Công bố đáp án và trao giải câu hỏi: VN nối tầng tên lửa SAM-2?

Chuyên gia quân sự Minh Quân |

Như vậy, gần như 100% các bạn tham gia đều đã xuất sắc "giải độc" huyền thoại "nối tầng tên lửa SAM-2". Nhóm chuyên gia công bố đáp án và bạn đọc được trao thưởng như sau.

Cuộc đối đầu giữa B52 của Không lực Hoa Kỳ và SA-2 (SAM-2) do Liên Xô chế tạo trong tay những người lính Việt Nam và trên bầu trời Việt Nam đã sản sinh ra nhiều huyền thoại, từ ra-cót tức tên lửa bằng cót ép đến “nối tầng cho tên lửa SAM-2”.

Nếu chỉ xét về mặt thuần tuý kỹ thuật thì việc nối tầng cho SAM-2 là bất khả thi. Quả đạn tên lửa nói riêng và các thiết bị, khí tài kèm theo nó vốn được thiết kế là một chỉnh thể.

Thay đổi thiết kế của đạn tên lửa nghĩa là phải thay đổi tất cả, từ bệ phóng đến điều khiển, từ cơ khí đến điện tử. Khó khăn nhất có lẽ nằm ở thiết kế khí động học của đạn tên lửa.

Nối thêm một tầng nữa nghĩa là thay đổi trọng tâm của tên lửa, từ đó dẫn đến phải thay đổi vị trí, hình dạng các cánh nâng, cánh dẫn hướng, cánh phá ổn định,… phải thiết kế lại hệ thống điểm hoả tầng, cắt tầng,…

Đây thực sự là điều không tưởng với nền khoa học kỹ thuật của Việt Nam khi đó.

Thực tế, chúng ta cũng chả cần phải nối tầng

Các loại tên lửa phòng không mà chúng ta có trong biên chế là loại SA-75 (SA-2C), sau đó là loại SA-75M (SA-2D) sử dụng đạn tên lửa loại V-750V hoặc V-750VM đều có trần bắn cao là 27km đối với máy bay và đến 30km nếu bắn khinh khí cầu.

Trong khi đó, trần bay tối đa của B52 chỉ có 17km và để ném bom hiệu quả nó phải bay ở trần cao từ 5 đến 10km. Như vậy quá dễ để thấy, SA-2 chả cần “nối tầng” cũng có thể bắn hạ B52 không khó khăn gì trong một cuộc đối đầu bình đẳng, minh bạch.

Nhưng B52 không “mình trần” để bay vào vùng trời Bắc Việt, B52 được trang bị một tấm “áo giáp” mà người Mỹ tự tin và ngạo mạn là không gì xuyên thấu được.

Để đối phó với tên lửa phòng không Việt Nam, B52 được trang bị đủ các thể loại nhiễu, từ tiêu cực đến tích cực, từ nhiễu chặn, nhiễu ngắm đến nhiễu trượt, nhiễu tạp, nhiễu tông,…

Từ gây nhiễu ngoài đội hình đến gây nhiễu trong đội hình, từ mỗi máy bay một máy gây nhiễu đến thời điểm cuối năm 1972 mỗi máy bay B52 được trang bị đến 25 máy gây nhiễu gồm 11 loại.

Nhiễu trên B52 nói riêng và của các loại máy bay chiến đấu của Mỹ nói chung đã gây ra không ít thiệt hại cho ta, nhiều đơn vị tên lửa bắn hàng chục quả đạn mà không diệt được máy bay nào còn bị tên lửa Shrike bắn trúng gây thương vong và hỏng khí tài.

Thế nhưng cuối cùng thì B52 và các loại F, loại E vẫn chịu thua trước tên lửa SA-2, thua đau nhất là trên bầu trời Hà Nội. Và từ đó cái huyền thoại về “nối tầng cho tên lửa SAM-2” ra đời.

Cái huyền thoại này từ đâu mà ra, không có lửa thì làm sao có khói?

Huyền thoại này theo phỏng đoán của chúng tôi có lẽ bắt nguồn từ sự rắc rối của tiếng Nga. Trong tiếng Nga, cả tên lửa lẫn đạn phản lực không điều khiển đều được gọi chung là Raketa (ракета).

Chúng ta thực sự không cần thiết phải nối tầng SA-2, nhưng chúng ta đã thực sự nối tầng cho loại đạn phản lực ĐKB nhằm tăng tầm bắn.

Thời ấy, bí mật quân sự, nhất là bí mật về các loại vũ khí mới được giữ gìn rất kỹ, nhưng dù sao thì có bức tường nào mà không có kẽ, nên có thể người ta đã gán việc nối tầng đạn phản lực ĐKB sang cho SA-2, cả hai đều là Raketa mà!

Trước khi B52 tham chiến và rụng lả tả trên bầu trời Hà Nội, người Mỹ thường quảng cáo về nó như một vũ khí tối thượng, bất khả chiến bại.

Không ít người tin vào điều đó, và khi chứng kiến B52 bị tên lửa Việt Nam quật ngã họ lại càng tin vào cái huyền thoại “nối tầng” kia, phải thế nào thì mới đánh được B52 chứ, chắc là nối tầng rồi. Cái huyền thoại ấy thế là cứ sống mãi đến tận bây giờ.

Thực tế, để đánh được B52 thì vào cuối năm 1972, tên lửa SA-2 trong tay Bộ đội Phòng không Việt Nam đã khác khá nhiều so với năm 1964.

Những bộ khí tài tên lửa qua bàn tay tài hoa của những người lính Việt Nam, cùng với khối óc thông tuệ của những nhà khoa học Việt Nam và sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của các chuyên gia Liên Xô đã thắng mọi loại nhiễu tiên tiến nhất mà B52 được trang bị.

Làm thế nào để SAM-2 vít cổ được B-52?

Có nhiều giải pháp kỹ thuật, sáng kiến đã được áp dụng cho SA-2, nhưng có 3 nhóm giải pháp chính, nổi bật nhất. Đó là:

- Chống nhiễu tiêu cực thường gây ra hiện tượng che khuất hoàn toàn mục tiêu khiến màn hiện sóng của radar trắng xoá và tên lửa nổ sớm trước khi có thể gây sát thương cho máy bay địch.

Chúng ta đã khắc phục bằng cách cải tiến giữ chậm ngòi nổ theo lệnh K3 để tên lửa vượt qua nhiễu tiêu cực mới mở bảo hiểm ngòi vào thế chiến đấu.

- Chống nhiễu rãnh mục tiêu thường gây ra hiện tượng radar bị sai lạc các thông số về cự li, phương vị, độ cao của mục tiêu hoặc quá tải máy thu ta đã áp dụng phương pháp “bắn ba điểm”.

Thực tế là chuyển từ phương pháp bắn "vượt nửa góc" - phương pháp ПС - bám sát tự động sang phương pháp bắn bám sát vào dải nhiễu và bằng tay.

Phương pháp này đòi hỏi sự kết hợp điêu luyện giữa các trắc thủ trong kíp điều khiển và đặc biệt là sự tinh tế của từng trắc thủ. Phương pháp này có tác dụng tương đối tốt trong giai đoạn 1965-1968 nhưng tỏ ra ít hiệu quả trong giai đoạn 1972.

Đồng thời lắp đặt thêm hệ thống quan sát mắt sử dụng 2 kính TZK (hệ thống ПА-00):

Hệ thống ПА-00 khi được đồng bộ với radar Fan Song (bằng phương pháp so kim) đã giúp radar dẫn bắn xác định tương đối tọa độ mục tiêu để tập trung búp sóng chính của radar vào mục tiêu nhằm vượt lên sự ngăn chặn của nhiễu.

Sau này các loại Fan Song sản xuất mới của Nga đều có thêm một kênh quang học chống nhiễu chính là kinh nghiệm được rút ra từ Việt Nam.

Để chống nhiễu rãnh đạn, thường làm tên lửa bay lên nhưng không bắt được sóng điều khiển phải tự huỷ hoặc bị mất điều khiển ở giai đoạn cuối, SAM-2 được chuyên gia Liên Xô tăng công suất máy phát lên tới 3 lần khiến máy gây nhiễu của đối phương trở nên vô dụng.

- Giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ, khi mà các loại máy gây nhiễu trên máy bay các loại đã chuyển sang sử dụng thế hệ mới nhất thì các biện pháp nêu trên không còn hiệu quả.

Tất cả các loại radar với các loại sóng từ cm đến dm hay sóng m đều bị nhiễu rất nặng khiến cho hiệu suất đánh trúng mục tiêu của tên lửa SA-2 giảm xuống cực thấp.

Lúc này chúng ta phát hiện ra trong trang bị của chúng ta có một loại radar còn dư một băng sóng chưa bị Mỹ gây nhiễu. Đó là loại radar K8-60 dùng cho pháo cao xạ 57mm do Trung Quốc chế tạo và viện trợ.

Đây là loại radar dùng sóng cm trên hai băng sóng 10cm và 3cm. Băng sóng 10cm trùng với băng sóng của radar tên lửa nên cũng bị gây nhiễu, chỉ còn băng sóng 3cm.

Người Mỹ biết Việt Nam có loại radar này và thông số kỹ thuật của nó, nhưng họ không quá chú ý đến nó bởi họ nghĩ pháo 57mm chẳng bao giờ với tới được tầm bay của B52.

Những kỹ sư quân giới Việt Nam đã rất sáng tạo và thông minh khi đồng bộ radar K8-60 với radar nhìn vòng P-12 của bộ khí tài tên lửa SA-2.

Sau khi đồng bộ, các thông số của mục tiêu B52 đã thông qua búp sóng của radar K8-60 hiện rõ trên màn vico của xe điều khiển, B52 đã bị lột trần.

Chính từ giải pháp kỹ thuật này mà bộ đội tên lửa Việt Nam đã góp phần quan trọng nhất làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972.

Tóm lại, “nối tầng cho tên lửa Sam-2” chỉ là một huyền thoại không có thật. Nhưng để đánh thắng B52 thì tên lửa SA-2 cũng trải qua nhiều cải tiến kỹ, chiến thuật không kém phần huyền thoại.

Có nhiều câu trả lời hay, tuy nhiên hầu hết bạn đọc chỉ tập trung vào yếu tố kỹ thuật để giải đáp rằng Việt Nam không cần thiết phải "nối tầng tên lửa SAM-2", chỉ duy nhất bạn đọc Lê Quang Hưng đã lý giải hài hòa cả yếu tố kỹ thuật và yếu tố "truyền miệng".

Chuyên mục quân sự quyết định trao thưởng cho bạn Lê Quang Hưng. Xin chúc mừng bạn và mong bạn tiếp tục nhiệt tình chia sẻ thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Câu trả lời của bạn Lê Quang Hưng như sau:

Theo tôi, ý kiến trên mang tính tuyên truyền nhiều hơn là yếu tố khoa học kĩ thuật. Đặc điểm kĩ thuật của SAM-2:

Tầm bắn khoảng 45 km, độ cao mục tiêu từ 100-30000 m, bán kính tiêu diệt mục tiêu là 65 m. Năm 1964, SAM-2 vào Việt Nam do Liên Xô viện trợ gồm loại S-75 (SA-2C), sau đó là loại S-75M (SA-2D).

Cả hai loại này đều có khả năng bắn đến độ cao 27 đến 30km - tức là vượt quá khá nhiều so với trần bay 17km của B52. Mà thực ra thì để oanh kích hiệu quả B52 phải bay ở trần thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 10km.

Vì thế, SAM-2 hoàn toàn có khả năng bắn hạ B-52 mà không cần gắn động cơ phụ. Thứ hai, ta đã dùng loại radar cực kì “lạc hậu” nhưng hiệu quả - K8-60 để bắt B-52.

Ta ghép phần tử mục tiêu của radar K8-60 làm việc ở dải sóng 3cm (do Trung Quốc chế tạo viện trợ cho ta) với đài điều khiển SAM-2, bộ khí tài được gọi chung là KX.

Một điều thú vị, radar K8-60 có khả năng phân biệt B-52 với các loại máy bay cường kích, tiêm kích giả (tín hiệu nhiễu) B-52 mà không bị B52 gây nhiễu.

Thứ ba, có yếu tố tuyên truyền gắn với tên tuổi của một “huyền thoại vũ khí Việt Nam” – Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ông đã "nối tầng", khiến SAM-2 dư sức bắn hạ B52. Ta thử suy ra xem, Liên Xô không hề đặt vấn đề nối tầng cho SAM – 2.

Nghĩa là họ xác định SAM-2 dư sức vươn đến tầm cao B52. Huống hồ kĩ thuật của ta sao có thể nối thêm tầng cho tên lửa được?

Có chăng, hiểu nhầm ở yếu tố này: “Quân chủng phòng không không quân tìm cách ghép phần tử mục tiêu của radar K8-60 làm việc ở dải sóng 3cm với đài điều khiển SAM-2, bộ khí tài được gọi chung là KX”.

Từ đó, thông tin ghép đài ra đa có thể bị hiểu nhầm qua ghép tầng tên lửa? Đó chắc chắn là giai thoại không thực.

Trân trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại