Ukraine chối bỏ hiệp ước lịch sử, cộng đồng mạng “dậy sóng”

Anh Tuấn |

Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk mới đây tuyên bố rằng hiệp ước Molotov-Ribbentrop lịch sử làm nên đường biên giới phía Tây ngày nay của Ukraine là hành động đi ngược lại lợi ích của Ba Lan và Ukraine.

Hiệp ước Molotov-Ribbentrop, một thỏa ước không xâm phạm nhau đã được Liên Xô và Đức quốc xã ký kết trước khi Thế chiến II nổ ra năm 1939, khiến cho các vùng lãnh thổ ở phía Tây Ukraine và Belarus do Ba Lan kiểm soát sau cuộc chiến Ba Lan – Liên Xô từ năm 1919 đến 1921 được trả về cho Liên Xô, qua đó lập nên đường biên giới ngày nay của Ukraine và Belarus sau khi Liên Xô tan rã.

Các báo của Ba Lan đưa tin, trước sự có mặt của Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz, người đã đến làng Bykivnia (Ukraine) vào ngày 17/9 để tưởng nhớ các binh sĩ Ba Lan bị Liên Xô xử tử trong Thế chiến II, ông Yatsenyuk tuyên bố rằng hiệp ước Molotov-Ribbentrop là đi ngược lại lợi ích của cả Ba Lan và Ukraine và khẳng định chính hiệp ước là nguyên nhân Thế chiến II xảy ra.

Phát biểu của ông Yatsenyuk đã làm dấy lên làn sóng phản đối của cộng đồng mạng.

Nhiều người bày tỏ ý kiến rằng, nếu Kiev coi hiệp ước này là một tội ác, họ nên cắt vùng phía Tây Ukraine để trao cho Ba Lan nhằm “sửa chữa sai lầm”.

Sau hiệp ước Molotov-Ribbentrop, Ukraine đã có các vùng Volyn, Ternopil, Ivano-Frankivsk, Rivne cùng với vùng Lviv. Lviv trước đây chưa từng thuộc Đế chế Nga, và là một trong những thành phố giàu có nhất của Đế quốc Áo – Hung.

Sau Cuộc chiến Ba Lan – Liên Xô, Lviv trở thành thành phố đông dân thứ ba của Ba Lan và được coi là trung tâm văn hóa và giáo dục lớn thứ hai của nước này sau thủ đô Warsaw.

Cộng đồng mạng tỏ ra bất bình trước phát biểu của Thủ tướng Ukraine. Có người đã chỉ trích: “Miền Tây Ukraine thống nhất với lãnh thổ của Ukraine là đi ngược lại với lợi ích của chính phủ Ukraine sao? Ông Yatsenyuk có biết ông ta đang nói gì không?”.

Sau khi Liên Xô tan rã, một bộ phận người Ba Lan tuyên bố họ coi Kresy, khu vực gồm miền Tây Ukraine, miền Tây Belarus và miền Đông Nam Lithuania là lãnh thổ của Ba Lan.

Nhiều tổ chức và quốc gia ủng hộ xây dựng những tượng đài và hỗ trợ những người Ba Lan còn đang sống ở khu vực này, nhưng việc lấy lại lãnh thổ vẫn là một chủ đề cấm kỵ.

Năm ngoái, sau khi Ukraine ký kết Thỏa thuận Hợp tác Thương mại với EU, một vài tổ chức Ba Lan tuyên bố họ sẽ đệ đơn kiện để lấy lại những vùng đất ở phía Tây Ukraine đã từng thuộc Ba Lan ở nước này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại