Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa một hạ sĩ Mỹ và một nhà sư ở Hội An

Đức Huy |

Hạ sĩ James Nelson từng coi Việt Nam là một khoảng tối trong cuộc đời mà ông muốn xóa bỏ khỏi kí ức. Nhưng một cuộc gặp gỡ định mệnh đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ này.

"Khi trở về Mỹ, tôi đã tự nói với bản thân rằng: Tôi sẽ không bao giờ quay lại Việt Nam, vì những trái đắng tôi đã phải nếm trải tại đây.

Tôi không có thù ghét gì với người Việt Nam, nhưng tôi hận việc mình đã tham gia vào một cuộc chiến mà chính bản thân tôi cho rằng sai trái và vô đạo đức".

Đó là tâm sự của James Nelson, cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Dù đã gần 50 năm kể từ ngày xuất ngũ, nhưng mỗi khi nhắc lại những năm tháng ấy, người hạ sĩ lục quân Mỹ ngày nào vẫn không giấu nổi cảm xúc.

Cuộc trò chuyện với chúng tôi mới đây cũng không phải ngoại lệ.

"Tôi từng muốn gột sạch mọi kí ức về Việt Nam"

Tháng 11/1965, sau khi tốt nghiệp đại học, Nelson nhận được giấy gọi nhập ngũ. Sau gần một năm huấn luyện tại căn cứ Colorado, Nelson nhận lệnh tham gia chiến trường miền Nam Việt Nam.

Thuộc biên chế đại đội vận tải 241, tiểu đoàn vận tải 58, hạ sĩ James Nelson làm nhiệm vụ hậu cần tại căn cứ Tân Sơn Nhất trong một tháng, sau đó là 7 tháng tại Vịnh Cam Ranh và 4 tháng ở Phú Tài (Bình Định).

"Khi đó tôi kịch liệt phản đối chiến tranh, tôi luôn cho rằng sự hiện diện của lính Mỹ tại Việt Nam là một việc làm sai trái" - cựu binh này kể lại.

Trong suốt một năm tròn tham chiến tại Việt Nam, Nelson cho biết mình chưa từng phải đối mặt với "kẻ địch", cũng như chưa từng bắn một phát đạn nào.

Dù không trực tiếp gây ra những đau thương mất mát trên chiến trường, nhưng không vì thế mà Nelson tha thứ cho bản thân vì những gì mình đã làm.

Cựu binh Mỹ kể lại, khi đáp xuống sân bay San Francisco sau một năm tham chiến tại miền Nam, một người phụ nữ đã chào đón sự trở lại của Nelson một cách nồng nhiệt, như một người hùng trở về từ chiến trận.

"Khi ấy cả người tôi cứng đơ. Tôi chỉ muốn nói với cô ấy rằng: 'Cô nhầm rồi. Tôi đã làm những điều tồi tệ ở nơi đó'. Nhưng tôi không nói được gì cả. Tôi cũng không cám ơn người phụ nữ ấy mà chỉ gật đầu rồi đi tiếp."

Mặc cảm tội lỗi thậm chí còn tiếp tục đeo đuổi Nelson trong suốt 25 năm sau đó.

"Tôi tránh không nghĩ đến [Việt Nam]. Nếu ai đó hỏi tôi một điều gì đó về cuộc chiến, tôi sẽ trả lời họ. Nhưng tôi không bao giờ chủ động kể lại những gì tôi đã thấy và đã làm tại Việt Nam."

cựu binh mỹ tại việt nam
James Nelson
Tôi luôn coi đó là một khoảng tối trong cuộc đời mình, và tôi muốn bỏ lại quá khứ ấy đằng sau. Tôi muốn gột sạch mọi kí ức về Việt Nam.

Bước ngoặt và Việt Nam thời bình

Năm 1992, Nelson hạ quyết tâm dứt ra khỏi những bế tắc của cuộc sống hiện tại và mở mang đầu óc bằng một chuyến đi vòng quanh thế giới mà không cần đến máy bay. Tuy nhiên dự định của cựu binh này nhanh chóng đổ bể.

Nhưng cũng chính thất bại này đã mang đến bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời người cựu binh 70 tuổi này.

"Vài tuần sau khi lên đường, tôi có gặp và nói chuyện cùng 3 người đến từ 3 nước khác nhau. Cả 3 đều nói rằng họ vừa đến Việt Nam" - Nelson kể lại.

Đối với Nelson, đó như thể một thông điệp gửi đến người cựu binh này, rằng đã đến lúc ông đối mặt với quá khứ và quay trở lại Việt Nam.

Tháng 5/1993, chuyến tàu từ Bắc Kinh đến Đồng Đăng đã đưa Nelson lần đầu đặt chân tới Việt Nam thời bình, đất nước mà chỉ một năm trước thôi vẫn là ngọn nguồn của những kỉ niệm buồn trong quá khứ mà cựu binh này muốn xóa sạch khỏi bộ nhớ.

Nelson kể rằng, lúc bấy giờ, người ngoại quốc như ông chỉ đến Việt Nam bằng đường hàng không. Tại cửa khẩu Đồng Đăng, Nelson giải thích trường hợp của mình cho một sĩ quan Việt Nam trẻ tuổi.

"Khi tôi nói với cậu ta rằng tôi là một cựu binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam, cậu ta chìa tay ra và bắt tay tôi. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được sự ngạc nhiên của tôi lúc đó."

Nelson kể lại, người sĩ quan này không đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định cuối cùng và phải vào trong hỏi ý kiến cấp trên. Vài phút sau, một viên sĩ quan khác trạc tuổi Nelson, người khi xưa từng là một "kẻ địch" bên kia chiến tuyến, xuất hiện.

"Khi ông ấy biết tôi là lính Mỹ đã từng tham gia chiến tranh, ông cũng làm y như viên sĩ quan trẻ tuổi kia - một cái bắt tay cùng lời chào mừng đến với Việt Nam" - cựu binh này nhớ lại.

Sau một vài thủ tục giấy tờ, Nelson đã nhập cảnh thành công. Lần trở về đầu tiên với Việt Nam của Nelson đã bắt đầu như thế.

Trong 6 tuần sau đó, Nelson đã gặp rất nhiều người Việt Nam. Tất cả đều niềm nở chào đón "kẻ thù" năm nào, như cái cách mà hai sĩ quan tại Đồng Đăng đã đối xử với người cựu binh này.

"Họ quá khoan dung, sẵn sàng tha thứ cho những gì đã xảy ra trong quá khứ. Tôi rất tôn trọng điều đó. Thực sự trước khi đến Việt Nam tôi đã lo ngại rằng mình sẽ không được chào đón ở đây, rằng người Việt Nam sẽ hận tôi, sẽ nói những điều chẳng lấy gì làm tốt đẹp với tôi.

Nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược."

Cuộc gặp gỡ định mệnh tại Hội An

Khi đang đi dạo tại Hội An, trạm dừng chân thứ sáu trên chuyến đi xuyên Việt bằng tàu hỏa năm đó, Nelson đi qua một ngôi chùa có tên Phúc Lâm. Tại đây, một cuộc trò chuyện kéo dài chưa đầy nửa giờ đồng hồ đã "thay đổi cuộc đời" người cựu binh này.

Quá xúc động sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, Nelson đã ghi lại khoảnh khắc đó vào một mảnh giấy mà người cựu binh này vẫn giữ cho đến tận bây giờ. Trong đó viết:

"Một nhà sư, có lẽ trạc tuổi tôi, đã chào đón tôi như thể một người anh em ruột thịt trở về sau nhiều năm xa nhà vậy. Khoác lấy vai tôi, ông dẫn tôi vào trong chùa và trò chuyện cùng tôi bên một ấm trà.

Rồi ông dẫn tôi đi một vòng quanh chùa. Ông chỉ cho tôi thấy những vết đạn trên tường, và kể lại rằng khi xưa nơi đây từng là tâm điểm của chiến tranh.

Tôi sớm phải xin phép rời chùa vì đã có hẹn ăn tối. Ông tiễn tôi ra cửa trước, vai chúng tôi vẫn khoác lên nhau, và nói rằng ông mong tôi sớm quay lại. Tôi chỉ ghé thăm Phúc Lâm có nửa tiếng, nhưng cảm thấy như một cuộc hội ngộ hàng giờ với một người bạn cũ vậy.

Ngày hôm nay, có thể nói tôi đã tìm thấy những mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh Việt Nam của cuộc đời tôi.

Cuộc gặp gỡ với nhà sư ấy đã mang đến cho tôi một cơn bão cảm xúc, sự tha thứ của người Việt Nam có lẽ đơn giản chỉ là vì sự hiện diện của tôi, một người trước đây là kẻ địch của họ, tại đây bây giờ cho họ niềm tin vào một tương lai hòa bình.

Cảm xúc khi đó khiến tôi đứng lại hồi lâu. Tôi đã khóc, khóc những giọt nước mắt của sự biết ơn đối với những con người tuyệt vời ấy. Mỗi một giây trong khoảng thời gian tại Việt Nam khi ấy với tôi đều như một liệu pháp hàn gắn những vết thương trong trái tim tôi vậy".

Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam
James Nelson
Cuộc gặp gỡ với người thầy tăng năm ấy giúp tôi hiểu được con người Việt Nam , không phải cách mà họ cư xử hàng ngày, mà là bản chất con người họ. Tôi thật sự ấn tượng. Chỉ tiếc rằng tôi đã mất quá lâu để nhận ra điều đó.

Nay, sau nhiều năm định cư tại Việt Nam, "liệu pháp" ngày nào xem ra vẫn hữu hiệu hơn bao giờ hết đối với người cựu binh 70 tuổi này.

Sau lần trở lại đầu tiên vào năm 1993, Nelson sau đó còn đến thăm Việt Nam tổng cộng 10 lần khác, vào các năm 1995, 1996, 1997, 1998, 1999, 2000, 2001, 2004, và 2006. Cuối những năm 90, cựu binh này đã hạ quyết tâm sẽ định cư tại Việt Nam.

"Khi đó, tôi quyết định sẽ đến sống tại Việt Nam chỉ vì một lý do duy nhất: con người nơi đây. Một khi tôi đã hạ quyết tâm, thì việc định cư chỉ còn là vấn đề thời gian."

Sau khi về hưu và giải quyết xong xuôi việc gia đình, Nelson chính thức "chuyển hộ khẩu" về Việt Nam vào tháng 5/2008.

Anh hạ sĩ lục quân Mỹ ngày nào giờ đang là người thầy dạy tiếng Anh của hàng trăm học sinh Việt Nam trên khắp các tỉnh thành cả nước. Nelson kể rằng ông không hề lấy một đồng học phí nào.

Nelson (phải) tại một trường học từ thiện dành cho học viên khuyết tật ở Hội An (ảnh do nhân vật cung cấp)

Nelson (phải) tại một trường học từ thiện dành cho học viên khuyết tật ở Hội An (ảnh do nhân vật cung cấp)

"Tôi đã nhận được quá nhiều từ người dân Việt Nam, vì thế tôi rất hạnh phúc khi được làm một cái gì đó để đền đáp những gì họ đã làm cho tôi, cũng như những gì tôi đã làm với họ trong những năm tháng chiến tranh.

Vậy là sau 25 năm tìm cách quên đi Việt Nam, giờ đây mảnh đất này đã trở thành quê hương thứ hai của Nelson. Những trang mới trong mối cơ duyên của người cựu binh Mỹ với dải đất hình chữ S đã, đang và sẽ còn được tiếp tục viết tiếp.

"Tôi mong được sống nốt phần đời còn lại của mình ở nơi đây".

Chúng tôi tìm được đến với James Nelson qua sự giới thiệu từ một người quen của nhà báo David Lamb, nguyên trưởng văn phòng đại diện tạp chí Los Angeles Times tại Hà Nội, nhà báo Mỹ đầu tiên từng tác nghiệp tại Việt Nam thời chiến cũng như thời bình.

Nelson hiện đang định cư tại Hà Nội. Cựu binh này di chuyển xung quanh thành phố bằng xe đạp. Ông dạy học miễn phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và sống bằng đồng lương hưu tích góp từ Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại