Nhật Bản “ra giá” cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin

Đức Dũng |

Trước khi ấn định ngày tháng cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin, Nhật Bản muốn chắc chắn rằng Tokyo và Moscow có cùng quan điểm liên quan đến vấn đề các hòn đảo đang tranh chấp giữa hai bên.

Với tựa đề “Tokyo đặt điều kiện cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin”, Báo Độc lập (Nga) có bài bình luận xung quanh vấn đề này và cho biết chính phủ của Thủ tướng Abe muốn Nga và Nhật có cùng quan điểm về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Theo tờ báo, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một vài điều kiện mới đối với chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới đất nước mặt trời mọc.

Theo đó, Tokyo yêu cầu Điện Kremlin đồng ý tiến hành đàm phán về tất cả các vấn đề tranh chấp thuộc quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi đó là các vùng lãnh thổ phương Bắc).

Theo tác giả bài báo, những đề nghị đàm phán liên quan đến vấn đề này được coi là một hình thức gây áp lực lên phía Nga, được nêu ra từ năm 2001.

Chưa đầy 1 tháng trước, về nguyên tắc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thống nhất với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về chuyến thăm dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay tới đất nước “mặt trời mọc” này.

Song, đến nay Nhật Bản đã thay đổi quan điểm.

Theo các nguồn tin chính thức được trích dẫn từ hãng tin Kyodo và Thời báo Nhật Bản, trước khi ấn định ngày tháng cho chuyến thăm này, Nhật bản muốn chắc chắn rằng Tokyo và Moscow có cùng quan điểm liên quan đến vấn đề các hòn đảo đang tranh chấp giữa hai bên.

Trong đó, Nhật Bản sẽ đưa ra các điều kiện để ký kết một thỏa thuận hòa bình giữa hai quốc gia liên quan đến quần đảo Nam Kuril.

Theo thỏa thuận đạt được hồi năm 2001, cần thiết lập lại chủ quyền của tất cả 4 hòn đảo gần với đảo Hokkaido (Nhật Bản).

Tiếp theo, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) khẳng định, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Irkusk (Nga) năm 2001, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Iosiro Mori đã nhất trí rằng hai bên sẽ hướng đến ký kết thỏa thuận hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo này.

Tokyo yêu cầu Moscow tôn trọng những thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước năm 2001, bởi chính phủ của Thủ tướng Abe đang quan ngại rằng Nga đang tăng cường kiểm soát các hòn đảo, xây dựng cơ sở hạ tầng mới và tăng cường sự hiện diện quân đội cũng như tăng cường các cuộc tập trận quy mô lớn tại đây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Câu hỏi đặt ra là những thông tin mà truyền thông Nhật Bản đưa ra có phản ánh  đúng định hướng của Chính phủ nước này hay không?

Báo Độc lập đã tiến hành phỏng vấn Đại sứ Nhật Bản tại Moscow Chikahito Harada và nhận được câu trả lời rằng "Chính phủ Nhật Bản đã và đang tiến hành đàm phán với mục đích giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền 4 hòn đảo phương Bắc trên cơ sở tất cả tài liệu và thỏa thuận đã đạt được giữa Nhật Bản và Nga cho tới thời điểm hiện nay, bao gồm cả Tuyên bố Irkusk năm 2001.

Trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi cũng kiên trì đàm phán đến cùng và không thay đổi quan điểm, dựa trên các chính sách cơ bản để ký kết một hiệp ước hòa bình bằng cách giải quyết các vấn đề về chủ quyền của bốn hòn đảo phương Bắc".

Về vấn đề này, có thể hiểu rằng Nhật Bản sẽ nêu lên yêu cầu về 4 đảo thuộc quần đảo Kuril bao gồm: Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai. Song, Moscow đã bác bỏ cách tiếp cận đơn phương này.

Khi nói đến lợi ích trong việc ký kết một thỏa thuận hòa bình sẽ mang lại những dòng vốn đầu tư mới từ Nhật Bản, Moscow cho rằng vào năm 1956, giữa Liên Xô và Nhật Bản đã ký một tuyên bố chung.

Tuyên bố khẳng định sau khi đạt được một thỏa thuận hòa bình, Nga sẽ trao trả cho Nhật Bản 2 hòn đảo Habomai và Shikotan. Bởi tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật đã diễn ra 6 thập kỷ, cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trả lời phỏng vấn tờ báo Độc lập, ông Viktor Pavliatenko, chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhấn mạnh: "Bầu không khí xung quanh chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin đến đất nước “mặt trời mọc” sắp tới là rất phức tạp".

Thứ nhất, các loan báo của hãng tin Kyodo (Nhật bản) được coi là một kênh gây áp lực lên các cuộc đàm phán sắp tới giữa lãnh đạo hai nước.

Rõ ràng, trong tháng 8 tới, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kusida sẽ đến thăm Nga để đảm bảo rằng các điều kiện Tokyo đưa ra được phía Nga chấp nhận và sau đó mới lên kế hoạch chi tiết cho chuyến thăm của ông Putin.

Thứ hai, có thể hiểu rằng Nhật Bản yêu cầu Nga "tôn trọng Thỏa thuận Irkusk" mặc dù không ai biết chính xác nội dung của thỏa thuận này ngoài việc hai bên đã thống nhất thảo luận về số phận của 4 hòn đảo nêu trên.

Và Tổng thống Putin yêu cầu không mở rộng danh sách các hòn đảo và hạn chế nói về đề tài này bởi các bên đã nhất trí thông qua một cơ sở pháp lý trong tuyên bố năm 1956.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Như vậy, "Rõ ràng, các thông tin của truyền thông Nhật Bản là giả tạo và không khách quan. Nếu cuộc hội đàm Nga-Nhật sắp tới diễn ra thì vấn đề được bàn thảo sẽ chỉ là mở rộng hợp tác kinh tế song phương.

Hiện tại, Nhật Bản chỉ góp phần khá khiêm tốn trong sự phát triển của nền kinh tế Nga", chuyên gia Viktor Pavliatenko kết luận.

“Mối quan hệ Nhật-Nga ngày càng gia tăng phức tạp, đồng thời khẳng định sự tham gia của Nga trong cuộc nội chiến tại Ukraine cũng ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực châu Á”, báo cáo hàng năm về tình hình quốc phòng đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua ngày 21/7 vừa qua cho biết.

Và cũng chắc gì đã phải tình cờ khi một trung đoàn của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, với sự giúp đỡ của Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, ngày 21/7 vừa qua đã tổ chức tập trận chung tại miền Nam Nhật Bản.

Trung Quốc được coi là kẻ thù tiềm năng chính của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, song Tokyo muốn “chuẩn bị” cho xung đột ở các khu vực khác?.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại