Đến bao giờ chính phủ Syria sẽ phát ngán với "vị cứu tinh" Putin?

Đức Huy |

Theo phân tích của trang tin Trung Đông al-Monitor, một vài diễn biến mới sắp tới nhiều sẽ khiến Nga mất đi tầm ảnh hưởng của mình tại Syria.

Hiện nay, Mỹ và các đồng minh đang rất mong chờ Nga tận dụng tầm ảnh hưởng của nước này với chính phủ Bashar al-Assad để thuyết phục Tổng thống Syria từ chức và mở đường cho một cuộc chuyển giao chính trị.

Dù phía Washington trước đó luôn khẳng định đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán, nhưng với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây, thì dường như đó không còn là một điều kiện bắt buộc nữa.

"Mỹ và các đồng minh không còn theo đuổi cái gọi là thay đổi chế độ nữa" - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Tuy vậy, không thể phủ nhận việc Assad rời ghế Tổng thống vẫn là một trong những đòi hỏi chính của phía chính phủ Obama hòng đi đến một thỏa thuận.

Điều này dẫn đến một câu hỏi quan trọng, rằng nếu các bên đàm phán đạt được thỏa thuận dựa trên điều kiện Assad không còn tại vị, thì Moscow sẽ làm thế nào để thuyết phục Assad từ chức? Đòn bẩy mà Nga đang có với Syria liệu sẽ đủ hiệu quả?

Những câu hỏi này thật không dễ để trả lời một cách hoàn chỉnh, vì không ai có thể đong đếm được khách quan khái niệm "đòn bẩy" trong từng trường hợp cụ thể.

Có thể nói, với việc can thiệp quân sự hỗ trợ Damascus, Moscow đang sở hữu một đòn bẩy "nặng kí" hơn hẳn so với bất kì thế lực nào khác tại Syria, trong đó có cả Iran, quốc gia Trung Đông luôn hậu thuẫn Assad rõ rệt nhất.

Tuy vậy, độ nặng của cái đòn bẩy Nga đáng có với chính phủ Assad nhiều khả năng sẽ giảm dần theo thời gian.

Lý do, theo phân tích của al-Monitor, cực kì đơn giản dễ hiểu: đó là vì tầm ảnh hưởng của Moscow đối với Damascus không chỉ phụ thuộc vào việc Nga đang làm gì để giúp đỡ Assad, mà còn phụ thuộc vào những gì Assad trông chờ Nga sẽ làm cho mình trong tương lai.

Giả sử Assad thực tế hơn và không trông chờ quá nhiều vào Nga, như vậy sức nặng đòn bẩy của Nga với Syria cũng giảm hẳn, và khả năng Assad nghe theo sắp xếp của Moscow cũng thấp đi.

Nói cách khác, con người ta luôn biết ơn hơn khi nhận được sự trợ giúp mà họ trông đợi, mà họ mong muốn; so với khi nhận được một sự trợ giúp mặc định, có sẵn. Và chính phủ Assad cũng không phải ngoại lệ.

Vậy những gì có thể tác động đến sự kì vọng của Assad vào Nga? Theo al-Monitor, 4 yếu tố có khả năng tạo ra sự thay đổi đó.

Nếu chiến dịch không kích của Nga về lâu về dài không đem lại kết quả đáng kể, thì đây có thể coi là một yếu tố. Khi đó, những lời đề nghị trợ giúp của Nga trong tương lai sẽ gặp phải ánh mắt hoài nghi của Assad, khiến đòn bẩy hỗ trợ quân sự giảm giá trị đáng kể.

Một yếu tố khác là việc quân đội Nga đến một lúc nào đó có thể sẽ nhận ra rằng, họ không thể tiếp tục thực hiện những màn không kích liên miên trong thời gian dài, và quyết định "cắt giảm liều lượng".

Nhìn lại chiến dịch không kích của Nga ở Syria

Tương tự như yếu tố thứ nhất, sự thay đổi này cũng sẽ khiến Assad mất đi phần nào sự tin tưởng vào những lời đề nghị trợ giúp quân sự từ Nga trong tương lai.

Yếu tố thứ ba là việc Tổng thống Putin có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối của công chúng Nga, khi họ phải chứng kiến một đất nước đang gặp khó khăn trầm trọng về kinh tế phải đổ hàng đống tiền để phục vụ mục đích quân sự.

Và yếu tố cuối cùng, cũng là yếu tố "nhạy cảm" nhất, là việc Moscow có thể mất đi đòn bẩy đối với phe đối lập nếu họ quyết định hợp tác với Mỹ và tập trung hỏa lực nhắm vào IS, để rồi bỏ qua ưu tiên hỗ trợ dập tắt phe nổi dậy như những gì Assad mong muốn.

Cả 4 yếu tố này đều có khả năng xảy ra, và nếu vậy, thì cái gọi là "kiên nhẫn chiến lược" của Mỹ tại Syria sẽ phản tác dụng hoàn toàn.

Khi Damascus đã "phát ngán" với Moscow, và điện Kremlin khi không còn giữ được tầm ảnh hưởng đối với Assad, sẽ không thể thuyết phục ông từ chức hoặc không tranh cử ở nhiệm kì tới.

Nói cách khác, nhìn từ quan điểm của Mỹ, ngay lúc này, khi Moscow đang có ảnh hưởng rất lớn đối với chính phủ Damascus, là thời điểm "chín muồi" nhất để Nga đẩy mạnh thuyết phục Assad, trước khi 1 hoặc nhiều trong số 4 yếu tố kể trên xảy ra.

Lựa chọn khác của Mỹ là tiếp tục "kiên nhẫn chiến lược", chờ đợi đến lúc Moscow có những điều chỉnh trong chiến dịch không kích, chờ đợi Iran rút hết quân khỏi Syria, và chờ đợi Assad đến một lúc nào đó phải từ chức hoặc sẽ phải "uống rượu phạt".

Vấn đề là ở chỗ chính phủ cả 3 nước Nga, Iran, và Syria ở thời điểm hiện tại đều không đứng trước áp lực phải đưa ra những lựa chọn khó khăn kể trên, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tiếp tục phải mòn mỏi chờ đợi.

Trong khi đó, IS tiếp tục tuyển quân rầm rộ cũng như phát động và là nguồn cảm hứng cho các cuộc tấn công khủng bố bên ngoài Syria; còn người dân thường Syria tiếp tục phải tháo chạy khỏi quê hương mình.

Với rất ít lý do để tin rằng sự "kiên nhẫn" sẽ khiến tình hình Syria trở nên tốt đẹp hơn, cái gọi là "kiên nhẫn chiến lược" của Mỹ xem ra nên được gọi là "cầu nguyện chiến lược" thì hợp lý hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại