Cuộc chiến IS: Cái giá thực sự của 20.000 quả tên lửa Mỹ

Tuệ Minh |

Tuần trước, Mỹ tiết lộ thông tin rằng từ tháng 8/2014 đến nay, Không quân Mỹ đã thả hơn 20.000 quả bom và tên lửa xuống các mục tiêu IS ở Iraq và Syria.

Đây không chỉ là một sự lãng phí lớn mà còn đem lại nguy cơ tiềm tàng cho an ninh quốc gia Mỹ.

Hoạt động này đã làm cạn kiệt kho đạn dược và vũ khí của Mỹ khiến Washington phải xem xét các kế hoạch sản xuất thêm hoặc tìm kiếm nguồn tài trợ để mua chúng.

Bài báo trên USA Today cũng đăng tải một bình luận của cố vấn công nghiệp quốc phòng cho rằng Quốc hội Mỹ đã cắt giảm quá nhiều chi tiêu quốc phòng khiến kho vũ khí của nước này còn lại quá ít bom và tên lửa chỉ sau một năm.

Dường như không một ai đặt ra câu hỏi: Tại sao Quốc hội không sử dụng tiền một cách hợp lý để gia tăng số lượng vũ khí trong kho thay vì cứ mang bom đi ném một cách “vô tội vạ” và không có chiến lược như vậy?

Thực tế, không chỉ đơn giản là Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến chống IS. Tình hình có thể còn tồi tệ hơn sau khi Mỹ thả 20.000 quả bom.

Theo một báo cáo của AP mùa hè vừa qua, một nguồn tin tình báo đa quốc gia nhận định năm qua không chỉ là quãng thời gian các cuộc không kích của Mỹ thất bại trong mọi mục tiêu chiến lược mà còn là năm chứng kiến sự bành trướng mạnh mẽ của IS.

Theo báo cáo nói trên, các nhà phân tích tình báo cho rằng tình hình tổng thể hiện nay thực sự là một sự bế tắc chiến lược: tổ chức khủng bố IS vẫn duy trì là một lực lượng hồi giáo cực đoan có nguồn ngân sách rủng rỉnh, có khả năng chiêu mộ nhiều phiến quân nước ngoài cũng nhanh như khi Mỹ tiêu diệt chúng.

Cùng lúc đó, IS cũng mở rộng ra nhiều quốc gia hàng xóm như Libya, bán đảo Sinai Ai Cập và Afghanistan.

Nếu như tình huống này chỉ đơn giản là việc Mỹ đang phung phí hàng tỷ USD cho một chiến lược sai lầm thì điều đó cũng không quá kinh khủng.

Song những hệ quả thứ hai và thứ ba của việc này lại rất đáng để suy ngẫm, đó là nó đã khiến an ninh quốc gia Mỹ đứng trước nhiều mối nguy hiểm.

Bộ Quốc phòng Mỹ giờ đây đang chi hàng tỷ USD trong ngân sách eo hẹp để thay thế số tên lửa và bom đã được sử dụng, khiến số tiền dành cho huấn luyện và binh lính ngày càng ít đi.

Một hệ quả khác cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, đó là Mỹ có khả năng phải đối phó với một cuộc chiến trả thù trong khi kho vũ khí, đạn dược hoàn toàn rỗng không.

Ngày 1/8/1990, có người đã dự đoán rằng trong một tương lai không xa, Mỹ có thể gửi nửa triệu binh lính tham gia một cuộc chiến toàn diện.

Mới hôm trước, không ai tính đến Saddam Hussein nhưng chỉ ngày hôm sau, ông ta đã đưa quân xâm chiếm Kuwait và khiến những gì chưa được nghĩ tới bỗng nhiên trở thành có thể.

Tình thế hiện nay cũng tương tự như vậy, sự căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây, cùng sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mọi khả năng cho một cuộc chiến không mong đợi đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nếu Mỹ thả 20.000 quả bom và tên lửa chỉ để chống lại một thực thể không được công nhận, không có không quân, hải quân hay quân đội hiện đại thì phải cần đến bao nhiêu vũ khí mới có thể chiến đấu với một cường quốc cùng lực lượng vũ trang tiên tiến của họ? Sẽ ra sao nếu một cuộc chiến không thể tránh khỏi diễn ra trong tương lai gần?

IS đại diện cho một mối đe dọa khủng bố toàn cầu nhưng không phải là một nguy cơ sống còn đối với Mỹ. Một cuộc chiến với Nga hay Trung Quốc mới là vấn đề đáng bàn.

Làm thế nào mà Bộ Quốc phòng, Quốc hội hay chính quyền Tổng thống có thể giải thích với người dân Mỹ rằng các lực lượng vũ trang của Washington không thể hoạt động hiệu quả bởi vì đã hết sạch tên lửa?

Tình huống như vậy sẽ trở thành thảm họa đối với Mỹ và lợi ích của Washington trên thế giới.

Trong khoảng thời gian “không một đồng xu dính túi” như hiện nay của Lầu Năm góc, điều quan trọng là Washington cần phải đưa ra một chiến lược hiệu quả chống IS.

Các nhà phân tích hy vọng rằng Mỹ sẽ không lún sâu vào một cuộc chiến tranh khác trong tương lai gần trong khi vẫn đang phung phí nguồn tài nguyên vào một cuộc chiến thất bại ở hiện tại, khiến an ninh quốc gia rơi vào những nguy cơ không cần thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại