Theo tờ Want Daily (Đài Loan), đó là do Moscow lo ngại Bắc Kinh sẽ ăn cắp những công nghệ tiên tiến của họ.
Trung Quốc vốn có tiếng ăn cắp công nghệ của Nga từ thời Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Trung Quốc trở thành một trong những khách hàng lớn mua máy bay chiến đấu Su-27.
Phía Nga sau đó đã cho phép Tập đoàn hàng không Thẩm Dương (Trung Quốc) mở một dây chuyền sản xuất mẫu máy bay này cho cả không quân và hải quân Trung Quốc, được định danh là J-11.
Chính điều này đã mở đường cho làn sóng sao chép vũ khí Nga một cách dữ dội tại Trung Quốc.
Những sản phẩm mà Trung Quốc sao chép từ Nga tạo nên một cuộc tranh cãi gay gắt giữa 2 nước về quyền sở hữu trí tuệ. Và tiêm kích J-11B (phiên bản nâng cấp của J-11) chính là sản phẩm sao chép gây nhiều tranh cãi nhất giữa Nga - Trung.
Trung Quốc cũng bắt đầu trở thành đối thủ tiềm tàng của Nga ở thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu khi họ tìm cách bán mẫu máy bay này cho các quốc gia khác.
Máy bay chiến đấu thế hệ 5 T-50.
Theo Want Daily, đề phòng các kỹ sư Trung Quốc ăn cắp công nghệ và sau đó tự nhận là của mình, Nga đã lựa chọn Ấn Độ - đối thủ của Trung Quốc ở trong khu vực - để cùng phát triển mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 T-50.
Mặc dù Ấn Độ không có công nghệ để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 nhưng nước này có thể đóng góp thông qua hỗ trợ tài chính.
Vừa qua, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết vào tháng 11 tới, đoàn đại biểu quân sự nước này sẽ ký thỏa thuận mua 154 máy bay chiến đấu thế hệ 5 FGFA (phiên bản T-50 dành cho Ấn Độ).
Phía Ấn Độ hy vọng việc sản xuất hàng loạt sẽ được bắt đầu từ năm 2021 và tổng chi phí của chương trình này ước tính khoảng 35 tỷ USD.
Còn Trung Quốc hiện đang phát triển 2 mẫu tiêm kích tàng hình J-20, J-31. Song, do không thể tự chủ trong sản xuất động cơ máy bay chiến đấu, Trung Quốc từng phải cử một phái đoàn tới Nga để đàm phán hợp tác phát triển động cơ cho J-20.