Động thái tăng ngân sách quốc phòng này diễn ra trước sức ép từ phía Mỹ và có thể sẽ khiến người dân không hài lòng.
“Thế giới đang đối mặt với những hiểm họa an ninh mang tính toàn cầu và Nhật Bản muốn đi đầu trong nỗ lực đấu tranh chống lại chúng”, ông Keiichi Katakami, đại sứ Nhật Bản tại EU phát biểu tại Brussels.
“Nhật Bản và toàn thế giới đang đứng trước những kẻ dùng vũ lực và sự dọa dẫm để đạt mục đích của mình”.
Phát ngôn của ông Katakami nhắc đến quyết định phê chuẩn kế hoạch chi tiêu quốc phòng trị giá 41,4 tỉ USD. Đây là lần chi tiêu quốc phòng lớn nhất của Tokyo kể từ khi Thế chiến II kết thúc, khi Nhật Bản đưa đạo luật không gây chiến vào Hiến pháp.
Máy bay chiến đấu F-2 của Nhật.
Khoản tiền này sẽ được dùng để mua về các loại máy bay đánh chặn cất cánh từ tàu quân sự, cùng với việc nâng cấp hai tàu Aegis của Nhật Bản. Chính phủ cũng đang xem xét mua Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) từ Mỹ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lập ra danh sách các loại khí tài quân sự mới cần mua về trong tương lai.
Trong số này có 11 xe chở quân lội nước AAV7, 17 trực thăng săn tàu ngầm Mitsubishi SH-60K, 4 trực thăng Boeing V-22 Osprey, 3 máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk, 6 phi cơ chiến đấu F-35A, 1 máy bay không vận Kawasaki C-2 cùng 36 xe cơ giới khác.
Sự tăng cường phát triển quân đội của Tokyo diễn ra sau khi Mỹ kêu gọi Nhật Bản xây dựng vai trò chủ động hơn nữa nhằm đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Nhà phân tích Luis Simon của Bỉ nhấn mạnh: “Nhật Bản là trụ cột của chiến lược quốc phòng và đối ngoại của Mỹ ở vùng Châu Á – Thái Bình Dương”.
“Xét đến tình hình an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản và Mỹ đều bày tỏ lo ngại đối với cùng một vấn đề”, ông Simon nói.
“Thứ nhất là hiểm họa vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên. Thứ hai là sự phát triển về mặt địa chính trị cũng như quân sự của Trung Quốc cùng khả năng có thể thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực của nước này”.
Washington đã nhiều lần chỉ trích các hoạt động cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trong khi Trung Quốc vẫn một mực khẳng định họ có quyền xây dựng trong vùng lãnh thổ của mình và các đảo sẽ được sử dụng cho mục đích nhân đạo, Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra trên biển trong khu vực.
“Để tồn tại, liên minh Mỹ – Nhật phải thay đổi để thích ứng với tình hình địa chính trị biến động”, ông Simon nói.
Kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe không nhận được sự đồng thuận từ tất cả các phía. Việc ông có ý định cho phép Mỹ mở rộng sự hiện diện của mình tại đảo Okinawa đã vấp phải sự phản đối của người dân.
Hiện hòn đảo này đã có 32 cơ sở quân sự của Mỹ, chiếm 20% diện tích của Okinawa.
Nhiều người dân cũng bày tỏ sự phản đối khi chính phủ Nhật Bản thông qua một đạo luật gây tranh cãi, qua đó cho phép Tokyo triển khai quân bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản trong trường hợp có xung đột xảy ra tại một nước đồng minh.