"Thế chỗ" Kim Jong-un tại Bắc Kinh, Hàn Quốc lập tức chớp thời cơ

Đức Huy |

Theo phân tích của chuyên gia Scott Snyder đăng trên tạp chí National Interest, Hàn Quốc mới là nước thực sự hưởng lợi từ chuyến thăm Bắc Kinh mới đây của bà Park Geun-hye.

Nhiều nhà quan sát phương Tây có lẽ đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đứng bên cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi lễ duyệt binh sáng nay (3/9) tại Thiên An Môn.

Láng giềng của Trung Quốc nhưng cũng đồng thời là đồng minh quân sự của Mỹ, sự có mặt của bà Park được đánh giá là một thành công lớn của Bắc Kinh.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc Tổng thống Hàn Quốc đích thân xuất hiện tại Thiên An Môn là minh chứng cho việc Seoul nay đã không thể thoát khỏi "sức hấp dẫn" của Bắc Kinh với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Snyder, chuyến thăm của bà Park không nên chỉ được lý giải theo hướng như vậy, mà có thể nói, chính Seoul đang nhân cơ hội này để lôi kéo Trung Quốc ủng hộ việc thống nhất hai miền Triều Tiên, trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng đang rạn nứt.

Chuyên gia - nhà nghiên cứu
Scott A. Snyder
Ông Snyder là giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách Mỹ-Hàn thuộc Viện Quan hệ Quốc tế (CFR). Ông được coi là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Triều Tiên với hàng chục năm học tập và nghiên cứu.

Với những diễn biến trong đàm phán liên Triều gần đây, dù kết quả không hẳn đã được như mong đợi, nhưng có thể thấy Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un đã có nhiều tương tác cấp cao với Hàn Quốc hơn hẳn so với Bắc Kinh.

Điều này thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong chiến lược ngoại giao so với Bình Nhưỡng dưới thời Kim Jong-il. Khi đó, Triều Tiên luôn tìm cách đẩy mạnh quan hệ đối tác với Bắc Kinh để tránh quá lệ thuộc vào Seoul về kinh tế.

Còn nhớ, trước cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều lịch sử hồi tháng 6/2000, Kim Jong-il đã đến thăm Bắc Kinh trước khi đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Dae-jung tại Bình Nhưỡng.

Kim Dae-jung và Kim Jong-il trong cuộc gặp lịch sử năm 2000. Ảnh: Reuters
Kim Dae-jung và Kim Jong-il trong cuộc gặp lịch sử năm 2000. Ảnh: Reuters

Về phía Trung Quốc, Tập Cận Bình đã công khai thể hiện sự không hài lòng với Kim Jong-un với việc đến thăm Seoul và cho Bình Nhưỡng "ra rìa". Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất kì chính sách nào lợi cho Hàn Quốc, thiệt cho Triều Tiên.

Một trong những lý do chính giải thích tại sao Hàn Quốc quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1992 là do Seoul muốn Bắc Kinh hỗ trợ tiến trình cải thiện quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, một chiến lược do ông Roh Tae-woo khởi xướng.

Trên phương diện này, việc Bắc Kinh chào đón bà Park có thể xem là một cơ hội "trời ban" để Hàn Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược lâu năm của mình.

Tận dụng dịp này, Tổng thống Hàn Quốc đã bày tỏ sự biết ơn đối với "vai trò trong việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên" của Trung Quốc, đồng thời không quên "nhắc khéo" Triều Tiên không làm phức tạp thêm tình hình với những động thái gây hấn.

Bình thường hóa quan hệ Trung-Hàn đã đem lại những lợi ích kinh tế và thương mại to lớn cho cả hai nước, nhưng suốt hơn 2 thập kỉ vừa qua Seoul vẫn chưa nhận được sự ủng hộ về mặt chiến lược từ Bắc Kinh trong quan hệ liên Triều như những gì họ muốn.

Vậy nên trong cuộc diễu binh lần này, việc bà Park Geun-hye "thế chỗ" Kim Jong-un tại Bắc Kinh có thể coi là một bước tiến quan trọng đối với Hàn Quốc.

Như vậy, nếu nhìn từ góc độ này, có thể thấy sự hiện diện của bà Park Geun-hye tại Bắc Kinh lần này không hẳn là một thành công lớn với Trung Quốc, mà đúng hơn là một "món hời" thật sự với Hàn Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại