Chuyến thăm Mỹ của TBT và điều "không thể tin nổi" của Đại sứ Mỹ

Đức Huy |

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đánh giá cao chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ cũng như tiến trình phát triển quan hệ song phương giữa hai nước.

"Không thể tin nổi"

Tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng hôm 6/7, trước mắt Đại sứ Osius khi đó một bên là Tổng thống Mỹ Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, cùng các quan chức cấp cao của Washington - những người đóng vai trò chủ nhà.

Còn phía bên kia, những vị khách, là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và các thành viên Bộ Chính trị.

"Tôi đã phải tự cấu mình. Tôi không thể tin nổi những gì đang diễn ra trước mắt khi đó. Đó là một khoảnh khắc vô cùng quan trọng trong mối quan hệ Việt - Mỹ" - Đại sứ Osius phát biểu trong khuôn khổ cuộc họp báo hôm nay (28/7) tại Lãnh sự quán Mỹ tại Hà Nội,

Đại sứ Osius phát biểu trong cuộc họp báo tại Lãnh sự quán.

Đại sứ Osius phát biểu trong cuộc họp báo tại Lãnh sự quán hôm nay (28/7).

"Hơn cả tính biểu tượng"

Cũng theo ông Osius, Tổng thống Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chuẩn bị hết sức chu đáo, và cả hai đều toàn tâm toàn ý nhưng cũng vô cùng thoải mái trong suốt cuộc họp mặt "lịch sử" hôm 6/7 tại Phòng Bầu dục.

"Cuộc gặp giữa hai bên không thể thành công hơn được" - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông Osius, tuy báo chí hai nước cũng như quốc tế đã nhiều lần sử dụng từ "symbolic" (tạm dịch: mang tính biểu tượng) để nói về chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng ông cho rằng cuộc gặp này "vượt trên cả tính biểu tượng".

"Đôi bên đã có một cuộc gặp rất thực chất kéo dài một tiếng rưỡi tại Phòng Bầu dục. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề có tầm quan trọng to lớn đối với cả hai bên." - Đại sứ Mỹ phát biểu.

Cụ thể, đôi bên đã thảo luận về tương lai quan hệ hai nước, những vấn đề Biển Đông và hàng hải, hợp tác gìn giữ hòa bình, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhân quyền, quyền lao động, biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế, và vai trò của người Mỹ gốc Việt.

Trước khi trở về Việt Nam sau khi tham gia chuyến công du của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Osius đã có chuyến thăm tới quận Cam, bang California, nơi một lượng lớn cộng đồng Việt kiều cũng như người Mỹ gốc Việt đang sinh sống.

Tại đây, ông Osius khẳng định: "Can thiệp vào thể chế chính trị của Việt Nam không nằm trong chính sách của phía Mỹ". Điều này cũng đã được chính Tổng thống Obama nhấn mạnh trong các phát biểu sau đó về cuộc gặp giữa hai nước.

Thay vào đó, phía Mỹ cam kết sẽ "tôn trọng sự khác biệt" trong thể chế chính trị của hai nước, sao cho điều đó không thể trở thành rào cản cho tiến trình phát triển quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.

"Bạn bè"

Trở lại với cuộc gặp song phương, tại bữa trưa do Phó Tổng thống Biden chủ trì cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng hai chữ "bạn bè" để mô tả mối quan hệ hai nước, một cách dùng từ khiến Đại sứ Osius "hết sức ấn tượng".

"Hai chữ 'bạn bè' này với tôi thể hiện sự tin cậy, nó nói lên một mối quan hệ không chỉ dựa trên những trao đổi mà còn mang theo sự gần gũi, thân thiết" - Đại sứ Mỹ nhận xét.

Ông khẳng định, ngoại giao không nên chỉ xoay quanh mục đích chính trị, mà còn phải đề cao mối quan hệ, và đó cũng chính là mô hình ngoại giao mà hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới.

"Quan hệ Việt - Mỹ chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, và tôi tin nó sẽ còn tiếp tục được phát triển hơn nữa trong tương lai" - Đại sứ Osius khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại