Khi các ngoại trưởng Đức, Pháp, Nga và Ukraine sẽ có mặt tại Berlin để chuẩn bị cho cuộc họp diễn ra vào ngày 2/10 giữa nguyên thủ 4 nước về thỏa thuận hòa bình Minsk 2.0, giữa Kremlin và quân ly khai vùng Donbass lại có một sự bất đồng kỳ lạ.
Cụ thể, Nga và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) lại có quan điểm khác nhau về “tình trạng đặc biệt” mà hiến pháp Ukraine phải được sửa đổi theo thỏa thuận Minsk 2.0.
Vấn đề của cuộc khủng hoảng Ukraine là, liệu DNR và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR) có thù ghét chính phủ Ukraine đến mức họ muốn là một phần của Nga, hoặc trở thành những nước độc lập? Hay sự rạn nứt này có thể lành lại và cờ Ukraine sẽ lại tung bay ở các vùng này như trước?
Nguyên thủ quốc gia 4 nước Đức, Pháp, Nga và Ukraine sẽ gặp mặt nhau để đàm phán về hiệp ước Minsk vào ngày 2/10 tới.
Hiện tại, Moscow mong muốn DNR và LNR trở thành một phần của một Ukraine thống nhất nhưng có trong tay những đặc quyền về hợp tác kinh tế và chính trị.
Trong khi đó, phần lớn những người trong ban lãnh đạo DNR và LNR đều muốn độc lập, hoặc được sáp nhập vào Nga. Điện Kremlin phải gạt bỏ sự bất đồng này để có thể nắm được sự chủ động trong vòng đàm phán sắp tới.
Sự bất đồng giữa Nga và Donetsk có thể phần nào thấy được trong cách mà kết quả của cuộc khảo sát được đăng tải trên các kênh thông tin của Nga và quân ly khai.
Hãng thông tấn Donetsk (DNA) của quân ly khai cho đăng tin về cuộc khảo sát với tựa đề “Tỉ lệ ủng hộ DNR vẫn chưa hề giảm và đang ở mức 89%”.
Trong khi đó, báo Moskovsky Komsomolets lại có tít khác hẳn: “Khảo sát tại DNR cho thấy người dân không ủng hộ quân ly khai và Nga”. Tại sao cùng một kết quả nhưng hai bên lại có cách hiểu khác nhau?
Được thực hiện vào tháng 7 và 8 vừa qua, các nhà xã hội học đã hỏi 6.500 người dân tại 19 thành phố ở tỉnh Donetsk.
Trong số những người được hỏi, 89% đã đưa ra những lý do ủng hộ chính phủ DNR. 4% tuyên bố họ không ủng hộ DNR và 7% không đưa ra câu trả lời.
Trong 89% dân số Donetsk ở trên, 36% gọi mình là “những người yêu nước Donetsk”, 29% nói rằng họ không ủng hộ chính quyền Kiev, 13% trả lời họ ghét những nhân vật có ảnh hưởng lớn ở Ukraine, và 10% còn lại khẳng định “yêu nước Nga”.
Người đứng đầu cơ quan khảo sát của Donetsk đã than phiền rằng truyền thông Ukraine đã bóp méo kết quả khảo sát.
Ông nói: “Hãy nhìn cách truyền thông Ukraine tập trung vào con số 29% phản đối Kiev.
Họ biết rằng đây chỉ là một trong vài câu trả lời, nhưng vẫn khẳng định rằng nếu chỉ khoảng 30% người dân ở Donetsk phản đối Maidan thì người dân chẳng có lý do gì để ủng hộ DNR”.
Nga dường như đang muốn tìm phương hướng giải quyết cuộc xung đột Ukraine.
Tuy nhiên, bản thân chính quyền DNR cũng có thể đã bị bất ngờ khi báo Moskovsky Komsomolets, một ấn phẩm ủng hộ chính phủ ông Putin lại viết rằng người dân DNR lại không ủng hộ quân ly khai cũng như Nga.
Báo này viết: “Kết quả khảo sát trên lãnh thổ Nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên.
Thực tế, số người dân ủng hộ DNR chưa đến một nửa, còn những người gọi mình là người yêu nước Nga còn thấp hơn thế.
Mặc dù cơ quan khảo sát nói rằng số người phản đối chính quyền Kiev đã tăng 7% so với năm ngoái, con số này vẫn chỉ chiếm 29%”.
Một cách bất ngờ, Moscow đang nói rằng người dân Donetsk không ghét Ukraine. Họ cũng không muốn trở thành người Nga.
Thay vào đó, theo báo này, “người dân coi mình là những người yêu nước vùng Donbass” và do đó họ nên thuộc về một Ukraine thống nhất nhưng phải có quyền tự trị như đã hứa.
Vậy chuyện gì đang xảy ra? Đơn giản là Tổng thống Putin không muốn vùng Donbass sáp nhập với Nga.
Là một khu vực đã bị tàn phá và cần một khoản đầu tư lớn, nó sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Nga nếu trở thành một phần của nước này.
Thêm vào đó, vùng Donbass sẽ không thể gây ảnh hưởng đối với chính phủ Ukraine.
Để có thể làm vậy, DNR và LNR phải trở thành một phần của một quốc gia Ukraine “liên bang hóa”, mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng định nghĩa rằng mỗi vùng phải có quyền kiểm soát “nền kinh tế, tài chính, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục, và các mối quan hệ thương mại và văn hóa đối với các quốc gia hoặc vùng lân cận”.
Ông Putin muốn giành được lợi trên bàn đàm phán, còn châu Âu đang không muốn gì hơn là vấn đề Ukraine được giải quyết, do đó họ đã yêu cầu chính phủ Ukraine sửa đổi hiến pháp theo đề nghị của Nga, nhằm trao quyền tự trị cho vùng Donbass.
Phía Ukraine khẳng định rằng việc cải tổ bộ máy nhà nước của nước này đều cho phép các tỉnh (trong đó có DNR và LNR) có quyền tự trị của mình.
Một binh lính quân ly khai Donetsk đang cầm trên tay một quả lựu đạn.
Hiện tại, chính phủ Ukraine nói rằng các cuộc bầu cử ở một số huyện thuộc Donetsk và Lugansk phải tuân theo luật bầu cử Ukraine và những tiêu chí của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).
Nga vẫn giữ lập trường của mình rằng DNR và LNR cần phải chấp nhận chính sách cải tổ từ phía Kiev, và các vùng phải có quyền tự trị.
Tuy nhiên, lãnh đạo DNR và LNR đã đe dọa sẽ tự tổ chức bầu cử theo lịch riêng và không theo luật Ukraine.
Như vậy, Đức, Pháp, Nga và Ukraine vẫn còn nhiều việc phải làm vào ngày 2/10 tới khi bắt đầu đàm phán về Minsk 2.0.
Câu hỏi đặt ra là, ý đồ của ông Putin liệu có thành công, hay Ukraine và những nước được cho là đồng minh của họ sẽ chiến thắng. Một số chuyên gia nói rằng ông Putin sẽ chịu sức ép lớn và cần nhiều tài nguyên để chuẩn bị cho Syria.
Rất có thể cuộc chiến ở Trung Đông sẽ trở thành một bãi lầy chính trị, và ông sẽ phải tìm cách để giải quyết xung đột Ukraine càng sớm càng tốt.