Đỉnh cao quyền lực của Putin giữa một nền kinh tế Nga chạm đáy

Đức Huy |

Những nước cờ địa chính trị cứng rắn đã giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin lần thứ 3 liên tiếp giành danh hiệu người quyền lực nhất thế giới, nhưng cái giá phải trả cũng không nhỏ.

Hôm nay, tạp chí Forbes đã công bố danh sách thường niên những gương mặt quyền lực nhất thế giới hiện tại. Và thêm một lần nữa, cụ thể hơn là lần thứ ba liên tiếp, cái tên Vladimir Putin lại xuất hiện ở vị trí cao nhất.

Nhưng chỉ trước đó vài giờ đồng hồ, như thể đã đoán trước được kết quả mà Forbes chưa công bố, nhà nghiên cứu Nga nổi tiếng Leonid Bershidsky đã dùng những số liệu ảm đạm về kinh tế Nga hiện tại để cho người đọc hiểu được những "tác dụng phụ" của quyền lực Putin.

"Trừng phạt" phản tác dụng?

Trong bài báo với nhan đề "Cái giá phải trả cho Pháo đài Nga của Putin" đăng trên tạp chí Bloomberg, ông Bershidsky viết:

"Thật khó để tổng kết những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã gây ra cho Nga. Sự đi xuống của nền kinh tế nước này gần như chỉ xoay quanh việc giá dầu giảm, dẫn đến đồng ruble mất giá và lãi suất gia tăng.

Nhưng những lệnh trừng phạt đã góp phần 'đổ thêm dầu vào lửa' khiến điện Kremlin hoang mang, đưa nền kinh tế Nga vào thế chỉ biết chống đỡ".

Theo các số liệu mới nhất, xuất khả Nga đã giảm 31,9% từ tháng 1 đến tháng 9, và nhập khẩu cũng giảm 38,8% trong cùng kì. Nhiều người cho rằng sự sụt giảm này là hệ quả của đồng ruble mất giá. Nhưng theo ông Bershidsky, việc nước Nga tự cô lập mình cũng là một lý do chính.

Cụ thể, để đáp trả phương Tây, Nga đã áp đặt một lệnh cấm của riêng mình đối với các mặt hàng thực phẩm từ các nước đã tham gia vào lệnh trừng phạt Nga. Ngoài ra, Nga cũng đang ngày càng đóng cửa tài chính với thế giới bên ngoài.

Trước hết, theo ông Bershidsky, việc cấm nhập khẩu thực phẩm đã thất bại trên nhiều phương diện.

Theo Bloomberg, lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đã không đem lại hiệu quả như Nga mong muốn. Ảnh minh họa: Google
Theo Bloomberg, lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đã không đem lại hiệu quả như Nga mong muốn. Ảnh minh họa: Google

Một bản báo cáo chính phủ hồi tháng 8 vừa qua cho thấy lệnh cấm này đã "góp công" lớn vào sự sụt giảm thương mại, khi mà các nhà sản xuất Nga không thể ngay lập tức bù đắp lại khoảng trống trên thị trường, dẫn đến giá cả leo thang và mở đường cho các phi vụ lách luật.

Còn về phía EU, đối tượng mà Nga muốn "trừng phạt" khi ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm, xem ra chẳng hề hấn gì. Họ chuyển hướng xuất khẩu sang Belarus (xuất khẩu sữa và kem tăng 573 lần trong năm 2014) và Ba Lan (xuất khẩu tăng 7,1% năm 2014, và 6,4% trong nửa đầu 2015).

"Xuất khẩu nông nghiệp của EU vẫn tăng trưởng cứ như thể thị trường Nga chưa từng tồn tại" - ông Bershidsky viết.

Dẫu vậy, chính phủ Nga vẫn muốn áp dụng lệnh cấm này với các thị trường khác.

Từ tháng 1/2016, các cơ quan nhà nước Nga sẽ phải chứng minh được họ thực sự cần phần mềm nước ngoài (và không có phần mềm phiên bản Nga tương đương) trước khi được phép đặt mua.

Lý do đằng sau điều luật này là mối lo ngại rằng các nước phương Tây có thể thông qua các phần mềm văn phòng để theo dõi Nga, cũng như nguyện vọng mở đường cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin trong nước bằng cách cắt bỏ cạnh tranh bên ngoài.

Dự trữ ngoại tệ

Theo ông Bershidsky, hiện nay đang có 2 chiều hướng diễn ra tương đối rõ ràng tại Ngân hàng Trung ương Nga: đó là sự suy giảm đáng kể dự trữ ngoại tệ và hiện tượng gia tăng thoái vốn.

Dự trữ giảm xuống mức thấp nhất hồi tháng 3 (350,5 tỉ USD), giảm 160 tỉ USD kể từ đầu năm 2014. Cũng trong khoảng thời gian đó, lượng thoái vốn đã lên tới 185 tỉ USD.

Sau khi đạt được số dư nợ, tình hình đã khá khẩm hơn. Dự trữ ngoại tệ giờ đã đạt mức 374,6 tỉ USD, và lượng thoái vốn từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay chỉ đạt 7 tỉ USD.

Dự trữ ngoại tệ đang là một vấn đề nhức nhối với Nga. Ảnh: Reuters
Dự trữ ngoại tệ đang là một vấn đề nhức nhối với Nga. Ảnh: Reuters

Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov vẫn phải thừa nhận, dự trữ tiền tệ của Liên bang Nga sẽ hết vào cuối 2016 vì giá dầu sụt giảm.

Việc kiểm soát được chảy máu ngoại tệ cũng như thoái vốn là tin vui với Nga, nhưng theo ông Bershidsky, điều đó cũng thể hiện một nền kinh tế đang ở thế bị động.

Các công ty Nga hiện nay đã không còn thu hút được các nguồn lực rẻ phục vụ đầu tư trong nước, và từ tháng 1 đến tháng 9 lượng đầu tư nước ngoài đã giảm 5,8%.

Cùng lúc đó, chính phủ Nga đang đẩy mạnh ngăn chặn các hành vi "tuồn" vốn trái phép ra khỏi nước này. Mới đây, giám đốc ngân hàng "ngầm" Alexander Grigoryev đã bị bắt giữ với cáo buộc chuyển 50 tỉ USD sang các nước Baltic trong 3 năm qua.

Theo ông Bershidsky, các phi vụ kiểu này đã tồn tại ít nhất từ năm 2011, nhưng đến nay điện Kremlin mới thật sự đẩy mạnh ngăn chặn để giữ vốn bên trong nước Nga.

Ông Bershidsky kết luận, chính sách cô lập kinh tế của Nga thể hiện quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin, tương tự với những gì ông đang làm trên phương diện địa chính trị, đó là biến nước Nga thành một "pháo đài" cách biệt với phương Tây.

Nhưng, nếu xét theo lượng ủng hộ đạt mức kỉ lục mà người dân Nga dành cho ông Putin (89,9% trong tháng 10 vừa qua), thì dù nền kinh tế có chạm đáy như hiện nay, dường như phần lớn trong số họ vẫn có niềm tin tuyệt đối vào chính sách của Tổng thống nước mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại