Bắc Kinh "nhảy dựng" sau chuyến thị sát biển Đông của Tư lệnh Mỹ

Hải Võ |

Trung Quốc vô cùng tức tối với việc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Mỹ Scott Swift tham gia chuyến bay trinh sát dài 7 giờ đồng hồ trên Biển Đông hôm 18/7.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã ngày 20/7 đăng tải bài xã luận dài phân tích "4 từ khóa" để phản ứng với động thái cứng rắn từ Washington.

"Biển Đông"

THX cho rằng, nếu tướng Swift chỉ tham gia cuộc trinh sát để "hiểu rõ tính năng của máy bay P-8A Poseidon" thì Tư lệnh này không cần dùng "thời gian quý báu trong chuyến công du Philippines" để làm điều đó.

Theo hãng tin này, ông Swift cũng không cần "tuần tra khu vực nhạy cảm như Biển Đông" hay thông báo rầm rộ về hoạt động này trên truyền thông.

Truyền thông Trung Quốc lập tức gắn liền sự kiện mới này với việc máy bay P-8A Poseidon của Mỹ hôm 20/5 trinh sát không phận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xâm chiếm trái phép trên Biển Đông.

Giới quan sát Trung Quốc chỉ trích hãng tin CNN và quân đội Mỹ "bắt tay" bôi xấu nước này để quốc tế hóa tình hình căng thẳng Biển Đông, gây áp lực lên Bắc Kinh.

THX "giãy nảy" rằng, chuyến bay trinh sát của Đô đốc Swift "là sự cố ý tạo dư luận sai nhằm vào vấn đề Biển Đông để khiến Trung Quốc gặp áp lực từ dư luận quốc tế".

Đô đốc Scott Swift (trái) trên chuyến bay trinh sát ở Biển Đông ngày 18/7.

Đô đốc Scott Swift (trái) trên chuyến bay trinh sát ở Biển Đông ngày 18/7.

"Philippines"

THX gọi hành động của ông Scott Swift mới đây là món "đại lễ" dành tặng Philippines, khiến nước này "mở cờ trong bụng".

Phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino III tuyên bố: "Ngày càng có nhiều tiếng nói đồng tình với việc đứng lên hành động để giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình. Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của quốc tế đối với lập trường của Manila."

Đô đốc Swift mới được Washington bổ nhiệm làm Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương từ cuối tháng 5/2015. Việc Manila là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của ông được đánh giá là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.

Viên tướng Mỹ nhấn mạnh mục đích lựa chọn Manila là "trạm đầu" là để "tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh quân sự Mỹ-Philippines".

Sau Philippines, ông Swift sẽ tiếp tục chuyến thăm một đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Nhật Bản.

Sự hiện diện của máy bay P-8A Poseidon ở Biển Đông được cho là nhằm thẳng vào mối đe dọa từ các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở khu vực này.

Sự hiện diện của máy bay P-8A Poseidon ở Biển Đông được cho là nhằm thẳng vào mối đe dọa từ các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở khu vực này.

"P-8A Poseidon"

Máy bay P-8A Poseidon của Mỹ là cái tên được báo chí quốc tế nhắc đến rất nhiều sau vụ Trung Quốc 8 lần cảnh cáo máy bay này tuần tra Biển Đông hôm 20/5.

Đây là loại máy bay chủ yếu được sử dụng cho mục đích tuần tra, trinh sát và chống tàu ngầm. Hồi tháng 2, Mỹ đã tuyên bố đưa loại máy bay này tới Philippines để thực hiện nhiệm vụ tuần tra Biển Đông.

THX dẫn lời chuyên gia quốc phòng Trung Quốc nhận định, trong tình hình hiện tại, Biển Đông là khu vực tuần tra "chuẩn bị chiến đấu" lý tưởng nhất đối với các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của nước này.

Trong khi đó, tính chất của máy bay trinh sát P-8A Poseidon cũng như các tuyến tuần tra của nó "bao phủ phạm vi hoạt động của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc".

Điều này cho thấy Washington đang "nhắm" thẳng vào các tàu ngầm của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương
Đô đốc Scott Swift
Chúng tôi có nhiều lực lượng được triển khai trên toàn khu vực, nhằm thể hiện sự cam kết của Mỹ đối với quyền tự do di chuyển. Hiện tồn tại nhiều động lực gây bất ổn tại khu vực (tức Trung Quốc-PV), điều này tạo ra sự mơ hồ, thiếu tin tưởng giữa các quốc gia trong khu vực … Tôi ước tôi có một quả cầu pha lê để nhìn thấy tương lai. Tôi cảm thấy quan ngại trước các động lực hiện đang diễn ra tại khu vực làm phá vỡ các quy tắc chuẩn.

Theo THX, mặc dù khả năng bùng phát chiến tranh hạt nhân trên thế giới là rất nhỏ, nhưng việc Trung Quốc xây dựng sức mạnh hạt nhân "có sức uy hiếp" trên Biển Đông đã trở thành mối đe dọa đối với Mỹ và đồng minh.

Nói cách khác, P-8A hiện diện trên Biển Đông để hạn chế tối đa khả năng Bắc Kinh sử dụng tàu ngầm hạt nhân "làm càn".

"Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương"

Theo THX, Hạm đội Thái Bình Dương là tiên phong của quân đội Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, đồng thời là người tiền nhiệm của Đô đốc Scott Swift ở vị trí Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, từng rất nhiều lần lên tiếng cáo buộc các hành động bành trướng ngang ngược của Bắc Kinh trong khu vực.

Hồi tháng 5, ông Harris đã công khai chỉ trích Trung Quốc "khiến các quốc gia láng giềng bất an và làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong khu vực".

Đô đốc Harris cũng tuyên bố thẳng thừng trong tháng 6 rằng: "Biển Đông là vùng biển quốc tế, không phải 'ao nhà' của Trung Quốc." Ông cũng kêu gọi quân đội Nhật Bản tham gia tuần tra trên Biển Đông.

Các Tư lệnh của Hạm đội Thái Bình Dương luôn là những người có thái độ cứng với Trung Quốc.

Các Tư lệnh của Hạm đội Thái Bình Dương luôn là những người có thái độ "cứng" với Trung Quốc.

Đối với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh thiết lập tại biển Hoa Đông tháng 11/2013, Harry Harris khẳng định "hoàn toàn xem như vô giá trị", và nhấn mạnh việc Trung Quốc có lập ADIZ ở Biển Đông hay không "cũng vô dụng với quân đội Mỹ".

Sau khi Harris thăng chức và Swift kế nhiệm, tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tiếp tục "kế thừa" lập trường "siêu cứng rắn" với Bắc Kinh.

Tương Swift còn tuyên bố "chắc nịch" rằng, quân đội Mỹ bảo đảm sẽ là "chỗ dựa vững chắc cho đồng minh và đối tác trước bất kỳ sự kiện bất ngờ nào".

Ông cũng kỳ vọng các hoạt động quân sự như tập trận chung được mở rộng hơn nữa ở Đông Nam Á với sự tham gia của nhân tố Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại