Hành động diễn ra khi IS tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ khủng bố. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã coi đó là "hành động chiến tranh," cần phải bị trừng trị không thương tiếc.
Nhiều lãnh đạo thế giới cũng tỏ rõ quyết tâm tiêu diệt IS, lực lượng đã chiếm nhiều vùng đất ở Iraq, Syria và khuyến khích những kẻ ủng hộ chúng tiến hành nhiều vụ khủng bố tàn ác.
Nhưng trước khi các vụ tấn công thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, cộng đồng quốc tế đã tập trung nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp ngừng bắn và chuyển giao chính trị cho Syria, nơi cuộc nội chiến kéo dài 5 năm đã khiến 250.000 người thiệt mạng, khiến một nửa dân số nước này phải rời bỏ quê hương tới các vùng đất mới.
Ở trung tâm của hoạt động tìm kiếm giải pháp là số phận Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hollande là một trong những nhà lãnh đạo phương Tây mạnh mẽ yêu cầu ông Assad phải từ bỏ quyền lực.
Năm 2012, Pháp dẫn đầu nhóm quốc gia chính thức công nhận tổ chức yếu kém mang tên Liên minh đối lập ở Syria là "đại diện thực sự" cho nhân dân nước này.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius còn kêu gọi việc "trừ khử" ông Assad. Và Pháp ủng hộ nhiều nước Arab Hồi giáo Sunni cấp vốn cho các chiến binh nổi dậy chống lại chính quyền của ông Assad.
Nhưng nay, khi quân đội Pháp phải tăng cường nỗ lực chống IS, đặc biệt là sau các vụ khủng bố mới, dường như chính quyền Syria lại trở thành một đối tác mà họ không thể bỏ qua.
"Không có sự bào chữa nào cho các hành động khủng bố," Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói khi đứng cạnh Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry tại một cuộc họp ở Vienna, Áo, trong ngày 14/11.
"Và không có sự bào chữa nào khi chúng ta chẳng làm nhiều hơn để đánh bại IS và những nhóm như Al-Nusra," ông nói, có ý nhắc tới một nhóm quan hệ với al Qaeda đang chiến đấu ở Syria.
"Không cần biết các vị ủng hộ hay chống Assad, IS mới là kẻ thù của các vị," ông Lavrov nói.
Không ngạc nhiên khi ông Assad đã nhân các vụ khủng bố để chỉ ra rằng Phương Tây đã sử dụng các chính sách đối ngoại sai lầm trong 5 năm qua.
Ông nói rằng Pháp nếm quả đắng do quyết định ủng hộ những kẻ thù của mình, đã khiến chủ nghĩa khủng bố hoạt động mạnh hơn.
Hiển nhiên, những kẻ chỉ trích Assad vẫn chẳng thể chấp nhận một giải pháp chính trị có ông.
"Cần phải đảm bảo rằng Assad không phải đáp án và đây là yếu tố chủ chốt cho một giải pháp khả thi," Andrew Tabler, một nhà nghiên cứu tại Viện chính sách Cận Đông Washington, nói với trang tin Bloomberg.
Tuy nhiên đây không phải điều dễ dàng, khi đang ngày càng có nhiều lời kêu gọi ở phương Tây, về việc tổ chức mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác chống IS. Cùng thời điểm, sự chia rẽ trong khu vực về tương lai của Syria lại mang tới trở ngại khổng lồ, liên quan tới mục tiêu triệt hạ IS.
"Một chiến dịch trên bộ khổng lồ do các lực lượng quân sự Phương Tây thực hiện, giống như đã làm ở Afghanistan hồi năm 2001, dường như sẽ không được tính tới, với nguyên nhân chỉ bởi một cuộc can thiệp quốc tế sẽ bị vướng vào các cuộc xung đột không dứt ở địa phương," học giả Pháp Olivier Roy, một chuyên gia về Trung Đông, đánh giá.
Olivier Roy nói: "Một cuộc tấn công có phối hợp do các cường quốc trong khu vực cùng thực hiện cũng khó xảy ra, do họ có mục tiêu và động cơ khác nhau.
Vì thế, sẽ cần phải đạt được một thỏa thuận chính trị giữa những người chơi lớn trong khu vực, bắt đầu từ Saudi Arabia và Iran."
Nhưng hiện tại thì ngay cả lựa chọn này cũng không khả thi. Và chừng nào thế giới vẫn chưa thống nhất cho giải pháp ở Syria, chính quyền nước này vẫn sẽ tiếp tục tồn tại./.