Trung Quốc tức giận trước “lưỡi dao” Nhật Bản dí sát Đài Loan

Hùng Cường |

Trước động thái Nhật Bản mở căn cứ gần Đài Loan, Trung Quốc tức giận tố Nhật Bản là “đạo đức giả”.

Reuters ngày 31/3 đưa tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cáo buộc Nhật Bản là “đạo đức giả” khi mở một căn cứ mới gần Đài Loan (Trung Quốc) và nhóm đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở Biển Hoa Đông trong lúc không ngừng chỉ trích các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trước đó, Nhật Bản hôm 28/3 cho biết sẽ cho khởi động một trạm radar tại biển Hoa Đông. Trạm radar này là một điểm thu thập thông tin tình báo cố định gần Đài Loan và nhóm đảo tranh chấp mà cả Tokyo và Bắc Kinh cùng tuyên bố chủ quyền.

Trạm radar mới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trên đảo Yonaguni nằm tại điểm cực Tây chuỗi các đảo của Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, nằm cách quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Trung Quốc là Điếu Ngư) 150 km về phía Nam.

Trong tuyên bố đưa ra hôm qua (31/3), Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tỏ ra rất tức giận trước động thái này của Nhật Bản, đồng thời cáo buộc các lực lượng vũ trang của Nhật Bản đã tăng cường hoạt động trong những tháng gần đây trong khi vẫn công khai chỉ trích hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói: “Hôm nay chúng ta có thể thấy những gì Nhật Bản thực sự làm trên đảo Yonaguni, nơi chỉ cách Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư khoảng 100km”.

“Chúng tôi biết có những thông tin truyền thông cho thấy, trước đây đảo này chỉ có hai cảnh sát và khoảng 10 viên đạn. Nhật Bản luôn chỉ trích nước khác, vậy họ giải thích ra sao về hành động của mình?", ông Dương nói.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho rằng, quân đội Nhật Bản hiện đã đóng quân ở đây; đồng thời chỉ trích Nhật Bản chỉ “làm cảnh” khi nói về tự do hàng hải.

Phản ứng của mạnh của Trung Quốc được giới phân tích cho là không có gì bất ngờ. Giáo sư Nozomu Yoshitomi thuộc Đại học Nihon, từng là Thiếu tướng trong Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hôm 28/3 đã nhận định rằng, "trạm radar trên đảo Yonaguni sẽ làm Trung Quốc tức giận”.

Theo ông Yoshitomi, ngoài nhiệm vụ nghe ngóng, trạm còn có thể được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động quân sự trong khu vực.

Động thái này phù hợp với kế hoạch tăng cường quân sự rộng lớn hơn dọc chuỗi đảo của Nhật Bản, vốn có phạm vi tới 1.400 km tính từ đảo chính.

Năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản trả lời phỏng vấn của Reuters từng cho biết, kế hoạch tăng cường quân sự của Nhật Bản là một phần của chiến lược kiềm chế Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương mà Tokyo theo đuổi, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng lộ rõ âm mưu bành trướng tại Biển Đông./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại