Chính quyền Ba Lan trước đây đã mạnh mẽ bác bỏ khả năng chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 đang phục vụ trong không quân nước này cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Không chỉ có vậy, Warsaw còn đề cập đến việc thiếu máy bay đối với hàng không quân sự của mình, hoặc nhấn mạnh rằng chưa có cuộc thảo luận nào cho chủ đề như vậy.
Tuy nhiên như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Marcin Osiepa đã nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Warsaw sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Kyiv về việc cung cấp F-16, nhưng với một số điều kiện:
"Không thể chỉ có Ba Lan ủng hộ Ukraine. Mặc dù chúng tôi sẵn sàng đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực này, nhưng Warsaw không phải là người duy nhất".
Theo ông Osiepa, Warsaw trước đó đã chủ động cung cấp vũ khí cho Kyiv, Ba Lan là nước đầu tiên gửi xe tăng Leopard 2 cho Lực lượng vũ trang Ukraine, như một phần của "liên minh quốc tế" rộng lớn, tức là phương Tây.
Các nhà cung cấp tiêm kích F-16 tiềm năng khác bao gồm Đan Mạch và Hà Lan, khi họ đã lên kế hoạch thay thế những chiếc F-16AM/BM (mặc dù đã được nâng cấp) bằng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ năm F-35A hiện đại.
Không quân Ukraine đã tiến rất gần tới việc sở hữu tiêm kích F-16 Fighting Falcon.
Mặc dù vậy, cho tới lúc này vẫn chưa có quyết định chính thức nào về việc NATO viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Dự kiến nếu trung tâm huấn luyện (có lẽ đặt tại Romania) được khai trương vào tháng 8 hoặc tháng 9, các máy bay chiến đấu sau khi nhận được sự chấp thuận bàn giao của Mỹ, có thể bắt đầu hoạt động trên không phận Ukraine vào tháng 3 năm sau.