Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc đang làm gì tại Syria?

Hải Võ |

Một số lực lượng đặc chủng đã được quân đội Trung Quốc triển khai ở Syria, Iraq... Đây được cho là tín hiệu về khả năng Trung Quốc can thiệp quân sự ở Trung Đông trong tương lai.

Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) hôm 10/10 dẫn nguồn trang StrategyPage (Mỹ) cho biết, năm 2015, Bắc Kinh đã lần đầu công khai chi tiết về hoạt động của các lực lượng bộ đội đặc chủng nước này.

Trong đó, Trung Quốc thừa nhận một bộ phận lực lượng biệt động được điều động tới Iraq, Syria, Afghanistan cùng các khu vực bất ổn khác để bảo vệ những quan chức ngoại giao của họ.

Các nhóm đột kích nói trên nhận được sự quan tâm của giới quan sát bởi phạm vi hoạt động đã được nâng cao lên nhiều so với "một phân đội" phụ trách an ninh cho các nhà ngoại giao.

Lực lượng này cũng đi theo tàu chiến Trung Quốc tuần tra chống cướp biển tại vùng biển của Somali. Theo Cankaoxiaoxi, biệt động Trung Quốc còn được đưa vào lực lượng gìn giữ hòa bình mà nước này gửi tới Liên Hợp Quốc, hoạt động tại các khu vực đặc biệt nguy hiểm.

Các đội biệt động không chính thức cũng được Bắc Kinh cử đến một số khu vực mà lợi ích và nhu cầu kinh tế của Trung Quốc cần được bảo vệ đặc biệt. Chính phủ Trung Quốc tỏ ra hài lòng với hiệu quả của các lực lượng này.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng Syria bùng phát, truyền thông quốc tế nhiều lần đưa tin quân đội Trung Quốc can thiệp quân sự vào quốc gia này, thậm chí nói rằng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc "đã vào vùng biển của Syria".

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc chưa từng lên tiếng xác nhận bất kỳ thông tin nào trong số đó.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mới đây cũng khẳng định, "Bắc Kinh chưa nắm được thông tin về khả năng Không quân tham gia không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)".


Lực lượng đặc biệt của Trung Quốc được điều động tới Syria, Iraq... chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ quan chức. (Ảnh minh họa).

Lực lượng đặc biệt của Trung Quốc được điều động tới Syria, Iraq... chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ quan chức. (Ảnh minh họa).

Chuyên gia thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (Nga) Vasily Kashin nhận định, dù Trung Quốc can thiệp quân sự vào Syria bằng bất kỳ hình thức nào thì cũng không bị các bên phản đối.

Đồng thời, theo ông Kashin, nếu Bắc Kinh can thiệp vào tình hình Syria thì điều này đồng nghĩa với việc họ chấm dứt chính sách ngoại giao mềm mỏng, chờ thời có tên "taoguangyanghui" của ông Đặng Tiểu Bình mà Trung Quốc theo đuổi hơn 30 năm qua.

Trước khi Trung Quốc có thái độ rõ ràng Syria, nước này vẫn nỗ lực né tránh những hành động can thiệp lộ liễu.

"Rất rõ ràng, Trung Quốc đang xúc tiến chuẩn bị công nghệ, kỹ thuật cho thời điểm đó (can thiệp quân sự vào Syria: Xây dựng hạm đội viễn dương, chế tạo các tàu vận tải chiến lược và nâng cao năng lực tác chiến của không quân." - Vasily Kashin đánh giá.

Theo Đa Chiều (Mỹ), lực lượng đặc chủng của quân đội Trung Quốc hiện diện tại Syria, Iraq... mặc dù chỉ để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho quan chức nước này, nhưng cũng có khả năng là tín hiệu đầu tiên về việc Trung Quốc "động binh" ở Trung Đông.

Cuộc xung đột Syria có thể còn tiếp diễn trong thời gian dài và thời điểm Trung Quốc quyết định can thiệp quân sự vẫn chưa thể xác định được. Nhưng chắc chắn, Bắc Kinh sẽ lựa chọn một cơ hội đủ lớn để "nâng tầm" nhà lãnh đạo của họ trên trường quốc tế, Đa Chiều kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại