lòng nhau, họ nên duyên chồng vợ vào tháng 5-1917, tức chỉ 1 tháng sau khi Mỹ bước chân vào Đại chiến tranh thế giới thứ I. Cơ sở Riverbank là một trong những viện nghiên cứu đầu tiên chú trọng vào giải mật, và vào những ngày đầu của cuộc chiến, Bộ chiến tranh Mỹ đã đưa vào Riverbank một cơ chế độc quyền.
Không những làm việc cho Riverbank, hai vợ chồng Friedman thỉnh thoảng còn làm việc cho các chính phủ khác. Sau thư giới thiệu của Bộ tư pháp Mỹ, Sở cảnh sát Đô Thành (Scotland Yard) đã mang một đống thông điệp bí ẩn mà người Anh hoài nghi là chúng dùng để tạo nên một cuộc khởi nghĩa ở Ấn Độ (khi đó nước này là thuộc địa của Anh).
Bằng cách phá các mã được viết theo từng cột số, hai vợ chồng Friedman đã phơi bày cái gọi là “Âm mưu Ấn Độ giáo – Đức” trong đó các nhà hoạt động Ấn Độ giáo ở Mỹ sẽ vận chuyển vũ khí đến Ấn Độ cùng với sự hỗ trợ của người Đức. Vào thời điểm đó, đây là một trong những vụ án lớn nhất và tốn kém nhất ở Mỹ.
Nó kết thúc khá hợp lý khi một vụ nổ súng trong phòng xử án làm chết một trong các bị cáo trước khi người này bị một quân nhân Mỹ bắn gục. Không biết chút gì về công tác giải mã thầm lặng của gia đình Friedman, tay súng tin là bị cáo có tật giật mình.
Hợp đồng quân sự
Thế chiến I kết thúc vào năm 1918, nhưng hai vợ chồng Elizebeth và William vẫn tiếp tục công việc của họ cho quân đội, tới năm 1921, gia đình họ chuyển tới Washington, D.C. để tập trung làm các hợp đồng quân sự toàn thời gian.
Elizebeth thích thay đổi môi trường làm việc và đây là lần đầu tiên bà đặt chân tới thủ đô của nước Mỹ. Sau một thời gian làm việc cho Hải quân Mỹ, bà ngừng việc để tập trung vào nhiệm vụ nuôi 2 đứa con là Barbara và John.
Khoảng năm 1925, lực lượng tuần duyên Mỹ gọi điện tới nhà đề nghị Elizabeth chung tay với họ cùng giải quyết trường hợp mang biệt danh “Cấm rượu”.
Chẳng mấy chốc bà đã bẻ khóa thành công các thông điệp vô tuyến được sử dụng bởi những tay buôn rượu lậu quốc tế - những người này đã ngụy trang rượu trong các lô hàng trang sức, nước hoa và thậm chí cả đậu Pinto.
Elizabeth trở thành “bảo vật” cho lực lượng tuần duyên Mỹ trong suốt thời kỳ “Cấm rượu”. Năm 1933, bà đã giải mã thành công tiến tới đưa ra tòa xét xử vụ buôn rượu lậu trong vịnh Mexico và Bờ biển Tây nước Mỹ với trị giá hàng triệu USD.
Trong suốt 2 năm, Elizabeth và các cộng sự đắc lực của bà đã can thiệp và giải mật các tần số phát sóng vô tuyến từ 4 nhà máy chưng cất rượu lậu ở New Orleans. Trợ lý đặc biệt của Tổng chưởng lý Mỹ - Đại tá Amos W. Woodcock sau này đã viết về Elizebeth với sự thán phục khôn tả.
Chỉ 1 năm sau đó, Elizebeth lại lập được công lớn cho lực lượng tuần duyên Mỹ, vụ này liên quan đến một chiếc tàu mang cờ Canada bị Mỹ đánh chìm sau khi từ chối nhận tín hiệu “tiến lên và tìm kiếm”.
Sau khi Canada đệ đơn kiện Mỹ đòi bồi thường số tiền tổn thất 380.000 USD gồm thiệt hại của tàu và hàng hóa trên nó (có cả rượu), thì bà Elizebeth đã đến để giải nguy: Bà đã phân tích tỉ mỉ 23 thông điệp riêng biệt được mã hóa từ con tàu và chứng minh nó thật sự là của một trùm rượu lậu người Mỹ và treo trá hình lá cờ Canada.
Cáo buộc của Canada chống Mỹ đã được loại bỏ, bản thân Canada rất ấn tượng với tài phá mã phi thường của bà Elizebeth và đề nghị phía Mỹ cho “mượn” Elizabeth để giúp Canada đối phó với hoạt động buôn lậu thuốc phiện của đám giang hồ Trung Quốc và bà đã lập nên 5 chiến công vang dội.
Không chỉ phá mã để kiếm sống theo các đơn đặt hàng mà hai vợ chồng nhà Friedman còn lấy nó trong các thú vui hàng ngày bằng cách tạo dựng nên một tình yêu kỳ lạ dựa trên việc phá những mã hóc búa.
Cơ sở nghiên cứu tư nhân Riverbank của nhà nghiên cứu George Fabyan ở Geneva, Illinois, Mỹ. Ảnh: Alion Science and Technology.
Trong các cuộc họp gia đình, hai vợ chồng thường để lại mật mã truyền thông điệp cho các con, và họ cũng phát triển ra những hình thức giao tiếp bằng mật mã với những người bạn thân thiết của mình. Họ hay tổ chức các dạ tiệc mà thực đơn đều được mã hóa và khách khứa muốn ăn uống thì buộc phải nghĩ cách giải được những câu đố này.
Điệp viên
Khi Thế chiến II bắt đầu, Elizebeth làm việc trong vai trò của một điều phối viên thông tin, một dịch vụ tình báo phục vụ cho Cục tình báo chiến lược OSS, là cơ quan tiền thân của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Trong khi ông xã William đã giành được chiến thắng trong việc phá mã của Cỗ máy mã hóa tím của Nhật Bản – một khám phá vang dội cho phép Chính phủ Mỹ quyền tiếp cận các thông tin ngoại giao trước khi diễn ra vụ đánh bom Trân Châu Cảng, thì những thành công của bà xã Elizebeth lại ít được công bố.
Thực vậy các nhà nghiên cứu đã mô tả cái mà họ gọi là “đụng bức tường gạch” khi muốn tìm thêm nhiều chi tiết hơn về các hoạt động trong thời chiến của bà Elizabeth.
Còn theo ông Jason Fagone, tác giả quyển sách mới phát hành gần đây mang tựa đề “Quý bà phá mã” thì bà Elizebeth từng cộng tác với FBI chuyên trách săn lùng các điệp viên Đức, phá các mật mã Đức và làm việc chặt chẽ với tình báo Anh nhằm phá hủy vòng gián điệp của trục phát xít. J. Edgar Hoover từng ca ngợi bà Elizabeth là “một thợ phá mã tuyệt mật và hoàn toàn xứng đáng với kỳ tài của mình”.
Một trong những nhiệm vụ thành công mà Elizebeth từng làm việc cho FBI có liên quan đến “Vụ án bà búp bê” vào năm 1944. Vụ này đề cập đến Velvalee Dickinson, một đại lý bán búp bê ở New York City. Bà này bị kết tội làm gián điệp cho chính quyền phát xít Nhật Bản lúc bấy giờ.
Elizebeth đã giúp chứng minh các lá thư được cho là do Dickinson viết, song kỳ thực nó lại mô tả chính xác vị trí các con tàu Mỹ và các tin tức chiến tranh nhạy cảm khác, và những tin tức kiểu này có nguy cơ sẽ rơi vào tay của giới chức trục phát xít.
Mặc dù báo chí thời kỳ đó đăng ầm ầm các bài viết về vụ Dickinson với hàng tít “Nữ điệp viên chiến tranh số 1” cùng những đoạn tin được phá mã “của các nhà mật mã FBI”, nhưng tuyệt nhiên cái tên Elizebeth bị giấu nhẹm.
Một bức thư được cho là do nữ gián điệp Velvalee Dickinson viết đã tiết lộ thông tin về các tàu chiến và tin tức chiến tranh Mỹ, được bà Elizabeth Friedman giải mã. Ảnh: Howling Fixel.
Bà Elizebeth về hưu vào năm 1946, tức chỉ 1 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, và ông xã William cùng về hưu trong năm này. Năm 1957, sau nhiều năm nghiên cứu, vợ chồng họ đã cùng công bố kiệt tác “Phúc khảo mật mã của Shakespeare” và đã đoạt được vô số giải thưởng từ các cơ sở nghiên cứu về Shakespeare.
Trái ngược với giả thuyết của bà Wells Gallup, hai vợ chồng nhà Friedman phủ nhận rằng Sir Francis Bacon chưa từng viết bất kỳ tác phẩm nào như Shakespeare đã làm.
Sau khi ông William qua đời vào năm 1969, bà Elizebeth giành toàn bộ thời gian cuối đời để theo đuổi công việc còn dang dở của ông xã về mật mã, hơn là “tự sướng” với các thành tựu đã đạt được trong đời.
Công sức miệt mài của bà Elizabeth đã được đền đáp xứng đáng bằng việc ra đời Thư viện nghiên cứu George C. Marshall, cái tên này được đặt theo tên của Thống tướng lục quân Hoa Kỳ.
Năm 1980, ngay trong ngày lễ Halloween, bà Elizebeth đã qua đời và được an táng ngay bên cạnh ông xã ở nghĩa trang quốc gia Arlington (Virginia, Mỹ).
Trên bia mộ của vợ chồng họ không phải là những câu thơ của William Shakespeare mà là lời ai điếu của Sir Francis Bacon: “Kiến thức là sức mạnh”, kỳ thực nó cũng là một mật mã mà khi đọc lên thành "WFF" là tên viết tắt của William Friedman!