Với vị thế là một trong những nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lực cầu trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, ngân hàng ANZ nhận định 1 quốc gia khác ở châu Á là Ấn Độ sẽ bù đắp phần thiếu hụt đó.
ANZ dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ sẽ sớm vượt Trung Quốc. Đến cuối thập kỷ này, quốc gia Nam Á sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Điều đó có nghĩa là nhu cầu về hàng hóa cơ bản của Ấn Độ chắc chắn sẽ tăng lên, có thể giúp bù đắp hơn một nửa khoảng trống mà Trung Quốc để lại, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
“Nhu cầu của Ấn Độ chắc chắn sẽ tăng lên nhanh chóng, được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố gồm dân số trẻ, làn sóng đô thị hóa, ngành sản xuất cũng như xuất khẩu liên tục mở rộng và trên khắp đất nước này có rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng đang và sẽ được xây dựng”, các chuyên gia phân tích của ANZ viết.
Ấn Độ vừa vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa được dự báo sẽ tăng từ mức 35% hiện nay lên 40%. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu về năng lượng và kim loại tăng vọt.
Nhu cầu của Ấn Độ đối với các hàng hóa chủ chốt – như dầu mỏ, than đá, khí đốt, đồng, nhôm và thép – được dự báo sẽ tăng tổng cộng hơn 5% từ nay đến năm 2030, theo ước tính của ANZ.
Trong khi đó, nhu cầu của Trung Quốc đối với các hàng hóa này sẽ giảm từ 1 đến 3%. Đến cuối thập kỷ này, tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 3,5%. Quý II/2023, GDP Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức kỳ vọng 7,3%.
Cũng theo ANZ, nhu cầu về dầu mỏ và than đá sẽ tăng mạnh nhất. Hiện hơn 80% lượng dầu mỏ mà Ấn Độ tiêu thụ đến từ nguồn nhập khẩu. “Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu carbon, tuy nhiên những nỗ lực này bị cản đường bởi nhu cầu năng lượng quá lớn, và để đáp ứng được nhu cầu thì sẽ phải sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch”.
Cơ quan hoạch định và phân tích thị trường xăng dầu Ấn Độ (PPAC) dự báo lượng sản phẩm xăng dầu Ấn Độ tiêu thụ trong năm 2024 sẽ tăng gần 5% so với mức hiện tại, lên gần 234 triệu tấn.
Chính phủ Ấn Độ ngày càng tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng và đầu tư cho tài sản cố định. Điều này sẽ khiến nhu cầu về sắt và thép tăng vọt.
Tuy nhiên ANZ cho rằng khó có thể lấp đầy khoảng trống nhu cầu mà Trung Quốc để lại trên thị trường sắt và nhôm. “Đối với nhôm và thép, sự bù đắp từ Ấn Độ sẽ không quá bền vững, đơn giản bởi vì nhu cầu của Trung Quốc đối với 2 mặt hàng này quá lớn”, báo cáo của ANZ viết.
Trung Quốc tiêu thụ hơn 50% tổng lượng thép và các kim loại công nghiệp được sản xuất ra trên toàn cầu.
Ngân hàng này nhận định Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục giữ vị thế “người khổng lồ” trên thị trường hàng hóa, nhưng Ấn Độ sẽ nổi lên là “nước có tầm ảnh hưởng đáng kể”.
Tham khảo CNBC