Lễ duyệt binh của TQ sẽ "ê chề" vì... Thủ tướng Nhật Bản?

Hải Võ |

Bắc Kinh đang "tiến thoái lưỡng nan" trước vấn đề "mời hay không mời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe" tới lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II vào ngày 3/9 tới.

Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình trước đó từng tiết lộ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời mời tới ông Abe.

Trong vài tháng trở lại đây, nhiều chính khách và quan chức cấp cao Nhật Bản cũng thực hiện các chuyến công du tới Trung Quốc.

Tần suất giao lưu khá thường xuyên này được truyền thông quốc tế đánh giá là để "tạo đà" cho thỏa thuận về việc Thủ tướng Shinzo Abe tham dự lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại hội nghị Ngoại trưởng Đông Nam Á (ASEAN) mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bất ngờ phủ nhận việc nước này tiếp xúc với phía Nhật để thảo luận việc ông Abe thăm Trung Quốc trước hoặc sau lễ duyệt binh.

"Việc này (Shinzo Abe thăm Trung Quốc-PV) hoàn toàn không nằm trong lịch trình" - Vương Nghị cho biết và nhấn mạnh: "Chưa từng nghe nói chuyện ông Abe thăm Trung Quốc vào tháng 9."

Tại cuộc hội kiến song phương với ngày 6/8 vừa qua, ông Vương và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng không hề nhắc nửa lời đến lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Việc này khiến dư luận quốc tế đặt câu hỏi, giữa việc mời Abe và bị từ chối với không mời Thủ tướng Nhật tới lễ duyệt binh, đâu là điều khiến Bắc Kinh "ê mặt" hơn?

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc "tự tung tự hứng"?

Báo chí phương Tây đã nhiều lần đưa ra nhận định, việc Trung Quốc bất ngờ lần đầu tiên tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến II không ngoài mục đích "tô vẽ" vai trò lịch sử của nước này trong cuộc chiến tranh chống phát xít.

Tuy nhiên, động thái này đồng thời đặt Nhật Bản vào một vị thế rất khó lựa chọn.

Nếu vắng mặt ở Bắc Kinh, Thủ tướng Shinzo Abe có thể bị truyền thông Trung Quốc "bêu xấu" bằng cách tuyên bố Nhật Bản thừa nhận "tồn tại khác biệt với xã hội quốc tế" và "lịch sử xâm lược Trung Quốc".

Mặt khác, nếu nhận lời Bắc Kinh, ông Abe sẽ phải đối mặt với dư luận rằng Tokyo đang đồng tình với lập trường và quan điểm của Trung Quốc về vấn đề lịch sử, đẩy Nhật vào "thế khó".

Dù vậy, Đa Chiều đánh giá, dù Thủ tướng Nhật đối diện với lựa chọn khó khăn, thì ông cũng không khiến Trung Quốc dễ chịu hơn trong vấn đề "mời hay không mời" này.

Thứ nhất, Trung Quốc đã "lỡ" lớn tiếng tuyên bố châu Á, cụ thể là chính nước này, là chiến trường lớn nhất trong cuộc chiến chống phát xít.

Nếu không mời được bên trực tiếp tham chiến tại châu Á là Nhật Bản tham dự, Bắc Kinh không tránh khỏi tạo ấn tượng lạc lõng và kệch cỡm về mặt lễ nghi cũng như ngoại giao, khi nước này "tự tung tự hứng" như một "nước chiến thắng".

Ngoài ra, hiện nay đã có nhiều quan điểm chỉ ra, lễ duyệt binh của Bắc Kinh thực chất còn nhằm mục đích gây áp lực lên Nhật Bản bằng hình ảnh "kẻ thắng-người thua", nên nước này phải tìm cách "ép" được Shinzo Abe xuất hiện.

Thứ hai, nếu Trung Quốc đã "thành tâm" mời mà bị Tokyo cự tuyệt, thì Bắc Kinh cũng rơi vào cảnh "ê chề" không kém tình huống trên, đặc biệt khi ông Tập đang nỗ lực xây dựng hình ảnh và hệ thống quan hệ "nước lớn" trên thế giới.

Trung Quốc đã nhấn mạnh, lễ duyệt binh là cách để họ tuyên bố "cùng thế giới bảo vệ thành quả thắng lợi trong Thế chiến II".

Thành quả này chính là trật tự thế giới mà các bên đã xác lập thời hậu chiến. Nói cách khác, Trung Quốc muốn bảo đảm Nhật Bản tiếp tục là quốc gia "chiếu dưới" trong vị thế lịch sử so với nước này.

Trong khi đó, theo Đa Chiều, ngoài việc từ chối tới lễ duyệt binh, ông Abe đang khiến Bắc Kinh "đau đầu" khi từng bước thúc đẩy hiện thực hóa dự luật an ninh mới, cho phép Nhật thực hiện quyền tự vệ tập thể.

Ngay khi quân đội Nhật Bản được phép chủ động tham chiến ở nước ngoài thì trật tự thế giới mà Trung Quốc muốn duy trì để có lợi cho họ cũng bị phá vỡ.

Nhật Bản đang chơi "đòn gió" với Trung Quốc?

Giới quan sát cho rằng, nhận định Thủ tướng Nhật sẽ không tới lễ duyệt binh của Trung Quốc chỉ dựa trên tuyên bố của ông Vương Nghị mới đây thì vẫn còn quá sớm.

Tuy nhiên, trong khi nội các của ông Abe đang nỗ lực để dự luật an ninh mới được Thượng viện Nhật thông qua trươc khi Quốc hội nước này bế mạc, dự kiến vào ngày 27/9 tới, khả năng ông phải "từ bỏ Bắc Kinh" là điều có thể xảy ra.

Trước thực tế lễ duyệt binh của Trung Quốc đang bị phương Tây "tẩy chay", sự hiện diện của Thủ tướng Nhật Bản càng trở thành điều cần thiết đối với Bắc Kinh.

Chính tình thế này đang khiến cho sự kiện mà Trung Quốc dùng để ép Nhật Bản, giờ đang "xoay chiều" khi "bóng đang nằm trên sân của Tokyo".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại