Lầu Năm Góc: NATO không thể ứng cứu kịp Baltic nếu Nga động binh

Đức Huy |

Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã, Lầu Năm Góc đã quyết định cập nhật kế hoạch tác chiến trong trường hợp giao tranh với Nga, theo các nguồn tin mật của tạp chí Foreign Policy.

Bộ Quốc phòng Mỹ thường xuyên đề ra các phương án dự phòng cho mọi trường hợp, từ giao tranh hạt nhân với Triều Tiên cho đến... thảm họa zombie. Các kế hoạch này được sắp xếp và chuẩn bị tùy theo mức độ cấp bách cũng như khả năng tình huống cần đến kế hoạch đó xảy ra.

Kể từ sau năm 1991 khi Liên Xô tan rã, các bản kế hoạch tác chiến đã được chuẩn bị để đối phó với Nga dần trở nên thừa thãi. Chúng cứ thế an phận trong kho lưu trữ, trong khi ngoài kia Nga ngày một hội nhập với phương Tây và trở thành đối tác trong nhiều lĩnh vực.

Nhưng nay, theo một số quan chức Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc đang lục lại những bản kế hoạch khi xưa và làm mới chúng sao cho phù hợp với thời thế, một thực tế địa chính trị "hậu Crimea" khi mà Nga không còn được coi là đối tác mà đã trở thành mối đe dọa.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ
Michele Flournoy
Những gì Nga đã và đang làm tại Ukraine đã khiến Mỹ phải lục lại và thay đổi những bản kế hoạch tác chiến ngày trước. Chúng đã quá lỗi thời rồi.

Bày kế phản công

Theo tiết lộ độc quyền của một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho tạp chí Foreign Policy, bản kế hoạch mới đối phó với Nga bao gồm hai hướng chính.

Hướng thứ nhất tập trung vào kế hoạch tác chiến của Mỹ và NATO trong trường hợp Nga tấn công một quốc gia thành viên, trong khi hướng thứ hai xét đến khả năng đáp trả của Washington trong trường hợp Moscow động binh tại các nước không thuộc NATO.

Trong đó, ưu tiên hàng đầu của bản kế hoạch mới sẽ xoáy sâu vào tình huống Nga gây bất ổn tại khu vực Baltic, điều mà giới chức Mỹ cho rằng có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Ngoài ra, Mỹ không chỉ đưa ra các phương án đối phó với giao tranh quân sự, mà còn tính đến nhiều mặt trận khác như truyền thông hay an ninh mạng, cụ thể là trong cuộc chiến đa phương diện hiện nay tại miền đông Ukraine, nơi Mỹ cáo buộc Nga đứng sau phe ly khai.

Có thể nói đây là một bước biến chuyển đáng kể nếu so với chính sách quốc phòng của Mỹ đối với Nga sau khi Liên Xô tan rã.

Những năm tháng "bênh vực" Moscow

Sau 1991, Nga trở nên khá "thân thiết" với NATO, khối liên minh được thành lập với mục đích làm đối trọng cho Liên Xô. Năm 1994, Moscow thậm chí còn đồng ý tham gia Hiệp ước Hợp tác vì Hòa bình với NATO, và chỉ 3 năm sau đã chính thức tuyên bố hai bên không còn là thù địch.

Trong những năm kế tiếp, một mặt NATO lôi kéo nhiều nước thuộc Khối Warsaw tham gia liên minh, mặt khác vẫn đẩy mạnh hợp tác với Nga trong các cuộc tập trận, tham vấn, và thậm chí còn thiết lập một điểm trung chuyển tại Ulyanovsk Oblast để tiến quân tới Afghanistan.

Dù Kremlin đương nhiên không lấy gì làm vui với việc NATO ngày càng mở rộng, nhưng quan hệ Nga-phương Tây khi đó có thể nói đã diễn biến hết sức tốt đẹp.

Tuy nhiên, một biến cố đã xảy ra, đó là cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008. Hệ quả là NATO đã phải có những điều chỉnh trong chính sách của mình với Nga, nhưng đáng nói là Lầu Năm Góc khi đó vẫn giữ nguyên lập trường.

Dù đã có những đề xuất soạn thảo bản kế hoạch đối phó Nga, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates cho rằng điều đó không cần thiết, và cho rằng các mục tiêu mà Nga theo đuổi phù hợp với định hướng đối ngoại của Mỹ.

"Nếu bạn hỏi quân đội Mỹ khoảng 5 năm trước về những ưu tiên hàng đầu của họ, câu trả lời sẽ là khủng bố, khủng bố, khủng bố, và Trung Quốc. Họ không bận tâm nhiều về Nga." - Julie Smith, cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, phát biểu với Foreign Policy.

Khi đó, đại bộ phận Lầu Năm Góc cho rằng không có mối đe dọa nào hiện hữu tại châu Âu. Nga gần như không bao giờ là chủ đề được đem ra mổ xẻ. Các nhà phân tích thì cho rằng Tổng thống Gruzia khi đó là Mikheil Saakashvili đã kích động Nga phải động binh.

Phần đông giới chức quốc phòng Mỹ khi đó nghĩ rằng cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Sakashvili đã kích động Nga.
Phần đông giới chức quốc phòng Mỹ khi đó nghĩ rằng cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Sakashvili đã kích động Nga.

Rồi sau đó là chiếc nút "tái thiết quan hệ" do "cặp bài trùng" Barack Obama - Hillary Clinton đề xuất với Nga, khi đó dưới quyền Tổng thống Dmitry Medvedev. Hợp tác Nga - Mỹ sau đó được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực, từ giải trừ vũ khí hạt nhân cho đến công nghệ vũ trụ.

Dù có lúc hai nước cũng hục hặc, như sự kiện căn cứ Manas tại Kyrgyzstan hay việc Nga hời hợt trong hợp tác chống khủng bố tại Trung Đông, nhưng nhìn chung, theo lời một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ bấy giờ, "Nga tuy đôi khi gây rắc rối, nhưng không phải mối đe dọa với Mỹ".

Và thái độ mà nhiều nhà phân tích đánh giá là "lơ là" một cách thái quá này đã khiến Mỹ đã "hết sức bất ngờ và không kịp trở tay" trước việc Nga sáp nhập Crimea, một trong những lý do chính khiến Lầu Năm Góc phải soạn thảo bản kế hoạch đối phó mới như hiện nay.

Liệu NATO có thể bảo vệ các nước Baltic?

Để trả lời câu hỏi này, Lầu Năm Góc năm 2014 đã áp dụng các yếu tố như quân số hay vị trí địa lý để "chạy thử" một cuộc chiến tranh giả tưởng trên bàn cờ quân sự. Kết quả là nếu xét tương quan lực lượng bấy giờ, Nga sẽ nắm thế thượng phong nếu chiến tranh nổ ra tại Baltic.

Với việc Mỹ đã và đang rút bớt binh sĩ đóng tại châu Âu cũng như một số nước NATO cắt giảm ngân sách quốc phòng, kể cả khi tất cả các binh đoàn Mỹ và NATO tại lục địa già được điều động đến Baltic, thì quân đội Nga vẫn đông hơn gấp đôi.

Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
David Ochmanek
Đơn giản là lực lượng bộ binh của Mỹ tại châu Âu quá mỏng. Tác chiến trên không cũng không khả thi vì Nga sở hữu hệ thống tên lửa đất-đối-không hiện đại nhất thế giới và không ngần ngại sử dụng vũ khí hạng nặng.

Sau 8 tiếng đồng hồ chạy thử mọi trường hợp từ xấu nhất đến khả quan nhất trên bàn cờ quân sự, Mỹ đã đi đến kết luận: NATO không thể ứng cứu kịp Baltic nếu Nga quyết định động binh.

Ngay cả khi không xét đến yếu tố cắt giảm ngân sách, rào cản lớn nhất là vị trí địa lý vẫn quá khó để Mỹ và NATO có thể vượt qua. Các binh đoàn của Mỹ sẽ cần khoảng 1-2 tháng để hành quân vượt Đại Tây Dương, và khoảng thời gian đó là quá đủ để Nga đánh phủ đầu.

Kết quả đáng buồn từ những màn chạy thử trên bàn cờ quân sự này đã góp phần không nhỏ vào việc Lầu Năm Góc quyết định thiết lập một bản kế hoạch mới để đối phó với Nga.

Đòi lại Baltic, thay vì bảo vệ Baltic

Trong bản kế hoạch mới, Lầu Năm Góc chấp nhận rằng nếu Nga động binh, một phần lãnh thổ Baltic sẽ về tay nước này. Mấu chốt là Mỹ và NATO sẽ giúp các nước Baltic đòi lại những gì đã mất.

Mùa hè vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã tuyên bố Mỹ sẽ điều động hàng tá xe tăng, xe bọc thép, và đại bác howitzer tới Baltic và Đông Âu, với mục đích khiến Nga chùn bước và hỗ trợ đòi lại Baltic nếu Nga vẫn quyết định tiến công.


M1A2 Abrams của Mỹ khai hỏa tại trại huấn luyện Adazi, Latvia. Ảnh: Lầu Năm Góc

M1A2 Abrams của Mỹ khai hỏa tại trại huấn luyện Adazi, Latvia. Ảnh: Lầu Năm Góc

Theo Foreign Policy, việc phải soạn thảo một bản kế hoạch mới để đối phó với Nga đã khiến không ít quan chức Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ thất vọng tràn trề. Những tưởng sau vài năm, thậm chí là thập kỉ, quan hệ tốt đẹp với Nga, giờ hai nước lại phải đối đầu.

"Chúng tôi muốn Nga là đối tác, vì chúng tôi cho rằng điều đó có lợi cho chúng tôi, cho Nga, và cho cả thế giới. Nhưng với trách nhiệm của bộ Quốc phòng, chúng tôi không thể nhìn mọi thứ dưới một lăng kính màu hồng.

Chúng tôi phải chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, khi Nga trở thành địch thủ trực tiếp của Mỹ.

Xin nhắc lại, đây không phải điều chúng tôi dự đoán và đương nhiên chúng tôi không muốn điều đó xảy ra, nhưng chúng tôi phải phòng bị" - một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên phát biểu.

Foreign Policy đánh giá, dù mới chỉ là một bản kế hoạch trên giấy tờ, có thể coi đây như một thông điệp của Lầu Năm Góc gửi tới Nhà Trắng và Quốc hội.

Dù quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay Tổng tư lệnh - Tổng thống Barack Obama, nhưng nhiệm kì của ông sắp khép lại, và Lầu Năm Góc không muốn rơi vào thế bị động.

Nói cách khác, quân đội Mỹ quyết sẽ không để Nga khiến họ "bất ngờ và không kịp trở tay" thêm một lần nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại