“Chúng tôi vô cùng thất vọng”- thư ký báo chí của Nhà Trắng đã nói như vậy khi Moscow cho phép Eduard Snowden, cựu nhân viên CIA được tị nạn tại Nga. Một phát ngôn rất kiềm chế.
Theo giới phân tích, Washington hiện đang phải chịu thất bại nặng nề nhất trong lĩnh vực phản gián của mình kể từ thời Rosenbergs cung cấp cho Liên Xô những bí mật hạt nhân 60 năm trước. Giờ đây người Nga lại đang nắm giữ trong tay ổ cứng máy tính của Snowden, từ đó họ có thể khai thác được nhiều bí mật hơn những gì mà hàng tiểu đoàn điệp viên có thể đánh cắp được.
Trong tay tổng thống Putin có nguồn tài liệu lớn và cực kỳ nhạy cảm để đặt nước Mỹ vào tình thế bất lợi. Ông có thể lôi ra từ ẩn số Snowden những điều bí mật và theo lựa chọn của mình từng bước đưa chúng ra ánh sáng. Ông cũng có thể hù dọa công bố những bí mật như thế để Washington phải cư xử một cách biết điều. Sau cái tát như thế, giai đoạn “vô cùng thất vọng” giống như một cử chỉ ngoại giao bất bình, không xứng tầm với một siêu cường.
Tại sao ông Putin dám chọc tức nước Mỹ, chơi trò mèo vờn chuột suốt 6 tuần lễ? Đơn giản bởi vì ông là nhà lãnh đạo đầy quyền lực hiếm hoi trên thế giới có thể làm điều này. Dường như nhà lãnh đạo Nga nổi tiếng cá tính này đã lượng định phản ứng của tổng thống Mỹ Barack Obama và cả quyết rằng phía Mỹ sẽ chẳng làm điều gì đặc biệt.
Nhà lãnh đạo Nga nghiên cứu về ông Obama từ thời điểm ông nhậm chức năm 2009. Mọi sự bắt đầu từ bài diễn văn về Cairo của ông Obama tháng 6.2009, khi ông bàn tới Trung Đông, Iran. Và sau vài tháng Nhà trắng đã phải nhượng bộ người Nga trong vấn đề phòng thủ tên lửa ở châu Âu, vấn đề mà Nga phản đối hết sức quyết liệt.
Kremlin cũng nhận thấy ông Obama từ chối phương án giải quyết vấn đề chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran bằng hành động quân sự. Tehran đã nhiều lần cố tình trì hoãn tiến hành các cuộc hội đàm với Washington, nhưng Nga cũng là một người chơi trong cuộc nên Mỹ cũng không thể làm căng.
Hãy suy ngẫm về những lời thách đấu mà nước Nga đưa ra trong năm nay. Thách thức đầu tiên là việc cung cấp cho tổng thống Assad ở Syria loại tên lửa đối hạm hiện đại “Yakhont”. Loại tên lửa chống hạm tối tân và đầy uy lực này đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho hải quân Mỹ và Israel.
Moscow vẫn phủ nhận việc cung cấp cho chính quyền Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300. Người ta đều biết hệ thống S-300 PMU-2 có thể làm thay đổi tất cả các tính toán về quân sự, bởi vì loại tên lửa này có khả năng tiêu diệt các máy bay và tên lửa hành trình ở bất kỳ độ cao nào. Và việc làm chủ không phận Syria rồi ném bom các mục tiêu như với nhà lãnh đạo Gaddafi ở Libya là vô cùng rủi ro.
Vừa qua, Nga cũng đã điều tới Địa Trung Hải gần chục chiến hạm, một hành động phô trương sức mạnh, nhằm thể hiện quyết tâm và răn đe. Nếu Mỹ và phương Tây thực sự quyết định chiến đấu chống Assad, rõ ràng cần phải điều tới khu vực này một cụm hải quân rất mạnh. Nhưng liệu Mỹ có dám mạo hiểm đối đầu với Nga chỉ vì muốn hạ bệ ông Assad hay không?
Tín hiệu của Kremlin là sẽ bảo vệ chủ quyền của Syria và chính quyền của ông Assad. Ở đó nước Nga còn có những đối tác rất cứng rắn và được tôi luyện qua trận mạc như Iran. Trong lúc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang nỗ lực làm trung gian cho cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestine, Moscow và Tehran cũng tích cực củng cố thế trận ở Địa Trung Hải.
Nước Mỹ thời Obama đang rời khỏi “câu lạc bộ siêu cường”. Phát biểu tại Trường đại học quốc phòng Mỹ hồi tháng 5, ông Obama hứa kết thúc cuộc chiến chống khủng bố và chấm dứt việc sử dụng máy bay không người lái, loại vũ khí tốt nhất của người Mỹ trong kỷ nguyên chiến tranh phi đối xứng”, để tiến công.
Và ông nói hoàn toàn nghiêm túc. Tuần trước ông Kerry đã hứa sẽ rất nhanh chóng chấm dứt các cuộc tiến công của những phương tiện bay không người lái ở Pakistan.
Theo The Wall Street Journal, trong lịch sử chính sách của các siêu cường lần đầu tiên đang diễn ra một điều chưa từng thấy bao giờ. Thường những nước có truyền thống hạn chế sức mạnh của các quốc gia khác, liên tục chơi trò gây áp lực và chống gây sức ép.
Còn giờ đây một siêu cường như Mỹ lại tự đề xuất trung lập hóa mình, và để làm được điều này cường quốc đó không được có bất kỳ kẻ thù nào. Quốc gia đã phát minh ra chiến lược kiềm chế trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh, hôm nay đang chơi trò kiềm chế chính mình.
Vì vậy, Wall Street Journal chua chát than rằng không đáng phải buộc tội ông Putin vì những gì mà các quốc gia đang trỗi dậy thường làm để kiểm tra thái độ, lập trường của các đối thủ. Hiện nay chính Trung Quốc cũng hành xử như thế trong cuộc tranh chấp cân não vì những chuỗi đảo nhỏ ở Biển Đông. Nước Mỹ đang biến thành một quốc gia hạng trung lớn kiểu như nước Pháp - quốc gia đang cố chứng tỏ vai trò của mình bằng các cuộc can thiệp vào Lybia và Mali vừa qua, nhưng lại không đủ sức giải quyết những vụ việc ở tầm thế giới.