TQ sẽ dùng tiêm kích JF-17 đổi lấy thứ gì ở Trung Á?

Việt Long |

Theo Kanwa, TQ và Pakistan có thể nhắm tới các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) như khách hàng tiềm năng cho mẫu tiêm kích đa nhiệm JF-17 Thunder (FC-1 Xiaolong).

Tại triển lãm hàng không Paris hồi tháng 6 năm nay, có thông tin rằng đơn hàng xuất khẩu đầu tiên dành cho mẫu máy bay chiến đấu JF-17 do Trung Quốc-Paksitan hợp tác sản xuất đã được ký kết, các đợt chuyển giao dự kiến bắt đầu trong năm 2017.

Mặc dù theo các chuyên gia công nghiệp, phía nhà sản xuất vẫn giữ bí mật thông tin khách hàng nhưng đã có nhiều nguồn tin chưa được xác nhận cho biết thỏa thuận đã được ký kết với Myanmar hoặc Sri Lanka.

Theo tạp chí Kanwa Defense Review (trụ sở tại Canada), phạm vi xuất khẩu của JF-17 đang bị giới hạn ở Trung Á. Tây Á và Trung Đông là thị trường truyền thống đối với các nhà sản xuất châu Âu và Mỹ.

Không quốc gia nào tại các khu vực này có khả năng nhập khẩu JF-17 trong tương lai gần, mặc dù các quốc gia Arab ở Vịnh Ba Tư đều có kế hoạch nâng cấp các phi đoàn máy bay chiến đấu.

TQ sẽ dùng tiêm kích JF-17 đổi lấy thứ gì ở Trung Á? - Ảnh 1.

Tiêm kích JF-17 tại triển lãm hàng không Paris tháng 6/2015

Trong số các quốc gia Liên Xô cũ ở Trung Á, Kazakhstan có lẽ sẽ không mua JF-17 do mối quan hệ chặt chẽ của nước này với Nga. Gần đây, Kazakhstan đã mua lô máy bay chiến đấu Su-30SM từ Moscow.

Như vậy là chỉ còn lại 3 quốc gia Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan có thể trở thành khách hàng của JF-17. Chưa quốc gia nào trong số này trang bị máy bay chiến đấu mới kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã.

Cả 3 nước này cũng đều là thành viên của SCO, giống như Trung Quốc, Nga và Kazakhstan.

Kanwa cho biết, Trung Quốc và Pakistan đã củng cố mối quan hệ hợp tác kinh tế - quân sự với các quốc gia Trung Á trong những năm gần đây.

5 năm trước, Pakistan đã đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Tajikistan và hiện đang phát triển một đường ống dẫn khí từ Turkmenistan tới Pakistan, đi qua Afghanistan.

Từ năm 2007, Trung Quốc đã cung cấp nhiều khí tài quân sự, quân phục, các khoản vay… cho Turkmenistan, khách mời tham gia Hội nghị thượng đỉnh SCO, dù nước này có vẻ sẽ không mua JF-17 do ngân sách quốc phòng của họ trong năm 2014 chỉ là 200 triệu USD.

Tuy nhiên, Kanwa cho rằng Trung Quốc và Pakistan vẫn có thể bán JF-17 cho các quốc gia Trung Á không đủ khả năng mua máy bay chiến đấu dưới hình thức giao dịch thông thường hoặc qua các khoản vay.

Theo Kanwa, Trung Quốc và Pakistan đều có nhu cầu về khí đốt thiên nhiên và các nguồn năng lượng khác. Vì vậy, họ có thể đồng ý trao đổi các máy bay JF-17 để lấy quyền khai thác các nguồn tài nguyên ở những quốc gia này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại