NATO hoảng sợ vũ khí bí mật của Nga ở Syria

Điền Minh |

NATO cho rằng Nga tạo ra một “bong bóng” có đường kính 600 km ở Syria đủ khả năng làm mù radar, gây nhiễu dẫn đường, ảnh vệ tinh.

Bong bóng chết

Một quan chức khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây tiết lộ Nga có khả năng tạo ra một “bong bóng” có đường kính lên tới 600 km ở Syria.

Điều đáng sợ đối với NATO là “bong bóng” này có khả năng làm mù radar, can thiệp hoạt động của các hệ thống dẫn đường điện tử và thậm chí gây nhiễu ảnh vệ tinh của đối phương…

Lo ngại của NATO xuất hiện sau khi có thông tin ở khu vực chiến sự miền Bắc Syria một hệ thống gây nhiễu điện tử mới của Nga vừa được triển khai.

Hệ thống này được đồn đoán là có khả năng làm mù radar, can thiệp hoạt động của hệ thống dẫn đường và gây nhiễu ảnh vệ tinh.

Máy bay Su-24M của Nga tại căn cứ Hmeimim, Syria
Máy bay Su-24M của Nga tại căn cứ Hmeimim, Syria

Trước đó, một thông tin khác được lan truyền là Nga đã cho triển khai một tàu tuần dương với hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 ở khu vực duyên hải tình Latakia của Syria.

Tổng Tư lệnh tối cao NATO, tướng Mỹ Philip Breedlove đã mô tả các hệ thống này là “bong bóng chống tiếp cận” (A2/AD) của Nga ở Syria.

Giới phân tích phương Tây cũng nhận định các lực lượng của NATO nếu được triển khai cũng sẽ bị làm mù ngay tức khắc bên trong “bong bóng” có đường kính tới 600 km, với trung tâm là căn cứ mà Nga triển khai ở Latakia.

Tuy vậy, giới quân sự phương Tây vẫn chưa hiểu những vũ khí bí mật nào đã được Nga triển khai tại Syria. Họ chỉ có thể phỏng đoán rằng công nghệ này tương tự hệ thống Richag do công ty KRET của Nga sản xuất, song có tầm hoạt động lớn hơn rất nhiều.

Hệ thống tác chiến điện tử Richag của Nga vốn được thiết kế để tránh radar, sonar hoặc các hệ thống phát hiện khác nhằm bảo vệ máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, lực lượng bộ binh cũng như hải quân tránh khỏi các tên lửa không đối không hoặc hệ thống phòng không trong phạm vi vài trăm km.

Chuyện nực cười?

Ngay lập tức, giới bình luận quân sự Nga đã mỉa mai nhận định của phương Tây là “nực cười” nhưng cũng không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào.

Trên thực tế, hệ thống Richag được Nga lần đầu tiên giới thiệu trước công chúng trong Triển lãm hàng không Moscow 2015 (MAKS-2015) vừa qua. Nga hiện có kế hoạch xuất khẩu phương tiện tác chiến điện tử đặc biệt này cho nước ngoài.

Hệ thống Richag-AV hiện được Nga trang bị cho cá trực thăng Mi-8MT
Hệ thống Richag-AV hiện được Nga trang bị cho cá trực thăng Mi-8MT

Hệ thống Richag-AV sử dụng ăng-ten mảng đa chùm với công nghệ DRFM, có khả năng chủ động gây nhiễu và làm mù các hệ thống radar, nhằm bảo vệ máy bay, trực thăng, UAV, các lực lượng bộ binh và hải quân trước các hệ thống vũ khí dẫn đường bằng sóng vô tuyến-điện tử như tên lửa không đối không, đất đối không…

Khi tác chiến, Richag-AV có khả năng vô hiệu hoá radar của mọi hệ thống vũ khí, bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 “Patriot” của Mỹ.

Ngoài khả năng phá sóng radar, Richag-AV có khả năng thu thập cả những dữ liệu tình báo, bao gồm việc tìm ra nguồn bức xạ điện từ bên ngoài.

Báo chí Nga thậm chí còn dẫn ý kiến các chuyên gia trong nước cho rằng chưa có đối thủ nào đủ khả năng chế áp Richag-AV.

Một chi tiết quan trọng khác là Richag có thể được lắp đặt cho bất kỳ loại vũ khí và phương tiện nào với bán kính hoạt động vài trăm km.

Nước mắt cá sấu

Tư lệnh Breedlove thậm chí còn cho rằng các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã bịt lối vào ở Baltic, Biển Đen và cả Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, giới phân tích Nga ngay lập tức gọi những phát biểu của tướng Mỹ là “nước mắt cá sấu”.

Giới phân tích Nga chỉ ra đằng sau sự “tâng bốc” của người Mỹ là những hành động sốt sắng tìm kiếm các “điểm tiếp xúc” nhưng lại lo ngại việc chuyển hướng đột ngột từ đối đầu sang hợp tác với Nga sẽ bị quy là “đầu hàng” (trong vấn đề Syria và Ukraine).

Tướng Mỹ Philip Breedlove
Tướng Mỹ Philip Breedlove

Theo tờ Bình luận quân sự của Nga, một trong những biểu hiện rõ ràng nhất là đã từ lâu, đại sứ của Nga tại Liên hợp quốc V. Churkin không còn bị một “nhân vật bốc đồng” (đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power) đưa ra những lời lẽ gây chiến.

Kể từ khi bùng phát cuộc nội chiến ở Syria, sau đó là cuộc xung đột Ukraine, đại sứ của Nga và Mỹ tại LHQ luôn có những màn đấu khẩu nảy lửa trong các cuộc họp.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã xuống giọng và thay đổi cách diễn đạt liên quan tới vấn đề Syria và Ukraine. Phía Mỹ đã không còn khăng khăng rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi nữa.

Mỹ cũng bắt đầu đưa ra những tuyên bố chỉ trích nhằm vào chính quyền của Tổng thống Ukraine Poroshenko rằng đã vi phạm Thỏa thuận Minsk.

Nhân vụ máy bay A321 của Nga rơi tại bán đảo Sinai của Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng, phía Mỹ cũng đã gửi lời chia buồn và phía Nga cũng đáp lại một cách bình thản, lịch sự.

Báo chí Mỹ thời gian qua liên tục nhắc lại cho Tổng thống Obama về những tuyên bố trước đây rằng Nga chỉ là một cường quốc khu vực, rằng nền kinh tế Nga bị xé nát…

Những diễn biến tại Syria kể từ khi Nga mở chiến dịch không kích IS từ ngày 30/9 đang có lợi cho quân chính phủ Syria. Mới đây nhất, quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát một sân bay trọng yếu ở Aleppo, vốn được coi là thành trì của quân nổi dậy.

Tại Ukraine, việc Kiev tuyên bố hoàn tất rút vũ khí hạng nhẹ cỡ nòng dưới 100 mm khỏi khu vực giới tuyến cũng phản ánh sự thắng thế của Nga.

Chính quyền của Tổng thống Poroshenko đã không còn tỏ ra "hung hăng" như trước nữa mà đang từng bước chấp nhận thực thi Thỏa thuận Minsk.

Việc Nga làm chủ tình hình và đủ khả năng đương đầu rất nhiều khó khăn trên mọi mặt trận do Mỹ và đồng minh gây ra đang khiến gió đổi chiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại