Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/11 dẫn nguồn tin báo chí Nga cho biết, trong bối cảnh các nước xung quanh đều phát triển rất mạnh thực lực quân sự và tình hình tranh chấp chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp, Hàn Quốc đang buộc phải tính toán nâng cao cả số lượng và chất lượng sức mạnh hải quân của mình, sau khi Trung Quốc có tàu sân bay, Seoul cũng bắt đầu tính toán phải nghiên cứu, chế tạo 1 chiếc hàng không mẫu hạm.
Tờ báo này cho hay, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua ngân sách đóng tàu sân bay, đồng thời các Nghị sĩ nước này cũng kêu gọi giới chức tìm kiếm sự trợ giúp của Mỹ thông qua chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ.
Tàu tấn công lưỡng thê Dockdo của hải quân Hàn Quốc (hình minh họa)
Theo đó, Quốc hội Hàn Quốc đã quyết định chi khoảng 930 ngàn USD trong năm tài khóa 2013 để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu chế tạo tàu sân bay. Điểm đáng chú ý ở đây là khoản ngân sách này không phải do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đề xuất mà là do Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội nước này tự đưa ra.
Hiện tại Hàn Quốc đã thành lập tổ nghiên cứu gồm đại diện Bộ Quốc phòng, chuyên gia quân sự độc lập và các chuyên gia địa phương cùng nghiên cứu xem Hàn Quốc có thực sự cần hàng không mẫu hạm hay không, nếu cần thì cần mấy chiếc, chế tạo như thế nào...
Giới truyền thông Hàn Quốc cũng bình luận xôn xao xung quanh vấn đề này, và lý do nhiều người ủng hộ việc chi cả đống tiền để đóng tàu sân bay là vì không muốn thua chị kém em, "Trung Quốc có mà chúng ta (Hàn Quốc - PV) lại không có", đặc biệt khi so sánh với một số trong 11 quốc gia sở hữu tàu sân bay về vị thế, thực lực hay sức ảnh hưởng không bằng Hàn Quốc.
Hiện tại cả Trung Quốc và Nhật Bản đang theo dõi sát sao các động thái mới này từ Seoul, đặc biệt là kế hoạch triển khai tiếp theo việc đóng hàng không mẫu hạm.
Theo Hoàn Cầu, Mỹ cũng không ngoại lệ bởi Washington thực sự không muốn làm gia tăng căng thẳng ở Đông Á, nhất là giữa 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.