Trung Quốc muốn "hòa" với Nhật, nhưng được bao lâu?

Tuấn Anh |

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) bình luận, sự kết hợp giữa quyền lực và tiền bạc dự kiến sẽ giúp làm tan băng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc.

Trung-Nhật cùng thiệt hại vì quan hệ đi xuống

Theo Bloogmberg, sau hơn 2 năm căng thẳng trong quan hệ xung quanh các tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang "xích lại gần một cách cẩn trọng" với người đồng cấp Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Abe vốn từ lâu đã kêu gọi cải thiện quan hệ song phương.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, liệu sự cải thiện quan hệ mong manh này kéo dài được bao lâu còn phụ thuộc nhiều vào những gì Thủ tướng Abe nói hồi tháng 8/2014 về cuộc chiến tranh trong quá khứ của Nhật Bản tại Trung Quốc.

Một số yếu tố đã thúc đẩy xu hướng xích lại gần nhau này đó là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại trong khi Nhật Bản là một nhà đầu tư lớn và đang giảm nguồn vốn rót vào Trung Quốc.

Đến nay, ông Tập Cận Bình đã củng cố đủ quyền lực của mình trong chính phủ và quân đội để có thể đưa ra lập trường mềm dẻo hơn với “kẻ thù lâu năm” mà có ít nguy cơ tạo ra những phản ứng dữ dội.

Hạ nhiệt căng thẳng với Nhật sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư. Trung Quốc thậm chí hy vọng Tokyo có thể phối hợp chặt chẽ hơn để kiềm chế các hành động leo thang trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Điều đó cũng sẽ giúp hạn chế phần nào sự bất hòa giữa Bắc Kinh với Mỹ - đồng minh quan trọng của Nhật Bản, nhất là khi Washington có nghĩa vụ bảo vệ Nhật trong trường hợp có xung đột xảy ra như thỏa thuận đã ký từ sau Thế chiến II.

Bài kiểm tra tiếp theo cho sự tan băng dần dần trong quan hệ Trung-Nhật sẽ đến vào tháng 8 này khi Thủ tướng Nhật Bản đưa ra tuyên bố để đánh dấu 70 năm kết thúc Thế chiến II.

Trước đó, Tokyo luôn bị Trung Quốc chỉ trích vì cho rằng người Nhật không thừa nhận những gì đã gây ra cho nước này trong chiến tranh thế giới.

Thủ tướng Abe đáp lại rằng ông hiểu lập trường của Trung Quốc nhưng sẽ không nhắc lại những lời xin lỗi về quá khứ. Liệu điều đó có đủ cho Trung Quốc khi Bắc Kinh luôn luôn đòi hỏi một sự "cúi đầu nhận lỗi" từ Nhật?

Theo Bloomberg, mặc dù Shinzo Abe đã tránh đưa ra một lời xin lỗi trực tiếp trong bài phát biểu tại Jakarta, Indonesia vào ngày 22/4 vừa qua, nhưng ngay sau đó ông cũng thể hiện thiện chí bằng việc ngồi ngay bcạnh ông Tập Cận Bình.

Phó GS Đại học Toyo, Nhật Bản
Vương Tuyết Bình
Đây có thể là những dấu hiệu tốt hơn trong quan hệ Trung - Nhật. Đặc biệt đối với Nhật Bản khi chúng ta có thể thấy rằng đang có một sự mềm mỏng trong chính sách của Bắc Kinh đối với Tokyo. Các chính sách của Trung Quốc đối với Nhật đã từng rất cứng rắn, nhưng gần đây họ đã bắt đầu đối xử với chính phủ Nhật và người dân trong nước theo hai cách riêng biệt để tách giảm các dư luận chống Nhật.

Quan hệ Trung-Nhật trở nên tồi tệ vào năm 2012 do căng thẳng trong tranh chấp quẩn đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông.

Điều này đã gây ảnh hưởng tới thương mại hai nước khi người Trung Quốc phát động chiến dịch tẩy chay hàng Nhật.

Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe bị Bắc Kinh "tố" là đã làm căng thẳng thêm tình hình bằng việc viếng thăm ngôi đền Yasukuni - nơi thờ các tội phạm chiến tranh của Nhật trong Thế chiến II.

Về phần mình, Trung Quốc vào cuối năm 2013 đã tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông và nhiều lần chỉ trích kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Nhật Bản trên thế giới mà ông Abe theo đuổi.

Sự dịu lại trong quan hệ Trung-Nhật gần đây đến sau nhiều tháng đàm phán giữa chính phủ hai nước ở nhiều cấp độ.

Cái bắt tay giữa ông Abe và ông Tập vào tháng 11 năm ngoái tại Diễn đàn APEC ở Bắc Kinh, dù còn "ngượng ngùng", đã đánh dấu bước đi công khai đầu tiên phá vỡ thế bế tắc.

Sau cuộc họp thân thiện hơn vào tháng 4 vừa qua tại Jakarta thì trong tháng 6, Trung-Nhật đã tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên giữa hai bộ trưởng tài chính sau nhiều năm gián đoạn.

Yuichi Hosoya, giáo sư chính trị quốc tế ĐH Keiso, Tokyo, người đang làm cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Abe cho biết: “Trong mùa hè năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã thực sự thay đổi chiến lược của họ đối với Nhật Bản.

Trung Quốc đã hiểu rằng, việc tách biệt hoàn toàn chính trị với kinh tế là điều không thể.”

Cái bắt tay khá lạnh nhạt của ông Tập và ông Abe tại Diễn đàn APEC Bắc Kinh 2014. Ảnh: AFP.

Cái bắt tay khá lạnh nhạt của ông Tập và ông Abe tại Diễn đàn APEC Bắc Kinh 2014. Ảnh: AFP

Nguồn gốc căng thẳng chưa được giải quyết

Nếu một sự tái hòa giải lâu dài được thiết lập, lợi ích có thể trông thấy ngay trong tăng trưởng kinh tế.

Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã giảm 6% xuống mức 343 tỷ USD vào năm 2013 và gần như trì trệ trong năm ngoái.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ yếu nhất trong vòng 24 năm qua với mức tăng trưởng 7.4% trong năm 2014.

Đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm gần 40% trong năm ngoái, tiếp tục đà sụt giảm kể từ năm 2012 khi Nhật quốc hữu hóa 3 trong số các đảo tranh chấp với Trung Quốc từ những cá nhân.

Động thái này đã dẫn tới các cuộc bạo loạn nhằm vào các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc.

Như một phần nỗ lực để sửa chữa những thiệt hại kinh tế, chủ tịch hội đồng đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản Toshihiro Nikai đã dẫn đầu phái đoàn 3000 người gồm các nhà lập pháp, quan chức và doanh nhân đến thăm Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua.

Trước đây, nguyên nhân gây căng thẳng Trung-Nhật xuất phát từ việc lãnh đạo song phương tìm kiếm và cổ súy những luồng quan điểm theo chủ nghĩa dân tộc trong mỗi quốc gia.

Ông Shinzo Abe tìm cách khôi phục lại niềm tự hào, tự tôn của người Nhật, trong khi ông Tập Cận Bình thường xuyên nói về “sự trỗi dậy của hòa bình” như một sức mạnh to lớn sẽ đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu.

Ông Tập có tham vọng xây dựng hai tuyến đường thương mại - “Con đường tơ lụa trên biển” và “Con đường tơ lụa trên đất liền” - nối liền với Trung Đông và châu Âu.

Trung Quốc cũng đang đứng giữa "tâm bão" ở Biển Đông, khi nước này tuyên bố chủ quyền (bất hợp pháp-PV) với phần lớn vùng biển này và bị các quốc gia trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và Nhật liên tục hưởng ứng kêu gọi của Mỹ khi đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực, thì Trung Quốc buộc phải giảm căng thẳng, hạ nhiệt với Tokyo ở phía Bắc.

Mới đây, Nhật Bản cùng Trung Quốc được cho là sẽ ký thiết lập một cơ chế chung về hàng hải và hàng không để tránh các rủi ro cũng như xung đột.

Tình hình chính trị trong nước đã tạo cho ông Tập thêm cơ hội chơi ván cờ mưu lược với người Nhật.

Trong 18 tháng đầu tiên sau khi lên năm quyền, Tập Cận Bình đã cự tuyệt các lời kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương của thủ tướng Nhật Shinzo Abe để tập trung ổn định tình hình trong nước với chiến dịch "đả hổ đập ruồi".

Giáo sư Hosoya cho biết: “Chúng ta có thể thấy các vụ tham nhũng lớn được khui ra, và ông Tập cuối cùng đã kiểm soát hoàn toàn quân đội Trung Quốc.

Tập Cận Bình là một người thực dụng và hoàn toàn hiểu được tầm quan trọng của việc giữ quan hệ tốt với Nhật Bản - điều mà ông mới thực sự bắt tay vào từ tháng 11 năm ngoái ở APEC."

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản cùng tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Kyodo News.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản cùng tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Kyodo News.

Những vấn đề cốt lõi

Bloomberg đánh giá, ngay cả nếu ông Shinzo Abe đưa ra những tuyên bố thiết thực nhằm giảm căng thẳng với Bắc Kinh trong tháng 8 tới, mối quan hệ Trung-Nhật vẫn hoàn toàn có được một nền tảng ổn định.

Giáo sư lịch sử tại ĐH Thượng Hải Tô Trí Lương cho rằng: “Mối quan hệ song phương sẽ không xấu đi thêm, nhưng cũng sẽ không cải thiện quá nhiều.

Các tính chất thù địch của Trung Quốc và Nhật xoay quanh những vấn đề cốt lõi trong quan hệ dân tộc sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài.”

Tưởng Lập Phong - chuyên gia về Nhật Bản tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc - không mong đợi một bước tiến lớn trong quan hệ Trung Nhật.

Ông cho biết: “Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ sự thay đổi về mặt chính sách nào và Nhật Bản cũng vậy. Tất cả các thay đổi hiện tại mới chỉ ở mức bề mặt.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại