Việt Nam đã nên mua máy bay tiếp dầu trên không? - Công bố trao giải

Nhóm chuyên gia Quân sự |

Hầu hết bạn đọc đều cho rằng trong tương lai gần Việt Nam chưa cần thiết phải mua máy bay tiếp dầu trên không và có những kiến giải khá hợp lý. Với câu hỏi mở này, nhóm chuyên gia quân sự công bố các bạn đọc được trao giải như sau.

Bạn đọc Mai Anh (15h12, ngày 27-10-2015)

Theo mình nghĩ thì trước sau gì thể nào Việt Nam cũng sẽ mua máy bay tiếp dầu trên không, có điều là mua khi nào, chọn loại nào, của ai mới là cái đáng quan tâm. Bởi lẽ:

- Mặc dù Su-30MK2 hiện nay thừa sức tác chiến trên biển ở bán kính cỡ 1.000km nhưng rõ ràng dự trữ nhiên liệu lớn bằng cách có tiếp dầu trên không sẽ đảm bảo cho hoạt động tuần tra, tác chiến trên không dài hơn mà không cần phải quay về căn cứ để tái nạp nhiên liệu. 

- Tác chiến biển đảo không thể tính đường bay thẳng từ đất liền ra nơi có xung đột, có thể sẽ phải bay vòng, tạo bất ngờ bằng góc tiếp cận mà đối phương ít chú ý nhất. Qua đó nâng cao hiệu suất chiến đấu của các máy bay chiến đấu đa năng như Su-30MK2. 

- Su-30MK2 đã có cần tiếp dầu, chắc hẳn phải có lý do thì khi mua chúng, Việt Nam đã không cắt bỏ tính năng này. Một cách lý giải đơn giản là giữa các Su-30MK2 có thể tiếp dầu lẫn cho nhau, tương trợ khi gặp tình huống bất trắc.

Chẳng hạn khi Việt Nam chưa có máy bay tiếp dầu đúng nghĩa, nếu một hoặc một vài Su-30MK2 khi bay huấn luyện hoặc bay nhiệm vụ biển xa khi quay về không đủ nhiên liệu, nó có thể được tiếp sức bởi một số máy bay Su-30MK2 khác mang theo vòi/nhiên liệu để tiếp “máu” lẫn cho nhau. 

Nhưng rõ ràng, có cần tiếp dầu mà chỉ để phục vụ mõi nhiệm vụ tiếp “máu” khẩn cấp thì quá phí. Tôi cho rằng Việt Nam có nhu cầu sử dụng máy bay tiếp dầu. 

Vấn đề là với ngân sách có hạn như hiện nay, việc trang bị cho Không quân một lượng máy bay chiến đấu hiện đại đã là cố gắng rất lớn, không thể đòi hỏi luôn và ngay máy bay tiếp dầu chuyên nhiệm.

Việc phân bổ ngân sách cho mua sắm hiện nay có lẽ là khá khó khăn bởi cùng lúc phải chia miếng bánh vốn rất khiêm tốn cho Hải quân (tàu nổi, tàu ngầm, tên lửa bờ), tên lửa phòng không thế hệ mới, máy bay vận tải và trực thăng vận tải/vũ trang còn cấp bách hơn.

Vả lại, đáng lưu ý hiện nay chưa xuất hiện ứng viên máy bay tiếp dầu trên không nào đủ tốt, phù hợp với Việt Nam.

Quả thực sẽ là rất tuyệt với nếu CASA C-295M có bản tiếp dầu vì chúng sẽ đồng bộ với bản máy bay vận tải, việc bảo đảm, sửa chữa, thay thế lẫn nhau sẽ dễ dàng với chi phí thấp.

Nhưng theo tôi biết thì hiện nay họ mới chỉ đang thử nghiệm bản C-295M chữa cháy, chứ không phải tiếp dầu.

A-400M tanker của châu Âu thì quá đắt, C-130J-30 Tanker thì khó mua bởi Mỹ chưa sẵn sàng bán. Cả 2 loại này nếu mua thì sẽ kéo theo hệ lụy vô cùng lớn là phải đào tạo kỹ thuật, chi phí cho số lượng máy bay nhỏ cực kỳ tốn kém.

IL-78 “Midas” của Nga thì lại quá to, trừ khi Việt Nam mua một số máy bay vận tải IL-76MD-90 để cùng chia sẻ, đồng bộ về cơ sở bảo đảm kỹ thuật.

Khả năng này là có thể, nếu Việt Nam được Nga cấp tín dụng, nhưng bản thân “Gấu Nga” cũng đang bí bách khi giá dầu giảm và có nguy cơ phải kéo dài cuộc chiến ở Syria.


Su-30MK2 của Không quân Venezuela thực hành tiếp dầu trên không.

Su-30MK2 của Không quân Venezuela thực hành tiếp dầu trên không.

Còn KC-390 thì có vẻ hợp, gọn vừa đủ, giá mềm hơn A-400M nhưng cần phải có thời gian tìm hiểu thêm.

Như vậy, ước mơ có máy bay tiếp dầu trên không trong vòng 5 năm tới là không khả thi. Chí ít, phải sau 2020 thì triển vọng mới sáng sủa. Lúc bấy giờ có khi ta không phải chỉ có 4 trung đoàn Su-27/30, mà có thể đã lên tới 6 trung đoàn (>80 chiếc).

Bạn đọc Nguyễn Xuân Tiến (09h00, ngày 28-10-2015)

Hiện nay tình hình Biển Đđông đang có những diễn biến mới, việc mấy năm gần đây chúng ta mua sắm tàu ngầm, tàu chiến, máy bay,… là hết sức đúng đắn tuy nhiên điều kiện kinh tế nước ta còn hạn chế nên việc mua sắm các trang thiết bị phải tính toán kỹ lưỡng.

Theo tôi hiện nay nước ta chưa nên mua máy bay tiếp dầu trên không cho Su-30 MK2 vì những lý do sau: 

1. Thứ nhất: 
Do tình hình kinh tế nước ta còn eo hẹp, thế trận trên hướng Biển Đông là thế trận phòng ngự nên việc mua sắm vũ khí của chúng ta cũng đi theo hướng đó.

Cùng với đó hiện nay các quân, binh chủng khác với vũ khí, trang bị có nguồn gốc từ thời Liên Xô cũng đã già cỗi cần được nâng cấp, nên việc mua máy bay tiếp dầu trên không hiện nay chưa cần thiết.

2. Thứ 2: 

Do chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Hải quân từng quốc gia khác nhau cho nên tổ chức, bố trí lực lượng để tạo ra sức mạnh hoàn toàn khác nhau.

Việt Nam triệt để lợi dụng thế địa lý của mình đã và đang xây dựng một thế trận cho phòng thủ biển với một mục tiêu chiếm ưu thế trên không với địch khi tác chiến.

Với bờ biển dài hơn 3000 km, trong đó có quần đảo Trường Sa cách bờ 600 km, Việt Nam đã và đang cài đặt thế trận, xây dựng một đội hình tấn công đột kích vào các mục tiêu cụ thể với thành phần lực lượng gồm máy bay Su-30MK2, Su-22M4, Su-27…, tên lửa Bastion-P, tàu ngầm KILO, tàu khu trục Gepard 3.9, tàu tên lửa nhỏ Molnyia, hệ thống trinh sát phát hiện từ xa… để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam.

- Thông số kỹ thuật của Su-30MK2 có khả năng mang được tối đa 9.725kg nhiên liệu, tầm bay 3000km, khi tác chiến ở Biển Đông quần quần đảo Trường Sa cách đất liền 600km cộng thêm Su-30MK2 được trang bị các tên lửa đối đất, đối không, đối hải có tầm bắn tới 300km đây là cánh tay nối dài của không quân như vậy việc tiếp nhiên liệu trên không là hoàn toàn không cần thiết.

3. Thứ 3:

Hải quân Mỹ đã xây dựng học thuyết quân sự không-hải chiến nhằm từng bước kiểm soát cuộc chơi trong tình hình mới. Trọng tâm của chiến lược này đang nhắm vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương nơi đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trung Quốc cũng không ngoại lệ họ đã bắt đầu thiết lập thế trận “không-hải chiến” trên biển Đông nhằm đạt được tham vọng bá quyền của mình. Su-30MK2 là một tiêm kích được thiết kế chuyên dùng cho nhiệm vụ đánh biển.

Như vậy Su-30MK2 chính là “át chủ bài” cho chiến lược đối phó với không-hải chiến của Việt Nam trên biển Đông, cho phép Su-30MK2 phá thế trận không-hải chiến mà đối phương thiết lập trên Biển Đông. Dựa vào địa thế nhô ra ngoài biển Đông kết hợp với tốc độ cao.

Hiện nay, thế trận tác chiến chống xâm nhập bằng đường biển thường có 3 tuyến. Tuyến 1 là lực lượng ngăn chặn từ xa do các tàu tác chiến viễn dương và tàu ngầm, kết hợp với không quân đảm nhiệm; tuyến 2 là các tàu tuần tiễu, tàu tên lửa cỡ nhỏ và tuyến 3 là lực lượng phòng thủ bờ đối hải.

Nhưng trên thực tế không phải nước nào cũng đủ điều kiện xây dựng đủ 3 tuyến phòng thủ từ xa đến gần.

Xây dựng tuyến 1 với các tàu mặt nước hạng nặng như: Tàu hộ vệ, tàu khu trục, tàu chi viện tổng hợp, tàu trinh sát điện tử…, chỉ phủ hợp với các nước có chiến lược quân sự vươn ra biển xa, hơn nữa các loại tàu này quá đắt.

Nước ta là nước đi theo mô hình phòng thủ bờ biển, nên ưu tiên phát triển mạnh tuyến 2 và 3, còn tuyến 1 không thiên về lực lượng tàu tác chiến mặt nước tầm xa, nhiệm vụ này chủ yếu được giao cho lực lượng không quân và tàu ngầm của ta.

Bạn đọc Nguyễn Văn Tuấn (15h46, ngày 12-11-2015 · Thừa Thiên Huế)

Trước hết chúng ta phải hiểu rõ thông số kĩ thuật của Su-30MK2.Tốc độ bay tối đa của Su-30MK2 đạt 2.100km/h, cự ly tối đa 3.000km và có thể lên hơn 8.000km nếu được tiếp nhiên liệu trên không.

Đặc biệt dòng máy bay được mệnh danh là "Hổ mang chúa"” này còn có khả năng phát hiện mục tiêu cách xa vài trăm ki-lô-mét nhờ hệ thống ra-đa điều khiển hỏa lực tầm xa.

Theo dõi cùng lúc hàng chục mục tiêu và tấn công đồng thời 4 mục tiêu cùng một lúc, hệ thống hoả lực trang bị trên máy bay khá đa dạng và hiện đại từ bom, tên lửa cho đến rốc-két,….

Chúng ta có thể thấy nếu tính từ bờ biển nước ta ra các đảo chỉ khoảng 600km thì chúng ta không cần máy bay tiếp dầu trên không bởi các lí do sau: 

1/ Điều kiện tài chính nước ta chưa cho phép sắm máy bay chiến đấu với số lượng lớn. chúng ta mua Su-30MK2 từ năm 2003 đến giờ chúng ta mới có tất cả 23 chiếc. Máy bay tiếp dầu cực kì đắt đỏ nên chúng ta phải xem xét thật kĩ khi mua loại máy bay này.

2/ Với tầm bay của Su30Mk2 là 3000km chưa kể các tên lửa không - đối - không tầm xa được coi là cánh tay nối dài của máy bay. Như vậy thì Su-30MK2 thừa sức bảo vệ và ôm trọn biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

3/ Đất nước chúng ta yêu chuộng hòa bình nên chỉ mua các hệ thống có tính chất phòng thủ như các hệ thống tên lửa S-300. hệ thống rađa tầm xa ... máy bay Su-30MK2 cũng có tính năng tương tự như vậy.

Chúng ta bảo vệ đất nước với chiến thuật bất đối xứng , lấy ít đánh nhiều và đánh nhanh rút gọn để bảo vệ các vũ khí chúng ta hiệu quả nhất.

Kết luận: hiện giờ chúng ta nên tập trung nâng cấp các hệ thống sân bay dã chiến để máy bay chúng ta xuất kích một cách nhanh chóng, bí mật và an toàn.

Nâng cấp và mua mới các hệ thống phòng thủ tinh vi để đảm bảo các phương tiện trinh sát và vũ khí của đối phương không thể lọt vào. Mua thêm các tàu ngầm để bảo vệ biển đảo thiêng liêng chúng ta 1 cách hoàn hảo nhất....

Máy bay tiếp dầu hiện giờ là không cần thiết. Cảm ơn bạn đã xem bài !!!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại