Belarus nhắn gửi Nga: Đừng nghe những lời người ta nói...

Hồng Anh |

Giải thích về lập trường của Belarus, Tổng thống Alexander Lukashenko nhấn mạnh quốc gia ông chưa bao giờ cố gắng xích lại gần phương Tây.

"Có những cuộc nói chuyện giữa những người theo chủ nghĩa tự do ở Nga, giữa giới lãnh đạo Nga về việc Belarus bắt đầu ngả theo phương Tây.

Hãy loại bỏ điều đó ra khỏi tâm trí của các vị, hỡi người dân và cả giới lãnh đạo Nga. Chúng tôi đã luôn, và sẽ đứng về phía Nga", ông Lukashenko bày tỏ.

Chúng tôi luôn đứng về phía Nga và sẽ luôn như vậy, và đừng ai nói về bất cứ 'sự ngả theo' nào. Có những thế lực ở Nga muốn hạn chế ảnh hưởng của mô hình kiểu Belarus, của Lukashenko tới các quá trình diễn ra ở Nga".

Tổng thống Belarus
Alexander Lukashenko
Hãy để chúng tôi có vị trí riêng, ý kiến riêng. Nếu tôi quay lưng đi sau sự kiện Crimea (sáp nhập và Nga hồi năm ngoái), liệu có thể có được các nền tảng cho đàm phán (ở Minsk) hay không? Không bao giờ.

Mặc dù vậy, ông Lukashenko vẫn khẳng định: "Chúng tôi là một quốc gia độc lập. Chúng tôi là anh em với Nga, nhưng chúng tôi muốn sống trong căn nhà riêng của mình".

"Chúng tôi sẽ tới Moscow ngày 8/5 và chứng minh rằng chúng tôi là một phần của thế giới Nga".

Những lời bộc bạch này được đưa ra không lâu sau khi ông Lukashenko tuyên bố không tới Moscow dự lễ kỉ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng, với lý do "có quá nhiều việc phải thực hiện và cuộc duyệt binh ở Minsk (ngày 9/5) không thể tiến hành nếu không có tôi".

Quyết định này đã khiến danh sách các nhà lãnh đạo thế giới không tới Moscow dự lễ kỉ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít dài thêm, và làm cho Nga cùng nhiều nước phương Tây bất ngờ.

Trước đó, đã có nhiều nhận định cho rằng ông Belarus đang tích cực "tấn công quyến rũ" cả về kinh tế và ngoại giao, nhằm giành thiện cảm của phương Tây, bất chấp những lệnh trừng phạt đang áp đặt lên mình.

Học giả người Mỹ William H. Hill còn cho rằng, dù không ngồi trên bàn đàm phán, song Belarus chính là nước đã thắng lớn trong cuộc gặp 4 bên của nhóm Normandy nhằm tìm lối thoát cho vấn đề Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Belarus nhấn mạnh, sở dĩ Minsk trở thành "thủ đô kiến tạo hoà bình", đóng vai trò tích cực trong quá trình hoà giải xung đột ở đông Ukraine, không chỉ bởi danh tiếng nước này đang tốt lên, mà còn bởi thực chất, họ đã "bị lôi vào cuộc chiến".

"Người dân của chúng tôi đã bắt đầu tham gia chiến đấu - một vài người theo phe này, một vài người theo phe khác. Giờ đây, con số này chỉ còn rất nhỏ thôi.

Nếu họ muốn chiến đấu và muốn chết vì 10.000 USD - đó là lựa chọn của họ, thì cứ việc. Đó không phải là điều gì đáng sợ. Chiến tranh sẽ kết thúc, và các chiến binh đó, với máu trên tay, sẽ quay trở về nhà".

Dù vậy, ông bày tỏ: "Tôi không muốn người Belarus tới bể máu và bỏ mạng ở đó. Điều này chỉ khiến xung đột leo thang".

Tổng thống Lukashenko khẳng định, Minsk sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn căng thẳng leo thang ở Donbass và tránh cho chiến tranh tràn qua biên giới tới các nước khác.

Cũng về cuộc đàm phán hoà bình Minsk, ông Lukashenko cho rằng, việc Mỹ tham gia vào Nhóm Normandy sẽ có tác động tích cực đối với quá trình gây dựng hoà bình và ổn định ở đông Ukraine. "Nếu Mỹ tham gia, sẽ có hoà bình ở Ukraine".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại