Những người đứng chôn chân gần 2 tiếng đồng hồ ở đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) những ngày này, nhìn thấy tòa nhà mình ở hoặc làm việc cách đó không xa nhưng không tới nổi, đều dùng những từ như “khủng khiếp”, “kinh hoàng”, cơn ác mộng”… để nói về cảnh tắc đường nghiêm trọng ở đây. Nguyên nhân là lô cốt phục vụ thi công một số hạng mục của dự án Nhà máy nước thải Yên Xá chiếm đến 2/3 mặt đường.
Đang mong ngóng thảm cảnh này chóng kết thúc, nhiều người dân “hết hồn” khi thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, tình trạng tắc đường nghiêm trọng sẽ còn kéo dài. “Đây là công trình trọng điểm của thành phố nên chúng tôi bắt buộc phải thi công, không còn con đường nào khác. Về tiến độ hoàn thành của những công trình này, chúng tôi cần một thời gian dài” , một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nói.
Thậm chí, tình trạng người xe tắc cứng trên đường có thể còn tệ hại hơn, vì sẽ có thêm nhiều điểm quây lô cốt. Theo đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội, dọc đường Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi về Trần Phú (Hà Đông), trung bình cứ 150 - 200 m sẽ có một giếng thi công.
Cảnh tắc đường khủng khiếp ở trục Nguyễn Xiển khi "lô cốt' chiếm đến 2/3 lòng đường.
“Cao điểm, dự kiến có khoảng 10 điểm quây tôn trong cùng một thời điểm. Trung bình mỗi điểm thi công kéo dài nhanh nhất 7-8 tháng. Nếu khu vực nào bị vướng công trình ngầm sẽ phải dịch tim ra ngoài đường", đại diện ban quản lý dự án nói và tiết lộ: "Tôi có mặt ở công trường cả thứ Bảy, Chủ nhật, cứ 5 phút lại thấy một người dân đi qua ca thán nhưng không biết làm thế nào".
Làm thế nào, đó là câu hỏi mà tất cả cơ quan chức năng liên quan phải gấp rút đưa ra câu trả lời, chứ không thể coi chuyện người dân phải chịu khổ là đương nhiên. Đây không chỉ là sự vất vả, mệt mỏi, ức chế khi phải mất hàng tiếng đồng hồ để vượt qua chặng đường ngắn, mà còn là thiệt hại về kinh tế của nhiều cá nhân, hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp khi công việc ngưng trệ.
Thực hiện công trình trọng điểm là bắt buộc, nhưng song song với việc xây dựng kế hoạch thi công, tìm ra giải pháp giao thông hữu hiệu cũng cần được coi là nhiệm vụ bắt buộc.
Thế nhưng bao lâu nay, các đơn vị thi công, cơ quan quản lý dường như chỉ cần “được việc” cho mình, còn những hệ lụy của nó là tắc đường, bụi bẩn… thì mặc kệ người dân. Một tấm biển “Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này” có vẻ như đủ cho họ yên lòng đẩy cái khó cho người dân, để dân chịu thiệt thòi, khổ sở thậm chí cả năm trời.
Trở lại với con đường Nguyễn Xiển, thời gian thi công hàng năm trời không có nghĩa người dân phải chịu cảnh cơ cực ngần ấy thời gian. Các cơ quan, đơn vị chức năng phải lập tức đưa ra đáp án cho câu hỏi bức xúc nhất hiện nay: Đường bị bít để thi công dự án, vậy giải pháp giao thông thay thế là gì? Những giải pháp đang áp dụng đã thực sự hợp lý, khoa học chưa, có thể tìm ra cách nào tốt hơn không? Tình trạng tắc, người xe “đông cứng” một chỗ sẽ kéo dài bao lâu nữa?
Từ chuyện tắc đường Nguyễn Xiển và tình trạng tương tự vẫn diễn ra ở Hà Nội bao nhiêu năm qua, người dân đòi hỏi các cơ quan chức năng coi việc đảm bảo giao thông ở khu vực thi công là yêu cầu bắt buộc để có phương án tối ưu trước khi bắt tay vào thực hiện dự án.