Theo tác giả Pierre Haski trên tờ Guardian (Anh), có thể gọi đây là “mối quan hệ đặc biệt” ít ai ngờ tới. Pháp và Mỹ có hơn 200 năm lịch sử tương đồng; mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu bằng một chuyện tình, sau đó là vô số trận cãi và và nghi ngờ triền miên.
Trong chuyến công du tới Mỹ tuần này, Tổng thống Pháp François Hollande được tiếp đón nồng nhiệt tại buổi tiệc chiêu đãi cấp nhà nước đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ năm 2011. Hai quốc gia cũng thể hiện một mối quan hệ nồng ấm hơn bình thường, và đây được coi là điều bất ngờ về một tổng thống Pháp không được dư luận trong nước ủng hộ và không có tiếng tăm gì về chính sách cũng như các kĩ năng ngoại giao.
Điều ngạc nhiên là nếu như trước đây, Pháp bị Washington coi là “kẻ hèn nhát” và “kẻ phản bội” vì từ chối tham gia vào cuộc chiến tranh Iraq 2003 thì chỉ trong vài tháng qua, nước này được coi là lực lượng có tư tưởng can thiệp hung hăng hơn chính nước Mỹ.
Điều này được thể hiện rõ nét qua vấn đề Syria. Vào tháng 8/2013, các máy bay chiến đấu Rafale của Pháp đã chuẩn bị sẵn sàng cất cánh sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus, Tổng thống Mỹ Obama đã “quay ngoắt 180 độ” với quyết định tham vấn Quốc hội. Khi đó, người Pháp cảm thấy “hụt hẫng” và hơi khó chịu trước quyết định của ông Obama.
Lúc này, Hollande đang ngày càng ít được dư luận trong nước ủng hộ vì cách giải quyết các vấn đề kinh tế của nước Pháp và bị truyền thông nước này chỉ trích vì không có đồng minh.
Lời mời ông Hollande tới Washington được công bố sau “sự cố” Syria nói trên.
Một điều ngạc nhiên khác xuất hiện sau đó vài tuần. Pháp phủ quyết thỏa thuận giữa các cường quốc với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran. Vào phút chót khi đại diện Mỹ tới Geneva mà không bàn bạc trước với các đồng minh, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius được chỉ đạo phủ quyết thỏa thuận này. Sau đó, các bên phải tiến hành thêm một vòng đàm phán mới đạt được thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran.
Năm ngoái quân đội Pháp đã hành động rất nhanh chóng ở Mali để ngăn chặn các chiến binh thân Al-Qaeda đe dọa thủ đô của quốc gia Tây Phi một thời là thuộc địa của Pháp này. Gần đây, quân đội Pháp cũng hành động tại thủ đô Cộng hòa Trung Phi để ngăn chặn các cuộc thảm sát tại nước này.
Chính sách ngoại giao nôn nóng này không phải là điều mới mẻ ở Pháp, quốc gia có lịch sử lâu đời can thiệp, đôi khi khá thô bạo, vào lục địa châu Phi và là nước có đủ năng lực điều động bất chấp những hạn chế về ngân sách. Tuy nhiên, điều bất ngờ là chính sách này được François Hollande, một chính trị gia cánh tả cam kết sẽ là một tổng thống “bình thường”, thực thi. Người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, đã đi đầu trong cuộc chiến tranh Libya năm 2011, từng được lên bìa tạp chí The Economist và được ví như Napoleon thời hiện đại.
Những người chỉ trích ông Hollande gọi ông là “Fkanby”, một loại bánh kem tráng miệng, cho thấy họ nhìn nhận ông không thể là người sẵn sàng điều quân đội chống lực lượng khủng bố ở một quốc gia xa xôi.
François Hollande đã khiến tất cả mọi người, bao gồm cả chính người Pháp, ngạc nhiên khi thể hiện quyết tâm cao độ trong các vấn đề ngoại giao, điều mà dư luận không thấy trong các chính sách đối nội của ông. Rõ ràng điều này cũng đã thu hút sự chú ý của Washington.
Trong thế giới đa cực khó đoán định ngày nay, Pháp đã nổi lên là một trong những quốc gia châu Âu ít ỏi còn sót lại thể hiện ý chí và cả phương tiện thể hiện vai trò tích cực trên trường quốc tế.
Tất nhiên, Tổng thống Hollande có thể bị cáo buộc tìm thành công trên trường quốc tế mà ông không đạt được với các vấn đề đối nội, đặc biệt trong cuộc chiến chống nạn thất nghiệp và thâm hụt ngân sách.
Điều đó là đủ để một siêu cường đang mất dần tầm ảnh hưởng (Mỹ) “bắt tay” với một quốc gia châu Âu trung bình vẫn mong muốn có chỗ đứng nhất định trong trường quốc tế (Pháp).