Trung Quốc hứa không xâm lược nước láng giềng

D.Kim Thoa - H.Trung |

Đây là cuộc gặp không chính thức lần thứ năm giữa bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc với người đồng cấp các nước ASEAN, và là lần đầu tổ chức tại Trung Quốc.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự cuộc gặp.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn khẳng định đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một thành tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN.

Trung Quốc muốn hợp tác với ASEAN để duy trì an ninh và ổn định ở khu vực.

Đề xuất tập trận chung

Ông Thường đề xuất tăng cường xây dựng các cơ chế an ninh để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là hợp tác trong các lĩnh vực như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình...

Ông Thường nêu lại ý kiến của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rằng dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực.

Ông Thường Vạn Toàn khẳng định Trung Quốc mong muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình cũng như tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Ông Thường cũng đề nghị Trung Quốc và ASEAN tổ chức tập trận chung về cứu hộ cứu nạn trên biển và cho rằng tập trận chung là một cách giải quyết xung đột và kiểm soát nguy cơ trên Biển Đông.

BBC dẫn lời nhà phân tích William Choong của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định đây là hành động của Trung Quốc nhằm đối phó với làn sóng chỉ trích dữ dội nhắm vào các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông.

Đây cũng có thể là cách để Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng ở thời điểm hải quân Mỹ đang chuẩn bị tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo bất hợp pháp để phủ nhận đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Chuyên gia Choong dự báo ý tưởng tập trận chung này khó có thể trở thành hiện thực bởi “sẽ không có chuyện ASEAN đồng thuận về vấn đề này”.

Reuters dẫn lời một sĩ quan quân sự Philippines cho biết có thể Manila sẽ đồng ý tập trận chung với điều kiện đó là cơ hội để kiểm chứng xem Trung Quốc có quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp hay không.

Mong muốn thực chất

Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác quốc phòng thực chất với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Các bộ trưởng khẳng định hòa bình và ổn định tại Biển Đông có ý nghĩa sống còn với an ninh khu vực, mong muốn Trung Quốc và ASEAN thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo TTXVN, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định: “Một Trung Quốc phát triển hòa bình, quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN đem lại cơ hội lớn cho ASEAN và ngược lại.

Vì vậy, hợp tác phát triển lâu dài, bền vững, toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc là mục tiêu ưu tiên của ASEAN”.

Ông nhấn mạnh quan điểm lập trường nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện cùng có lợi với Trung Quốc, xử lý tồn tại bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên tinh thần thỏa thuận nguyên tắc 6 điểm giải quyết các vấn đề trên biển giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc.

Sau cuộc gặp là Diễn đàn Hương Sơn, nơi các nhà phân tích, lãnh đạo quân sự từ nhiều nước tới thảo luận những vấn đề an ninh, hàng hải và chống khủng bố ở châu Á - Thái Bình Dương.

“Trung Quốc muốn dùng các diễn đàn này để quảng bá quan điểm của họ, giải thích chính sách của họ và đánh bóng hình ảnh an ninh đất nước họ” - AP dẫn lời chuyên gia an ninh Li Mingjiang thuộc ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore.

“Vì cuộc gặp được tổ chức tại Bắc Kinh, rất khó để đại diện các nước chỉ trích Trung Quốc về những chính sách gây hấn của nước này trên Biển Đông” - chuyên gia Li nhận định.

Các nhà quan sát dự báo Diễn đàn Hương Sơn sẽ chỉ tập trung thảo luận các lĩnh vực hợp tác an ninh truyền thống, trao đổi quân sự và an ninh khu vực nói chung.

Trung Quốc quảng bá khái niệm “an ninh châu Á”, kêu gọi các nước châu Á tự quyết định an ninh khu vực.

Bắc Kinh muốn thuyết phục các nước châu Á rằng khu vực không cần đến đối tác bên ngoài như Mỹ hay các liên minh quân sự như Mỹ và Nhật để đảm bảo an ninh khu vực.

Mục tiêu cuối cùng vẫn là tìm cách giảm vai trò của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

4 đề xuất của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh

Theo TTXVN, đại tướng Phùng Quang Thanh đề xuất ASEAN và Trung Quốc nghiên cứu tăng cường hợp tác quốc phòng trên một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường phối hợp để xây dựng các cơ chế quản lý, kiểm soát tranh chấp, phòng ngừa, xử lý những tình huống khẩn cấp trên cơ sở tôn trọng các cam kết đã có giữa ASEAN và Trung Quốc; sớm thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa bộ trưởng bộ quốc phòng các nước ASEAN và bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhằm quản lý tốt các vấn đề nảy sinh.

Thứ hai, tăng cường phối hợp trong khuôn khổ Hội nghị ADMM+, ARF nhằm nâng cao năng lực cho các nước ASEAN trong lĩnh vực tham gia những hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai...

Nghiên cứu đưa nội dung thực hành Bộ quy tắc tránh va chạm ngẫu nhiên trên biển (CUES) vào diễn tập Nhóm chuyên gia ADMM+ về an ninh hàng hải và chống khủng bố.

Thứ ba, duy trì trao đổi, tham vấn lẫn nhau, nhất là bên lề các sự kiện như ADMM, ADMM hẹp nhằm chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm, hiểu biết lẫn nhau, tìm kiếm các khả năng thúc đẩy hợp tác thiết thực đem lại lợi ích cho hai bên.

Thứ tư, giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như giữa một số nước ASEAN có chung biên giới trên biển, việc ngư dân trong quá trình đánh bắt cá xảy ra vi phạm là điều khó tránh khỏi.

Vì vậy, đề nghị các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cần giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn cũng như đối xử nhân đạo với ngư dân trên cơ sở luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị giữa các nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại