Tàu ngầm Trường Sa: Tiếc nuối cho sáng tạo của người Việt

Thành Chung |

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm bày tỏ ông không chỉ cảm thấy tiếc mà còn thấy rất buồn nếu doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa bán tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa.

Đáng tiếc nếu bán...

Trong bài viết Ông Nguyễn Quốc Hòa: “Tôi sẽ bán tàu ngầm Trường Sa nếu...”, "cha đẻ" tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa đã chia sẻ với chúng tôi rằng ông sẽ bán “những đứa con” của mình nếu Việt Nam thấy không cần thiết hoặc không sử dụng.

Theo ông Hòa, đã có vài doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đề cập tới mua 2 chiếc tàu ngầm của ông.

“Họ cần ý tưởng của chúng tôi và họ cũng muốn ý tưởng được hoàn thiện. Nếu ra được sản phẩm cụ thể thì quá tốt. Nhưng tôi chưa đồng ý vì có thể Việt Nam đang cần” - ông Hòa nói.

Dự định này của ông Hòa gây nhiều bất ngờ. Khi được chúng tôi thông tin về chia sẻ của ông Hòa, dù đang nằm viện, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải Quân vẫn dành thời gian tâm sự những suy nghĩ của mình.

Tướng Lâm cho biết ông cảm thấy rất tiếc nếu việc này xảy ra.

"Không chỉ tiếc nuối đâu mà tôi còn rất buồn nếu anh Hòa bán những chiếc tàu ngầm của mình cho các doanh nghiệp khác hay cho nước ngoài. Bởi lẽ, đây là những sản phẩm sáng chế của người Việt Nam, rất đáng trân trọng, khích lệ" - Tương Lâm chia sẻ.

Tàu ngầm Trường Sa: Tiếc nuối cho sáng tạo của người Việt - Ảnh 1.

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cảm thấy rất tiếc nếu ông Hòa bán tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa.

... Đó là sự sáng tạo của người Việt

Tướng Lâm cho biết, ông đã trực tiếp gặp cả ông "cha đẻ" của tàu ngầm Hoàng Sa và Trường Sa 1 cũng như ông Phan Bội Trân, đồng thời, nghe giới thiệu về chất liệu, công nghệ, hoạt động của các tàu ngầm.

Tàu ngầm Trường Sa: Tiếc nuối cho sáng tạo của người Việt - Ảnh 2.

Tàu ngầm Hoàng Sa thử nghiệm trong bể.

"Tàu ngầm của ông Phan Bội Trân có vỏ tàu được làm bằng composite trong suốt với sóng điện từ và chạy bằng động cơ điện 3 pha. Trong khi đó, tàu ngầm của ông Hòa, vỏ làm bằng thép, chạy bằng động cơ diesel và sử dụng nguyên lý AIP.

Nguyên lý này theo ông Hòa là cho phép khi hoạt động không khí do động cơ tàu xả ra sẽ được qua bộ lọc để lọc hết tạp chất, đưa vào làm sạch, rồi bơm thêm oxy, rồi quay trở lại động cơ, bắt đầu một vòng tuần hoàn mới.

Việc áp dụng, làm chủ được thành công công nghệ AIP phức tạp này là rất đáng hoan nghênh. Quá trình thử nghiệm cũng cho thấy sự thành công của anh Hòa.

Tôi cũng được biết là ngoài chiếc đầu tiên thì ông Hòa cũng đã cho ra đời và đang tiến hành thử nghiệm chiếc tàu ngầm thứ 2.

Cá nhân tôi khi gặp cũng đánh giá rất cao và mong ông Hòa tiếp tục phát huy, hoàn thiện các sản phẩm tàu ngầm của mình" - Tướng Lâm nói.

"Nếu được chấp nhận, đưa vào sử dụng thực tế thì các tàu ngầm của anh Hòa sẽ rất có ích cho dân sự, nghiên cứu cũng như quốc phòng. Việc bán có thể phải tính đến phương án bán đi là rất đáng tiếc" - Tướng Lâm chia sẻ.

Trong khi đó, khi được hỏi về tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, ông chưa được tận mắt thấy nhưng đã theo dõi khá kỹ các thông tin liên quan trên báo chí.

Tàu ngầm Trường Sa: Tiếc nuối cho sáng tạo của người Việt - Ảnh 3.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đánh giá dự án chế tạo tàu ngầm của ông Hòa rất "táo bạo".

Tướng Rinh đánh giá: "Đây là một sự táo bạo của người dân. Tuy nhiên, hiện nay các tàu ngầm này chưa có bất cứ nghiệm thu đề tài khoa học nên chưa được coi là sản phẩm khoa học mà đây mới là các sáng kiến.

Thứ hai là, tàu ngầm này mới chỉ ở mức độ bơi lặn chưa có các trang thiết bị thông tin, liên lạc nên chưa phải sản phẩm hoàn chỉnh, vì thế, có lẽ chỉ phù hợp với mục đích dân sự như du lịch... còn đưa vào quân sự thì chưa được bởi còn liên quan đến nhiều vấn đề khác".

Vì đâu phải bán?

Theo tướng Rinh, với sản phẩm tàu ngầm như hiện nay, nếu ai có nhu cầu mua thì ông Hòa hoàn toàn có thể bán.

"Hiện luật pháp của chúng ta hoàn toàn cho phép việc mua bán các sản phẩm này, do đó, nếu ông Hòa có nhu cầu bán và ai có nhu cầu mua thì có thể xin phép các cơ quan có thẩm quyền để bán.

Từ đó, có thể có thêm nguồn lực để tạo ra các sản phẩm mới hoàn thiện hơn" - Tướng Rinh nêu.

Tương Lê Kế Lâm cũng có chung quan điểm, ông cho biết các quy định hiện hành về Luật Doanh nghiệp, Luật sở hữu trí tuệ... đều cho phép các cá nhân, doanh nghiệp được bán các sáng chế trí tuệ của mình khi có nhu cầu.

Tàu ngầm Trường Sa: Tiếc nuối cho sáng tạo của người Việt - Ảnh 4.

Tàu ngầm Trường Sa 1 thử nghiệm trên vùng biển thuộc cảng Diêm Điền (tỉnh Thái Bình) tháng 5/2014. Ảnh: Zing

"Ở đây, thực sự là rất buồn và tiếc nhưng nếu ông Hòa có nhu cầu bán hoặc có vấn đề gì đó nên phải bán thì tôi nghĩ rằng, việc bán các sản phẩm tàu ngầm này cũng không có vấn đề gì cả, được pháp luật cho phép.

Bởi đây là các sản phẩm của cá nhân, doanh nghiệp, mang tính dân sự không phải là các bí mật quốc gia hay quân sự gì cả. Chúng ta cũng nên chấp nhận việc này.

Trước đây, ông Phan Bội Trân cũng đã bán các tàu ngầm mini của mình cho các công ty của Malaysia và Thái Lan để phục vụ mục đích du lịch nhưng chỉ là bán các sản phẩm chứ không phải bán công nghệ, sáng chế" - Tướng Lâm bày tỏ.

Tướng Lâm cũng chia sẻ thêm về một thực tế là không ít các sản phẩm sáng chế, sáng tạo của các nhà khoa học "nông dân" có tính thực tiễn cao nhưng do nhiều yếu tố đã phải chấp nhận bán cho các đơn vị trong nước hay nước ngoài.

"Cha đẻ" tàu ngầm Yết Kiêu
Kỹ sư Phan Bội Trân
Tàu ngầm có thành công hay không thì phải chờ thời gian và kết quả những thử nghiệm trả lời, nhưng anh Hòa đã có những bước tiến đúng đắn, mục đích rõ ràng và cao đẹp. Chúng ta cũng đừng quá nghiêm khắc hay yêu cầu điều gì quá cao ở anh ấy, bởi nếu thành công, anh ấy đã làm được một điều vẻ vang cho cả dân tộc, còn nếu thất bại, cái duy nhất anh ấy mất chỉ là tiền túi của chính mình.

"Ở đây, có nhiều nguyên nhân từ việc những nhà sáng chế hay chủ doanh nghiệp đó họ không có đủ nguồn lực, tiền bạc để tiếp tục đầu tư cho quá trình nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm của mình.

Thứ nữa là vấn đề từ các cơ quan quản lý cũng còn nhiều điều đáng bàn. Rõ ràng, đây là các sản phẩm mang tính trí tuệ cao chứ không phải là không nhưng thực tế nhiều cơ quan quản lý vẫn còn e dè, lo ngại về về những sản phẩm mới và hữu ích này.

Trong khi ở nước ngoài, cá nhân lẫn tổ chức đều được chế tạo tàu ngầm dân sự

Cho nên, theo tôi trong thời gian tới, các cơ quan chức năng Nhà nước cần có cơ chế để hỗ trợ, giúp đỡ các mặt để việc nghiên cứu, sản xuất và đưa các sản phẩm này vào ứng dụng thực tế, sử dụng cho các mục đích cần thiết" - Tướng Lâm nêu.

Qua đây, Tướng Lâm cũng mong muốn được gửi lời đến ông Nguyễn Quốc Hòa là hãy vững tâm và tiếp tục đưa ra những sáng tạo, hoàn thiện các sản phẩm tàu ngầm của mình.

"Tôi cũng mong, nếu được thì thời gian tới đây, anh Phan Bội Trân, anh Nguyễn Quốc Hòa cùng một số nhà chế tạo khác có thể ngồi cùng với nhau ở một chỗ nào đó để thảo luận, chia sẻ về các sáng kiến, sáng tạo của mình.

Chắc chắn rằng, qua đây, sẽ có nhiều sáng kiến có thể được đưa ra và tôi hy vọng, sau đó, một số sản phẩm mới với nhiều tính năng của người Việt Nam sẽ tiếp tục ra đời.

Và tôi cũng mong được gửi lời tới anh Hòa là hãy luôn vững tâm, thành công và sớm cho ra đời nhiều phiên bản tàu ngầm mới với chất lượng, kỹ thuật cao hơn" - Tướng Lâm nhắn gửi.

Tàu ngầm Trường Sa 1 thử nghiệm trên biển. Nguồn: Đời sống & Pháp luật.

Tàu ngầm Hoàng Sa thử nghiệm thành công trong bể. Nguồn: Báo Đất Việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại