Kể từ sau khi lực lượng cánh tả lên nắm quyền ở một loạt quốc gia châu Mỹ La tinh, chính sách “hiếu chiến” của Colombia trong quan hệ với các quốc gia láng giềng đã được đẩy mạnh.
Trong chiến lược này của Colombia, chính quyền Juan Manuel Santos rất coi trọng phát triển lực lượng không quân.
Sau sự “trỗi dậy cánh tả” tại châu Mỹ La tinh, Mỹ đang làm tất cả những gì có thể để duy trì sự hiện diện chính trị-quân sự của mình ở khu vực này.
Trong chiến lược ở khu vực này, vai trò của Colombia đối với Mỹ ngày càng gia tăng. Do đó, Mỹ đã tăng cường trợ giúp tài chính cho chế độ Manuel Santos và điều này đã cứu chế độ Santos khỏi sự sụp đổ.
Hiện nay, Mỹ đang lên kế hoạch thực hiện chiến dịch hiện đại hóa quy mô lớn cho không quân Colombia do Mỹ xác định Colombia sẽ là “tiền tuyến” trong chiến lược tăng cường ảnh hưởng địa chính trị tại Nam Mỹ.
Việc thiết lập các căn cứ không quân hiện đại sẽ giúp Mỹ có được những ưu thế vượt trội về mặt địa lý và thời gian trong việc có thể tấn công các mục tiêu ở Venezuela, Brazil, Ecuador.
Rất nhiều sân bay ở Colombia đã được hiện đại hóa và có khả năng tiếp nhận các máy bay vận tải hạng nặng, cũng như các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của NATO.
Lực lượng không quân của Colombia hiện đang sở hữu 22 máy bay tiêm kích đa năng “Kfir” C.7/C.10/C.12/TC.7 do Israel sản xuất, 15 máy bay cường kích hạng nhẹ “Embraer” EMB-314 “Super Tucano” do Brazil sản xuất, 11 máy bay cường kích A-37 “Dragonfly”, 9 máy bay cường kích hạng nhẹ OV-10A “Bronco” do Mỹ cung cấp, 8 máy bay đa năng “Basler” BT-67, 2 máy bay vận tải C-295M.
Ngoài ra, không quân nước này còn sở hữu 96 máy bay vận tải-huấn luyện hạng nhẹ các loại khác nhau và 73 trực thăng (trong đó có 22 trực thăng UH-60L "BlackHawk").
Không quân của Lục quân Colombia có trong trang bị 20 máy bay đa năng hạng nhẹ các loại khác nhau do Mỹ sản xuất, 2 máy bay vận tải C-212, 2 An-32B do Ukraine cung cấp, 21 trực thăng đa năng Mi-17, 57 trực thăng UH-60L/S-70 “BlackHawk” và 40 trực thăng UH-1Н/UH-1N "Iroquois".
Không quân của Hải quân Colombia được trang bị 2 máy bay vận tải C-212-100, 2 CN-235, 19 máy bay hạng nhẹ do Mỹ cung cấp và 12 trực thăng các biến thể khác nhau, trong đó có 1 Mi-8МТV-1).
Do Không quân Colombia sở hữu phần lớn máy bay đã lạc hậu nên có thể nhầm tưởng rằng không quân nước này không thể tạo nên mối đe dọa nào đối với các quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, yếu tố cần phải tính đến là Quân đội Colombia có kinh nghiệm tác chiến được tích lũy từ giai đoạn chiến tranh chống du kích (nội chiến ở Colombia vẫn đang diễn ra kể từ giai đoạn 1964). Không quân nước này cũng có nhiều nhân vật có xu hướng thân Mỹ.
Về phần mình, do mong muốn tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại Colombia nên Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một loạt điều luật về chi tiêu quân sự cho việc cải tiến các sân bay (sửa chữa đường băng cất-hạ cánh, tăng cường cơ sở hạ tầng…).
Ngoài ra, Mỹ cũng đang được quyền sử dụng tất cả các sân bay của Colombia vào mục đích quân sự và quân nhân Mỹ cũng nhận được quyền miễn trừ xét xử ở trên lãnh thổ Colombia.
Trong trường hợp các quân nhân Mỹ phạm tội nào đó, chính quyền địa phương phải trao trả họ cho các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc quân sự của Mỹ ở Colombia. Theo thống kê, hiện Mỹ có từ 7-14 căn cứ tại Colombia.
Tiêm kích Rafale của Pháp.
Tăng cường tái trang bị
Để có thể tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại “hung hăng” như hiện nay, chính phủ Colombia đang tăng cường hiện đại hóa các đơn vị không quân một cách không tiếc tiền.
Các công ty hàng không của phương Tây hiện cũng đang chuẩn bị ký hàng hoạt hợp đồng quân sự có giá trị lớn với Chính phủ Colombia.
Tháng 11/2015, Pháp đã đề nghị Colombia mua 18 tiêm kích “Miraz” 2000-5F hiện đang có trong biên chế của mình. Theo các thông tin do tạp chí “Infodefensa” công bố, hợp đồng này có thể rơi vào khoảng 500 triệu USD.
Hiện các tiêm kích “Mirage" 2000-5F vẫn đang trong tình trạng kỹ thuật tốt và có thể được bán với giá 350 triệu USD. 150 triệu USD còn lại sẽ được sử dụng cho công tác bảo dưỡng kỹ thuật và dịch vụ đi kèm.
Ngoài ra, để đáp ứng các nhu cầu của phi công Colombia, người Pháp đã sẵn sàng bổ sung cho trực thăng các thiết bị khác, trong đó có hệ thống tác chiến điện tử.
Kế hoạch nâng cấp lô máy bay tiêm kích đã được Chính phủ Colombia công bố từ mùa thu năm 2013.
Ngoài “Mirage” 2000-5F, chính quyền Colombia cũng đang xem xét các máy bay đa năng “Rafale” và JAS-39 “Gripen”. Các máy bay này sẽ được mua sắm để bổ sung thêm cho phi đội “Kfir” mới được cải tiến.
Tuy nhiên, dù phía giới chức quân sự Colombia tỏ ra thích thú với máy bay tiêm kích của Pháp nhưng ưu thế trong cuộc cạnh tranh này vẫn thuộc về F-16C/D của Mỹ vì đây là loại máy bay có thể coi là “sự đồng nhất về học thuyết” giữa Mỹ với Colombia.
Về phần mình, ngay từ tháng 1/2015, đại tướng, cựu Tư lệnh Không quân Colombia Gilermo Leon đã tuyên bố rằng Không quân Colombia cần mua thêm 24 máy bay tiêm kích với trị giá gần 2 tỷ USD.
Theo Leon, các loại máy bay “Kfir” có trong biên chế đang gặp những vấn đề nghiêm trọng vệ hệ thống điện tử, còn động cơ J79-J1EQD cần phải bảo dưỡng về kỹ thuật.
Tư lệnh hiện nay của Không quân Colombia là tướng Jorge Rodriguez Bayesteros khẳng định rằng, lô máy bay tiêm kích mới đầu tiên sẽ được đưa vào trong trang bị trong năm 2017 và việc cung cấp các tiêm kích này sẽ được hoàn thành vào năm 2019.
Rõ ràng, sớm hay muộn Không quân Colombia cũng sẽ nhận được máy bay mới. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến ngân sách Colombia bị ảnh hưởng và những người dân đóng thuế sẽ có thể bất bình và tạo thành làn sóng phản đối kế hoạch này.
Lợi ích của Mỹ là trên hết
Câu hỏi đang được đặt ra ở đây là tại sao Mỹ lại lựa chọn Colombia cho chiến lược Nam Mỹ của mình. Các chuyên gia phân tích đã đưa ra 3 yếu tố để giải thích cho sự lựa chọn này.
Thứ nhất, Colombia có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cho Mỹ trong việc tiếp cận với Nam Mỹ. Colombia có thể kiểm soát không phận, các tuyến đường biển không chỉ ở khu vực phía Nam biển Caribe mà còn ở khu vực phía Tây của Thái Bình Dương.
Thứ hai, các mỏ đá quý trữ lượng lớn đang biến Colombia trở thành một trong những nước cung cấp đá quý hàng đầu thế giới: các mỏ ở Colombia hàng năm khai thác từ 50%-90% sản lượng ngọc bích toàn cầu.
Hơn nữa, việc khai thác khoáng sản ở Colombia tiếp tục gia tăng với tốc độ ấn tượng.
Thứ ba, trong thời gian gần đây, Bolivia đang nổi lên như là một đối trọng của Mỹ. Điều này đang khiến giới lãnh đạo NATO quan ngại trước khả năng đánh mất ảnh hưởng ở Nam Mỹ.
Chính những yếu tố này khiến việc hiện đại hóa Không quân Colombia được thực hiện theo hướng không chỉ bảo vệ các lợi ích quốc gia mà còn theo hướng thực hiện các kế hoạch hiếu chiến trong quan hệ với các nước láng giềng và tiếp tục thực hiện các chiến dịch “trấn áp” biểu tình trong nước.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác khiến Mỹ lựa chọn Colombia là nước này vẫn đang thực hiện chính sách chống Nga mạnh mẽ.
Chính những yếu tố trên sẽ khiến Mỹ có thể tăng cường đầu tư cho Colombia để biến nước này thành “chư hầu”, phục vụ cho các chiến lược của Mỹ ở Nam Mỹ.