Syria nội chiến triền miên, vì sao Tổng thống Assad vẫn tại vị?

Minh Thu |

Dù phương Tây mà cụ thể là Mỹ muốn hạ bệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng mối đe dọa từ sự trỗi dậy của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS chính là một phần lý do khiến nhà lãnh đạo Syria vẫn tại vị.

Trong số hơn 4 triệu người dân Syria buộc phải đi tị nạn để tránh nội chiến không có Tổng thống Bashar al-Assad.

Vậy lý do gì khiến nhà lãnh đạo Syria vẫn tại vị dù đất nước này đã lâm vào vòng xoáy chiến tranh trong hơn 4 năm qua?

Tình bạn tốt

Tổng thống Assad hiện đang kiểm soát 25% lãnh thổ Syria là các trung tâm đông dân cư sinh sống ở khu vực bờ biển nước này. Với vị trí gần bờ biển, Tổng thống Syria có thể dễ dàng nhận nguồn hỗ trợ từ nước ngoài.

Giới chức phương Tây nhận định Nga sẽ từng bước củng cố sự hiện diện quân sự ở Syria và bảo vệ cửa ngõ tiếp cận khu cảng nước sâu ở Địa Trung Hải.

Theo đó, Mỹ và châu Âu cáo buộc Nga đã chuyển 6 xe tăng T-90, 15 bích kích pháo, 35 xe bọc thép chở quân và điều động 200 lính thủy đánh bộ tới Syria trong những tuần gần đây.

Ngoài ra, Iran cũng lo ngại viễn cảnh Syria sụp đổ và rơi vào tay lực lượng nổi dậy Syria do Ả Rập Xê-út chống lưng bởi đây vốn là kẻ thù "không đội trời chung" của Tehran trong khu vực.

Đó là lý do Iran viện trợ 1 tỷ USD để chính quyền Assad nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Trong bối cảnh Iran dần thoát khỏi vòng xoáy lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký kết hồi tháng Bảy, Tehran sẽ dễ dàng kiếm được thêm khoản lợi nhuận khổng lồ thông qua việc sản xuất thêm 1 triệu thùng dầu/ngày vào cuối năm sau.

Trong khi đó, lâu nay, Tehran và Moscow khẳng định khoản hỗ trợ tài chính cho chính quyền Tổng thống Assad là nhằm chống lại hoạt động của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, phương Tây sẽ không thể gây áp lực buộc Iran và Nga từ bỏ viện trợ cho chính phủ Syria.

Mối đe dọa từ IS

Dù rất muốn lật đổ Tổng thống Assad nhưng phương Tây mà cụ thể là Mỹ nhận ra một thực tế rằng ở Trung Đông, có một lực lượng còn nguy hiểm hơn nhà lãnh đạo Syria đó là IS.

IS hiện đang kiểm soát hơn 50% lãnh thổ Syria. Và rõ ràng IS là một trong những lực lượng khủng bố có nguồn tài chính chống lưng dồi dào cũng như trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất thế giới.

IS có thể thu hơn 1 triệu USD/ngày thông qua hoạt động bắt cóc tống tiền và thu thuế.

Ngoài ra, hơn 30 tổ chức hồi giáo cực đoan đến từ 18 quốc gia cũng đã tuyên bố sáp nhập hoạt động với IS. Và hơn 20.000 tay súng nước ngoài từ 50 quốc gia trên khắp thế giới đã đầu quân chiến đấu cho IS.

Có thể nói, đối với phương Tây, Tổng thống Assad mới chỉ được xem là "bạo chúa" của một khu vực với số lượng binh sĩ ủng hộ nhất định.

Trong khi đó, IS giờ trở thành mối đe dọa an ninh toàn cầu với số lượng thành viên không ngừng gia tăng nhanh chóng.


Nội chiến buộc 4 triệu người dân Syria phải rời bỏ đất nước đi tị nạn.

Nội chiến buộc 4 triệu người dân Syria phải rời bỏ đất nước đi tị nạn.

Kinh tế trống rỗng 

Khi mà cuộc nội chiến ở Syria vẫn tiếp diễn, người dân Syria  là những đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất.

Kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ hồi năm 2011, hơn 200.000 người Syria đã phải bỏ mạng và 4 triệu người phải rời bỏ đất nước đi tị nạn.

Còn 7,6 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa để tới những vùng đất khác trên lãnh thổ Syria sinh sống tránh cảnh chiến tranh. Tóm lại, hơn một nửa dân số Syria đã phải đi sơ tán kể từ năm 2011.

Ngay cả khi cuộc chiến ở Syria chấm dứt vào ngày mai, phần lớn hạ tầng cơ sở cũng đã bị chiến tranh hủy hoại và người dân sẽ phải vật lộn với cuộc sống đầy khó khăn về mặt tài chính.

Kể từ năm 2011, nền kinh tế Syria đã thiệt hại mất hơn 50% và đồng tiền của Syria cũng mất giá trị hơn 80% so với đồng đôla.

Và dù Tổng thống Assad có còn tại vị hay không, nền kinh tế Syria cũng đã bị rút rỗng ruột.

Một cuộc chiến hai mặt trận

Để chống lại sự trỗi dậy của IS, Iran đã chuyển thêm tiền cho Tổng thống Assad còn Nga chuyển thêm vũ khí cho quân đội chính phủ Syria.

Trong khi đó, các quốc gia phương Tây vừa muốn tiêu diệt tận gốc IS vừa muốn lật đổ Tổng thống Assad. Để chống lại IS, Mỹ đã đổ sức đào tạo cho các tay súng nổi dậy ở Syria.

Nhưng sau khi đầu tư khoản tiền 500 triệu USD, Mỹ mới chỉ có trong tay "4- 5" tay súng đủ khả năng đại diện cho quân đội Mỹ chống lại IS.

Ngoài ra, các nước phương Tây còn áp dụng chính sách "chia để trị" nhằm tiêu diệt IS. Đó là lý do họ liên minh với lực lượng người Kurd ở Iran, còn Mỹ chuyển khoản hỗ trợ quân sự trị giá 180 triệu USD cho người Kurd.

Mục tiêu của phương Tây là làm suy yếu năng lực chiến đấu và chống đỡ của IS bằng cách buộc lực lượng này chiến đấu trong cùng một cuộc chiến nhưng ở hai mặt trận khác nhau. Tuy nhiên, kế hoạch này lại đang lộ rõ nhiều điểm bất đồng.

Khi mà các lực lượng phương Tây không hỗ trợ cho các tay súng người Kurd đang chiến đấu chống lại IS ngay trên lãnh thổ của Syria.

Vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ

Là quốc gia thành viên duy nhất trong khối liên minh quân sự NATO có đường biên giới giáp Iraq và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ chịu nhiều tác động nhất khi chiến sự bùng nổ ở hai quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lâu nay chỉ chú trọng tới việc nã bom đạn tiêu diệt các nhóm nổi dậy người Kurd hơn là chiến đấu chống lại IS.

Tính tới cuối tháng Tám, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện 300 cuộc không kích chống lại Đảng Lao động người Kurd.

Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ không kích 3 lần tiêu diệt các mục tiêu US. Bởi trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd đã nhiều lần xung đột đẫm máu.

Thậm chí, Tổng thống Erdogan còn xem cuộc chiến ở Syria là cơ hội chính trị cho mình và khôi phục vị thế của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử vào mùa thu năm nay.

Liên quan tới cuộc chiến ở Syria, các bên tham chiến và hỗ trợ đều có lý do của riêng mình.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn chiến đấu chống lại người Kurd, Iran lại muốn đẩy lùi các đợt tấn công của phe nổi dậy Syria vốn được Ả Rập Xê- út chống lưng, Mỹ lại muốn tiêu diệt IS và Tổng thống Putin muốn thu thập sự ủng hộ chính trị "thông qua hành động chống lại phương Tây".

Khi mà các đối thủ và liên minh quân sự tranh giành tầm ảnh hưởng cũng như hiện thực hóa mục tiêu riêng của mình, người đắc lợi nhất chính là Tổng thống Assad.

Nhà lãnh đạo Syria vẫn chiến đấu chống lại quân khủng bố IS và sự trỗi dậy của IS cũng chính là lý do để Tổng thống Assad vẫn còn tại vị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại